Khi máy bay chuyển hướng rất gấp, vì sao không ai phát hiện và gọi điện cầu cứu?
Trong vụ khủng bố 11/9/2011, khi bọn không tặc khống chế 4 chiếc máy bay và điều khiển chúng bay thấp dọc theo nước Mỹ nhắm tới New York và Washington, hành khách và tiếp viên trên máy bay đã sợ hãi bật điện thoại đi động hoặc sử dụng điện thoại trên máy bay để gọi cho người thân cùng hãng hàng không và nhà chức trách.
Thế nhưng khi chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chuyển hướng hình chữ U một cách đột ngột trong đêm tối trên vịnh Thái Lan và bay gần nửa giờ qua 2 thành phố lớn cùng vô số làng mạc của Malaysia, trên máy bay gần như im lặng tuyệt đối. Cho đến nay các điều tra viên không phát hiện ra bất cứ cuộc gọi, tin nhắn hay các thông điệp đăng trên Twitter, Weibo và Instagram hay bất cứ hình thức liên lạc nào từ trên máy bay.
Trong cuộc họp báo tối qua, ông Ahmad Jauhari Yahya, Tổng Giám đốc Malaysia Airlines (MAS) cho biết không có bằng chứng nào cho thấy “bất cứ số điện thoại nào đã tìm cách liên lạc”, đồng thời cho biết họ vẫn đang kiểm tra hàng triệu dữ liệu điện thoại và mạng xã hội để tìm manh mối.
MH370 đã chuyển hướng rất gấp khi đang bay qua vịnh Thái Lan
Việc hành khách và thành viên phi hành đoàn không hề có bất cứ một hình thức liên lạc nào trong thời đại bùng nổ điện thoại hiện nay đã trở thành một chủ đề tranh cãi trong giới phi công, chuyên gia công nghệ viễn thông và nhiều người khác. Hầu hết hành khách có mặt trên MH370 là người Malaysia và Trung Quốc, hai quốc gia mà người dân sử dụng điện thoại rất phổ biến, đặc biệt là những người thường xuyên có các chuyến bay quốc tế.
Một số người cho rằng chiếc Boeing 777 này đã bay quá cao nên các thiết bị điện tử cá nhân không hoạt động được. Còn nhiều người thì tự hỏi liệu hành khách trên chuyến bay này có thực sự đã tìm cách gọi điện hay gửi tin nhắn cầu cứu hay không.
Theo dữ liệu do radar quân sự ghi lại, chiếc máy bay MH370 đã vọt lên cực cao ngay sau khi chuyển hướng, tới độ cao khoảng 13.700 mét, cao hơn trần bay khuyến nghị của Boeing. Sau đó nó đột ngột hạ độ cao xuống 7.000 mét khi băng qua bán đảo Malaysia, và có những lúc bay thấp sát sạt tới 7.000 mét khi ra tới bờ biển, rồi sau đó lấy lại độ cao 9.000 mét và bay ổn định ở mức này.
Ông Vincent Lau, một giáo sư điện tử chuyên về liên lạc vô tuyến tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho rằng độ cao này có thể đã khiến điện thoại di động của hành khách không thể kết nối với các trạm phát trên mặt đất.
Trong vụ 11/9, bọn không tặc đã cho máy bay bay sát mặt đất để hướng tới các mục tiêu ở đô thị, nên hành khách và các tiếp viên vẫn có thể gọi điện từ máy bay cho người thân và nhà chức trách.
Người thân hành khách đang rất sốt ruột và lo lắng
Theo ông Lau, sóng điện thoại bị tản mát và yếu dần theo khoảng cách, thế nên những chiếc điện thoại ở trên máy bay cách mặt đất hàng ngàn mét sẽ nhận được rất ít sóng, nếu không muốn nói là không có gì.
Từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9, các trạm phát sóng mặt đất đã được cải tiến để có thể phủ sóng tốt hơn, tập trung hơn vào những khu vực nhất định trên mặt đất. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa với việc lượng sóng phát lên không trung sẽ ít hơn và cường độ yếu hơn.
Ông Lam Wong-hing, một chuyên gia liên lạc vô tuyến tại Đại học Hong Kong cho biết điện thoại di động truyền phát sóng với công suất 1 watt hoặc nhỏ hơn, trong khi các trạm phát sóng thường truyền phát với công suất 20 watt hoặc hơn. Thế nên có những lúc điện thoại trong máy bay vẫn hiển thị cột sóng nhưng nó vẫn không đủ công suất truyền phát sóng để thực hiện cuộc gọi hay gửi tin nhắn.
Ngoài ra, lớp vỏ kim loại của máy bay cũng làm giảm đáng kể khả năng truyền dẫn của sóng điện thoại. Nếu hành khách áp sát điện thoại vào cửa sổ bằng nhựa của máy bay thẳng hướng với một trạm phát sóng thì họ mới có cơ may thực hiện được cuộc gọi khi đang bay khá cao, vì nhựa thường không cản sóng, ông Lam cho biết.
Nhiều máy bay hiện nay được trang bị hệ thống điện thoại trên khoang sử dụng công nghệ radio hoặc vệ tinh, và khoang thương gia của Malaysia Airlines cũng có thiết bị này. Chiếc máy bay này vẫn tiếp tục gửi tín hiệu lên vệ tinh suốt gần 7 giờ đồng hồ kể từ khi nó chuyển hướng.
Tuy nhiên ngày nay hệ thống điện thoại trên máy bay thường được tích hợp luôn vào hệ thống giải trí trên khoang. Một chuyên gia về viễn thông cho rằng nếu có ai đó cố tình chuyển hướng máy bay và tắt thiết bị phát đáp cùng các thiết bị liên lạc khác, người đó cũng có khả năng vô hiệu hóa hệ thống giải trí để hành khách không thể truy cập bản đồ và nhận ra rằng mình đang bay sai hướng.
Nếu hệ thống giải trí bị vô hiệu hóa thì điện thoại trên máy bay cũng không thể hoạt động được, ông này nói.
Hai vành đai màu đỏ là vị trí cuối cùng của MH370 do vệ tinh xác định
Báo chí Trung Quốc từng đưa tin rằng một số người gọi đến số điện thoại của hành khách trên máy bay MH370 và vẫn nghe thấy tín hiệu đổ chuông, mặc dù tín hiệu đó chỉ kéo dài một vài giây, và không có ai bắt máy. Tuy nhiên các chuyên gia viễn thông cho rằng đó không phải là bằng chứng chứng tỏ điện thoại của hành khách MH370 vẫn đang hoạt động, bởi tín hiệu đổ chuông đó thực ra là tín hiệu khi hệ thống điện thoại quốc tế đang dò tìm và tìm cách kết nối với điện thoại. Nếu hệ thống không dò thấy điện thoại, tín hiệu đổ chuông này sẽ bị ngắt.
Hiện các điều tra viên vẫn không biết chắc liệu có ai trên chiếc máy bay này đã tìm cách gọi điện cầu cứu hay không. Một giả thuyết được đặt ra là có ai đó đã cố tình làm giảm áp suất bên trong chiếc máy bay khi nó bay cực cao, khiến hành khách và các tiếp viên nhanh chóng bị bất tỉnh vì bị thiếu ô-xy. Người chuyển hướng máy bay cũng có thể đã vô hiệu hóa hệ thống mặt nạ ô-xy của hành khách.
Tiến sĩ James Ho tại Đại học Hong Kong cho rằng con người sẽ chết trong vòng vài phút nếu chịu áp suất ngoài trời ở độ cao 13.700 mét. Bảng khuyến nghị về “thời gian ý thức hữu ích” dành cho phi công chỉ ra rằng phi công sẽ bất tỉnh chỉ trong vòng 9 đến 15 giây ở độ cao 13.700 mét với mức áp suất này, so với 5 đến 10 phút ở độ cao 6.700 mét.
Sóng điện thoại cũng rất phổ biến ở nhiều khu vực miền tây Trung Quốc và phía đông Kazakhstan, khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao không có hành khách nào trên máy bay tìm cách gọi điện về nhà cầu cứu nếu nó đã bay lên phía bắc và hạ cánh an toàn chứ không phải bay xuống phía nam tới nơi xa nhất, sâu nhất của Ấn Độ Dương cho đến lúc cạn nhiên liệu.
Nếu máy bay MH370 đã hạ cánh an toàn ở đâu đó và toàn bộ hành khách đều khỏe mạnh, kẻ đã gây ra vụ mất tích bí hiểm nhất của lịch sử hàng không nhân loại này cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khôn lường, đó là lo chỗ ăn ở cho hơn 200 con người có mặt trên máy bay.
Mời độc giả theo dõi toàn bộ thông tin về vụ việc Máy bay Malaysia mất tích trên tin tức EVA. Chúng tôi liên tục cập nhật diễn biến của vụ việc: Cơ phó chuyến bay MH370 chuẩn bị cưới vợ phi công Cơ phó MH370 là người nói 'Chúc ngủ ngon' Không tặc dùng điện thoại di động để cướp MH370? 7 câu hỏi lớn xung quanh sự biến mất bí ẩn của MH370 |