Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, sự lây lan của Hội chứng hô hấp Trung Đông có khả năng gây tử vong đã trở nên nghiêm trọng, đã có 18 quốc gia báo cáo có trường hợp nhiễm MERS.
Trước những diễn biến bất lợi về sự lây lan của virut MERS, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tiến hành họp khẩn tại Geneva Thụy Sỹ với mong muốn minh bạch hóa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.
Sau cuộc họp, các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay vẫn chưa đạt đến mức độ phải ban bố nguy cơ khẩn cấp về sức khỏe gây ra mối quan ngại trên toàn cầu.
Tiến sĩ Keiji Fukuda, trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, ban bố tình trạng khẩn cấp là một hoạt động nghiêm trọng tạo nên sự lo lắng, hoang mang trong cộng đồng.
Chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy MERS liên tiếp truyền từ người sang người
Mặc dù mức nghiêm trọng xét ở góc độ tác động đối với sức khỏe cộng đồng là đáng lo ngại, song hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy MERS liên tiếp truyền từ người sang người. Vì vậy, WHO kết luận rằng chưa thể báo động Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần được sự quan tâm của quốc tế đối với MERS.
Theo báo cáo mới nhất được đưa ra bởi Tổ chức Y tế thế giới, tính trên phạm vi toàn thế giới, đã có 571 trường hợp nhiễm MERS được ghi nhận, trong đó 171 trường hợp tử vong.
Thông báo cũng xác nhận có thêm 16 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm MERS tại Saudi Arabia kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tháng 9/2012 đến nay lên 511 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 157 trường hợp, chiếm tỷ lệ hơn 30%.
Ngoài Saudi Arabia, tâm điểm của dịch bệnh, còn có 18 quốc gia khác ghi nhận có người nhiễm MERS, trong đó có một trường hợp mởi công bố ở Hà Lan. Theo một số báo cáo, người nhiễm MERS tại hầu hết các nước đều từng sinh sống hoặc vừa trở về Saudi Arabia.
MERS bắt nguồn từ Saudi Arabia từ năm 2012
Dù chưa đưa ra bất kỳ cảnh báo nào đối với sức khỏe toàn cầu nhưng theo bà Anne Schuchat, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Chủng ngừa và Bệnh đường Hô hấp, nói rằng bệnh này biến chuyển mau chóng và CDC đang xác định những người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân này.
Virus MERS là một chủng virus có họ hàng với loại virus SARS đã từng gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp ở châu Á năm 2003 với hơn 8.200 người bị nhiễm bệnh và gần 800 người tử vong. Mặc dù MERS được cho là nguy hiểm hơn SARS, nhưng khả năng lây nhiễm của nó kém hơn.
WHO kêu gọi chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đã có các ca lây nhiễm, phải gia tăng chính sách phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo việc thực hiện các quy định này tại tất cả các cơ sở y tế trên cả nước.
Người dân ở Saudi Arabia mong muốn minh bạch hóa thông tin về sự lây lan của dịch bệnh, vì vào tháng 7 tới, nguy cơ lây dịch bệnh càng tăng cao khi du khách từ khắp nơi trên thế giới đồ về nước này trong dịp tháng lễ Ramadan và một mùa hành hương vào tháng 10.
Bộ Nông nghiệp Saudi Arabia đã khuyến cáo những người huấn luyện lạc đà phải đeo khẩu trang và găng tay.
Theo các chuyên gia y tế, dù ít lây lan hơn SARS nhưng MERS lại nguy hiểm hơn vì chưa có vắcxin hay phác đồ điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong lên tới gần 30%.
Hiện vẫn chưa có công bố chính thức khẳng định rõ nguồn gốc của virus MERS từ đâu. Ban đầu virus MERS được cho là lây từ động vật (dơi) sang người. Tuy nhiên, gần đây Tổ chức Y tế Thế giới thông tin, một nghiên cứu của các nhà khoa học cho rằng ổ chứa MERS-CoV có thể từ lạc đà (loài vật nuôi khá phổ biến ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Trung Đông) khi một vài bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với lạc đà hoặc uống sữa lạc đà tươi.
Các chuyên gia cho rằng tuy giống SARS là lây nhiễm từ động vật sang người và có cùng biểu hiện cúm, nhưng MERS có điểm khác là gây suy thận Người mắc virus corona có biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau mỏi toàn thân và đi ngoài... Những biểu hiện không khác mấy so với cúm mùa thông thường, khiến nhiều người tỏ ra chủ quan.