Vụ nữ lao công bị sát hại ở Hà Nội: Bất ngờ lý do đối tượng ra tay giết người

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 05/04/2021 14:15 PM (GMT+7)

Toàn khai nhận không có mâu thuẫn gì với nạn nhân, hắn nảy sinh ý định giết người là bột phát và chị H. là nạn nhân.

Bất ngờ lý do giết người của đối tượng

Liên quan đến vụ việc nam thanh niên sát hại nữ lao công ở đường Cầu Giấy (Hà Nội), sáng 5/4 công an quận Cầu Giấy cho biết đã xác định được nghi phạm là Lê Như Toàn (SN 1991, trú tại Tam Điệp, Ninh Bình). Nạn nhân bị Toàn sát hại là chị V.T.H (SN 1978,trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị H đang là nhân viên Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên. Thời điểm bị sát hại, chị H. đang đẩy xe chở rác trên đường Cầu Giấy hướng về đường Xuân Thủy.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, công an quận Cầu Giấy đã phong tỏa hiện trường, thu giữ 1 viên gạch là tang vật vụ án, chị H. được xác định tử vong do đa chấn thương ở đầu. 

Sau khi gây án Toàn đã rời khỏi hiện trường, ngay sau đó cơ quan công an đã bắt giữ được nghi phạm khi đang lẩn trốn trong khu đô thị làng quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy.

Vụ nữ lao công bị sát hại ở Hà Nội: Bất ngờ lý do đối tượng ra tay giết người - 1

Hiện trường nơi xảy ra vụ án mạng.

Ban đầu tại cơ quan công an, Toàn khai báo linh tinh, không rõ chủ đích. Đối tượng cũng thừa nhận bản thân không có mâu thuẫn cá nhân gì với chị H.. “Đối tượng khai báo bột phát nảy sinh ý định giết người và chị H. là nạn nhân. Bản thân Toàn là người có tiền sử bệnh tâm thần”, cơ quan công an quận Cầu Giấy cho hay.

Xử lý nghi phạm thế nào khi ra tay sát hại nữ lao công?

Trước sự việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là sự việc gây bàng hoàng và phẫn nộ trong dư luận nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

“Theo thông tin ban đầu, giữa nghi phạm và nạn nhân không quen biết nhau và không có mâu thuẫn gì. Nghi phạm có biểu hiện bị bệnh tâm thần nên đã dùng gạch đập nhiều lần vào đầu khiến nạn nhân tử vong. Xét hành vi phạm tội của nghi phạm đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự”, luật sư Thơm cho hay.

Vụ nữ lao công bị sát hại ở Hà Nội: Bất ngờ lý do đối tượng ra tay giết người - 2

Chân dung đối tượng sát hại nữ lao công.

Theo luật sư Thơm, về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp tố tụng dưới sự giám sát và phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định nghi phạm bị bệnh tâm thần hoặc có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự, phải ra quyết định trưng cầu giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội để có căn cứ xử lý nghi phạm theo quy định của pháp luật.

“Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của nghi phạm. Kết luận giám định sẽ xảy ra 2 trường hợp:

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can mắc bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án”, luật sư Thơm phân tích.

Luật sư Thơm cho rằng, trong trường hợp nghi phạm mắc bệnh tâm thần, vụ án này lại là một hồi chuông cảnh báo về việc quản lý người bị bệnh tâm thần. Đầu tiên phải là trách nhiệm của người thân trong gia đình khi thấy người nhà có biểu hiện mắc bệnh thì cần sớm đưa đến các cơ sở điều trị. Mặt khác, cơ sở y tế địa phương cần có những chương trình hỗ trợ gia đình có người thân mắc bệnh, rà soát các đối tượng mắc bệnh để có phương án vận động, kết hợp gia đình đưa người bệnh đi điều trị kịp thời. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần có sự quản lý, giám sát, quan tâm đến các đối tượng mắc bệnh trên địa bàn, hỗ trợ gia đình khó khăn trong việc đưa người thân đến các cơ sở điều trị bệnh tâm thần. 

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Nam thanh niên dùng gạch đánh vào đầu khiến nữ lao công tử vong ở Hà Nội
Sau khi dùng gạch đánh một người phụ nữ là lao công ở đường Cầu Giấy, nam thanh niên đã bị bắt giữ và hiện đang bị tạm giữ tại cơ quan công an.
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nữ lao công bị sát hại ở Hà Nội