Chuyên gia về Di truyền học khẳng định có thể xác định chính xác ADN của thai nhi từ 12 tuần tuổi trở lên.
Trong vụ việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ (đang bị giam giữ tại Trạm Tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh) mang thai, nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc tinh trùng để trong túi nilon của phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng có thể giúp Huệ mang bầu.
Trước đó, theo điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh, đối tượng Nguyễn Thị Huệ đang mang án tử hình đã nảy sinh ý định tìm cách có thai để tránh án. Huệ đã tìm cách làm quen và nhờ phạm nhân nam có tên Nguyễn Tuấn Hưng giúp đưa tinh trùng và bơm tiêm vào cơ thể.
Có thể xác định cha thai nhi trong bụng nữ tử tù bằng xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa
Cụ thể, trong tháng 8.2015, Nguyễn Tuấn Hưng (27 tuổi, đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản) đã đồng ý bán tinh trùng cho Huệ với giá 50 triệu đồng.
Sau đó, Hưng đã 2 lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi ni-lông, kèm theo bơm tiêm và để vào nơi Huệ sắp đặt trước nhằm lấy số tiền kể trên. Lợi dụng lúc được đi vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, Huệ lấy túi tinh trùng mang vào nhà vệ sinh, dùng bơm tiêm bơm tinh trùng vào buồng tử cung của mình để thụ thai.
Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết qua kiểm tra y tế đã xác định: Nguyễn Thị Huệ có thai khoảng 4 đến 5 tháng tuổi.
Nhiều ý kiến cho rằng, chưa chắc thủ đoạn của Huệ cùng sự giúp sức của phạm nhân Nguyễn Tuấn Hưng đã giúp Huệ có thai. Để xác minh có đúng Hưng là cha thai nhi Huệ đang mang, có thể sử dụng phương pháp chọc dò nước ối để xét nghiệm AND.
Trao đổi với PV, GS Lê Đình Lương - Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Cố vấn khoa học của Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết: “Phương pháp xác định huyết thống cho thai nhi trước khi sinh được ứng dụng phổ biến nhất hiện này là chọc dò nước ối để xét nghiệm ADN”.
Theo GS Lương, chỉ cần thai nhi 12 tuần tuổi trở lên là có thể cho ADN chính xác. Vì lúc này lượng tế bào của thai nhi trong nước ối mới đủ để làm xét nghiệm.
Cụ thể, bác sĩ chỉ cần chọc kim tiêm vào bọc nước ối lấy 3ml nước ối rồi lọc lấy ADN của thai nhi để xét nghiệm.
GS Lê Đình Lương cho hay: “Phương pháp này hoàn toàn không gây tổn thương cho mẹ và thai nhi. Kết quả sẽ có sau vài giờ với độ chính xác rất cao tới 99,99999%. Vì thế, nếu thai nhi đã được 25 tuần tuổi thì lượng tế bào trong nước ối càng dày đặc, càng dễ xét nghiệm hơn”.
Theo GS Lương, yếu tố duy nhất gây nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi là khi người mẹ mang nhóm máu hiếm Rh (tỷ lệ người mang nhóm máu này ở Việt Nam là 0,07%). Lúc đó, người mẹ có nguy cơ sảy thai cao, do đó không nên chọc ối.