Bản nhạc chiều dang dở (Phần 8)

Ngày 25/09/2015 21:00 PM (GMT+7)

Cô đã thả lỏng tất cả tâm hồn để vùi mình vào trong những yên ổn nhất mà cô đã phải khổ sở mới có thể tìm kiếm được.

Một câu chuyện tình buồn sâu lắng... Những con người mang sẵn nỗi đau trong lòng liệu có vượt qua được ám ảnh của quá khứ để mở lòng mình?

Mời các bạn theo dõi câu chuyện Bản nhạc giữa chiều dang dở trên Tình yêu giới tính.

- Đừng đi.

- Nếu chấp nhận nó, Thụy Anh liệu có sống thật được? Dũng có không ra đi? Phong có còn ở lại Hà Nội?. Không ai trong chúng ta có thể làm khác những gì chúng ta buộc phải làm. Đừng tự lừa dối hay mơ hồ về bản thân của mình nữa -  chính ra Phong nên nói với tôi điều đó chứ không phải để tôi phải nói.

- Tôi muốn ở bên em. – Phong cầu khẩn.

- Không có điều gì thay đổi được. Dù có như vậy, kết cục cũng sẽ không bao giờ khác đi đâu. – Thụy Anh nói to hơn, khản cổ, cố lấn át đi những đợt sóng to dữ dội từ biển ập vào.

- Tại sao? Tại sao lại phải như vậy? Tại sao chúng ta cứ cố gắng làm cho nhau đau đớn như vậy? – Phong vừa hét lên trước mặt Thụy Anh vừa giữ cô lại. – Tại sao?

- ……

Làm ơn hãy để cho chúng ta được yên ổn.

- À, trái tim sẽ phải vật vã rất nhiều nếu như con người chịu gật đầu sống thật với chính cảm giác của mình. Nhưng mọi gianh giới đều mỏng manh, đều dễ phá bỏ. Phải rồi, Thụy Anh và tôi, chúng ta cũng chỉ là những kẻ đáng thương tìm thấy nhau rồi thương hại nhau trong tất cả những gì còn sót lại. Mọi thứ không có con đường để kéo dài. Mọi thứ. Vĩnh viễn chỉ dừng lại trong khoảng nào đó khi chúng ta muốn giết chết nhau để rồi giết chết chính  những kí ức trong lòng để trở thành một con ma quên lãng. Như vậy sẽ nhẹ tênh. Nhẹ tênh mà bước đi. Chúng ta vừa là những kẻ vô cùng can đảm, lại vừa hèn nhát đến tận cùng. Như vậy đấy, chúng ta buộc phải tồn tại như vậy thôi.

Phong nhìn Thụy Anh như khẩn cầu rồi nói tiếp: - Cũng vì vậy mà cô không bao giờ nghe saxophone. Đúng rồi, cô muốn chôn vùi ký ức của mình, nhưng cô vẫn không đủ can đảm để xóa tan tất cả mọi thứ. Sao nhỉ? Rồi cô lại vật vã với những mảng kí ức mà cô vừa muốn vất đi vừa muốn giữ lại. Tại sao cô làm như vậy? Mọi thứ chỉ là để giả vờ đấu tranh với chính mình thôi. Suy cho cùng vẫn chỉ là những âm ỉ không thể nào dập tắt được.

Mười lăm năm qua, thực ra cô vẫn nghe saxophone. Tôi biết cô làm sao có thể nào không nghe được khi mà nó đã ngấm vào trong hơi thở của cô. Mỗi lúc cô thở cô sẽ nghe thấy tiếng saxophone từ chính trong quá khứ khi bảy tuổi của cô vọng lại. Trốn tránh ư? Cô không có nơi nào để trốn đi đâu bởi vì nó đã xâm chiếm toàn bộ tâm hồn và thể xác của cô rồi. Mọi thứ chạy trốn chỉ là giả tạo và ngu dốt.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 8) - 1

(Ảnh minh họa)

- Im đi. – Thụy Anh hét lên.

- Cô sợ hãi vì những gì tôi nói cũng chính là những gì cô đang phải trải qua đúng không? Nhưng Thụy Anh à, dù phải chết cũng là khi người ta nhìn thấy được mình thật sự. Đừng để cho đến tận khi phải lìa bỏ cuộc đời này, cô vẫn không thể biết mình là ai.

- ….

Cô chạy trốn, chạy mải miết trên bãi biển. Mọi thứ xung quanh chỉ là những khoảng trắng mênh mang. Nhưng cô không dừng lại, cô vẫn chạy, chạy khỏi nơi ấy.

Thụy Anh nằm vật xuống giường khi về đến nhà. Muốn khóc. Khóc nấc lên. Khóc để cho khô hết cả thân thể. Phong! Cuối cùng cái tên ấy cũng bật lên thành tiếng. Rên rỉ mãi trong cô.

Mọi thứ chấm hết khi dang dở vẫn còn nguyên vẹn trong bàn tay của hai người. Nhưng đã quá mỏi mệt để tiếp tục bất kì điều gì. Buổi sáng vẫn đẫm hơi sương nhưng lại mơ hồ trong những giọt nước mắt khô khốc rỏ xuống bờ cát thân quen. Chỉ còn sự im lặng như vĩnh viễn tồn tại giữa hai người.

***

Phong đi Sài Gòn. Không muốn rời bỏ nơi này ra đi nhưng thực sự anh muốn nghỉ ngơi một thời gian. Có lẽ dự án này chính là cứu cánh cho Phong vào lúc này khi mọi thứ đang dần trôi vào những tắc nghẹn không thể nào nói thành lời.

Phong cũng không biết bao lâu dự án mới kết thúc. Nhưng nhất định sẽ trở về. Anh ngắm nhìn bức ảnh của Thụy Anh cất trong túi áo của mình. Thụy Anh vẫn đứng đó như hình hài của một cô gái Hà thành đẹp một vẻ đẹp xa lạ không thể chạm vào. Tiếng saxophone lẫn nhẹ trong làn mưa bụi, vừa gần vừa xa, như than khóc lại như cười cợt. Nhưng Phong bỏ mặc nó. Để rồi những tiếng ngân ấy càng ngân dài, trôi vô định trong một chiều đơn côi lạnh giá.

Từ sau lần đi Hải Phòng về, Thụy Anh không còn gặp lại Phong nữa. Cô không biết mình phải tự xoay sở như thế nào để có thể quên được những giây phút ở bên Phong khi nó như một bức tranh mà cô càng cô xóa thì nó lại càng hiện lên rõ nét và gần gụi hơn bao giờ hết. Những ngày tháng Phong còn ở lại Hà Nội với cô mọi thứ diễn ra thật quá khó khăn. Dù đi trên phố hay ngồi lại ở bất kì đâu cô cũng lo sợ sẽ nhìn thấy anh. Cô sợ mình sẽ không thể nào dừng lại được nữa. Cô không thể nào để ra khỏi đầu mình ánh mắt và giọng nói của anh trong cái buổi sáng ở Hải Phòng ấy.

Những ngày Phong đi Sài Gòn, cô vẫn sống bình thường như một Thụy Anh trước đây với những buổi học nhạt nhẽo của năm cuối cùng thời sinh viên. Chẳng còn điều gì đọng lại sau những cười nói đang diễn ra hàng ngày nhưng cô chấp nhận nó. Cô không còn vùng vẫy điều gì nữa. Cô thở thật nhẹ để hơi thở ấy không bị bật tung ra bên ngoài và làm trái tim cô rỉ máu nữa. Cô chấp nhận mọi thứ tồn tại đang diễn ra xung quanh cuộc sống của mình.

Đang mải mê suy nghĩ thì Quân đến.

Em. Xin lỗi, tắc đường nên anh không thể đến nhanh hơn. Em đợi lâu lắm rồi nhỉ.

Tiếng nói trầm ấm của Quân kéo Thụy Anh trở lại từ cái dòng kí ức xa xôi ấy. Đặt cô vào vòng tay ấm áp của hiện tại.

Không. Mình đi đi anh.

Thụy Anh vòng tay ôm chặt lấy Quân từ phía sau và thì thầm: - Trưa nay tháng tư cũng đẹp quá nhỉ. Vẫn cảm giác lành lạnh. Mình ăn phở nóng anh nhé. Quân nhẹ nhàng và dịu dàng quá. Khi nào cũng vậy. Anh luôn làm cho cô có cảm giác bình yên và an toàn. Hãy quên cái tâm hồn mệt nhọc ở phía bên kia đi. Thụy Anh chưa bao giờ muốn lừa dối Quân. Cô yêu anh. Yêu anh bằng tình yêu của một kẻ lạc loài. Nhưng vẫn yêu, yêu chân thành.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 8) - 2

(Ảnh minh họa)

Buổi sáng nay của em thế nào?

Quên nó đi. Phở đang nóng, và em đang có hứng, đừng bắt em nói mấy chuyện đó.

Hai người im lặng. Thỉnh thoảng Quân cứ lặng lẽ nhìn Thụy Anh trong cái dáng nắng trầm của bầu trời. Thụy Anh không xinh. Nhưng cặp mắt luôn hút hồn người bên cạnh. Đôi mắt to cùng với ánh nhìn như vô hồn, thăm thẳm. Đôi lúc anh không dám nhìn sâu vào đôi mắt ấy. Chạm phải nó, anh thấy tâm hồn mình hoang mang đến lạ. Đôi mắt cô gái anh yêu, dường như có vẻ hoàn toàn không liên quan gì đến con người bằng xương bằng thịt đang ngồi trước mặt anh. Anh lắc đầu mãi để xua đi cái ý nghĩ đang theo đuổi mình.

Anh mau ăn đi. Thụy Anh nhìn Quân bằng nụ cười tươi nhất của một cô sinh viên năm cuối.- Đừng có nhìn em như thế.

Chiều em còn phải đi nộp bản thảo khóa luận lần cuối đúng không?. Chiều anh không bận lắm, anh sẽ đưa em đi.

- Không cần đâu anh. Em đã nộp bài sáng nay rồi. Nộp sớm vì chiều thầy lại phải đi Huế dạy. Chắc trong khoảng thời gian đó thầy sẽ tranh thủ đọc. Chán thật. Học chán rồi đến bây giờ sắp kết thúc thời sinh viên vẫn không thấy được thứ gì khá khẩm hơn.

          - Lại phiến diện rồi. Tại em quá chểnh mảng thôi.

          - Đúng thế thật. Mà thôi, quên nó đi. Chắc em vẫn có thể tốt nghiệp và kiếm được một cái nghề. Nhưng đấy là chuyện sau này, giờ thì quên nó đi anh ạ. Chiều nay mình đi đâu đó nhé.

Buổi chiều gió cay đến muốn khóc. Quân cứ chầm chập chạy xe qua những con phố đã quá quen thuộc của Hà Nôi. Đường phố nhộn nhịp hẳn lên, nhưng đầu Thụy Anh lại lạnh mãi đi. Cô không cảm nhận được điều gì đang chẹn ngang người mình, làm mình đau đến như thế. Cô chạm nhẹ vào Quân và giục anh chạy nhanh hơn.

Điều duy nhất còn ý nghĩa với cô trong cuộc sống hiện tại chính là những mảng kí ức sâu thẳm từ quá khứ. Phố xá vẫn đông đúc đến nghẹt thở nhưng hóa ra vẫn trống rỗng đến không thể diễn tả nổi.

Đêm chìm trong những giấc ngủ mỏng manh của loài người nhưng rồi lại sống dậy cả một thế giới khác, đối ngược hẳn với những điều đang diễn ra trong cuộc sống thật sự. Thụy Anh vẫn ngồi trước màn hình máy vi tính với những dòng chữ vô vị hiện ra. Báo chỉ đầy rẫy những tin tức giết người, cưỡng bức. Và tha hồ những comment lên án, bày tỏ sự ghê tởm nhưng rồi biết đâu ở  ngay bên ngoài kia họ lại vô tư cười đùa và sống đáng sợ hơn cả những gì họ nguyền rủa. Chẳng có gì là thật cả.

Đêm chứng kiến tất cả những điều đó. Họ tha hồ ca ngợi nhau, làm đẹp cho nhau nhưng rồi đêm sẽ vạch trần tất cả. Không ai có thể chạy thoát khỏi sự truy tìm sự thật của bóng đêm. Thụy Anh tìm Dũng. Cô không cố nhớ đến Dũng và không cố tìm hiểu những điều gì xảy ra trong con người Dũng. Nhưng Dũng khiến cô cảm nhận được phố đêm, đầy đặn và sâu sắc hơn. Lật tung ngăn kéo của mình lên cô quờ quạng tìm được một bài thơ mà Dũng đã chép tặng cô trong cái ngày mà hai anh em đi dạo phố cùng nhau.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 8) - 3

(Ảnh minh họa)

Bài thơ mà anh đã viết vội cho cô sau lần đầu tiên hai anh em ngẫu hứng lang thang cùng nhau trên những góc phố của thành phố mà họ đã sống suốt những năm đã được sống trên cõi đời của mình. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Dũng và Thụy Anh cảm thấy gần gũi nhau đến như vậy, nhưng rồi khi họ chưa kịp đi tiếp trong phố cùng nhau một lần nữa thì Dũng đã ra đi. “Tại sao anh ấy đủ can đảm để rời bỏ Hà Nội. Trước đây anh ấy vẫn nhắc đi nhắc lại với mọi người rằng chỉ có cái chết mới khiến anh ấy rời xa những con phố của Hà Nội. Không, không thể như thế được. Dũng không hề chết. Anh ấy chỉ đi đâu đó”. Thụy Anh mơ hồ nghĩ lại những gì Dũng đã nói với cô khi tặng bản chép tay bài thơ này cho cô.

 “ - Sau này khi đi trên những con phố này, em hãy nói giùm anh với chúng rằng, đừng bao giờ quên những bước chân mà anh đã từng đi ở đây. Được không em?”.

- Em sẽ không làm việc đó giúp anh đâu. Biết đâu em sẽ ra đi trước anh.

- Phải, có lẽ như vậy. Nhưng anh chỉ nói để phòng trừ điều gì đó bất trắc không may xảy ra thôi mà.

- Em nói vậy thôi. Anh cứ yên tâm đi. Điều gì đã tồn tại tức là sẽ mãi mãi tồn tại. Không chỉ có con phố của anh mà cả mấy đứa bọn em nữa, cũng không có đứa nào có thể quên được anh và những cốc café ngon lành của Phố đâu anh.

- Ừ, không quên. Đừng quên.

Thụy Anh đã không thể hiểu được tại sao Dũng lại nhắc đi nhắc lại điều đó khi nói chuyện với cô và rồi anh đã biến mất một thời gian rất ngắn sau đó. Còn Phong thì như một kẻ đã chết khi Dũng ra đi. Có phải chính Phong đã linh cảm thấy được điều gì đó từ chuyện này. Có phải như vậy mà anh đã hoàn toàn trở thành một đứa trẻ yếu đuối và mất khả năng cần bằng như Phong mà cô quen trước đó. Có lẽ khả năng chịu đựng nỗi đau đớn của con người càng ngày càng kém đi nếu như họ vẫn còn chờ đợi, hi vọng vào điều gì đó. Nếu như vậy khi con người sống không còn để cho mình có một chút suy nghĩ nào đó nữa thì đó lại chính là loại thuốc kháng sinh tốt nhất để chống đỡ lại nỗi đau mà con người phải chịu đựng?.

Trong nỗi tuyệt vọng đến tận cùng con người không thể nào cảm nhận được chính nỗi tuyệt vọng của mình nữa. Thụy Anh thật sự cũng đã cảm thấy mọi thứ dồn đủ cho mình rồi. Cô đã quỵ ngã và để mặc cho mọi thứ chảy trôi theo sự đưa đẩy của số phận. Cô muốn chấm dứt tất cả. Tiếng xe vẫn gầm rú ngoài kia. Đây là  lần đầu tiên cô cảm thấy mình đã sống đủ, đã đến lúc đi gặp Phương. Cô để mình buông thõng trên nền nhà. Trống rỗng. Cô nhắm mắt lại và chìm sâu trong một giấc ngủ dài đến bất tận mà cô cũng không biết mình có thể tỉnh lại vào lúc nào.

Một cơn mộng mị kéo dài trong nỗi say mê ngớ ngẩn và tuyệt vọng. Tiếng saxophone vang lên làm u mê cả những cảm xúc thật giả đang đóng thành cục và ẩn chứa tận đáy tim cô. Có một nụ cười dẫn dụ cô đi về phía đó, và rồi cô  cúi mình ngoan ngoãn theo nó như một con cún con đang đi lạc. Thụy Anh quay ra cầu xin kẻ có nụ cười thiên thần kia nhưng hắn đã biến mất từ lúc nào. Chỉ còn lại cô nằm sóng soài giữa mênh mông cô độc ấy. Chỉ một cốc nước thôi. Cô lịm đi, mắt nhắm nghiền, và rồi cô cảm giác mình đang trôi đi. Mát lành. Mẹ đã ôm cô vào lòng, và xoa dịu cái nóng cháy khát đang giết dần giết mòn cơ thể cô.

- Mẹ! Mẹ!.......

Thụy Anh choàng tỉnh. Cô vẫn sống. Và mẹ vẫn ở đây. Tại sao? Để làm gì? Tại sao mẹ không buông tha cho cô? Hay vì cô sắp chết nên…, không phải mẹ cô đã chết chứ? Vẫn như những lần trước cô không muốn nghĩ điều gì nữa. Mẹ không còn ở bên mình nữa. Không còn điều gì về mẹ nữa. Không còn bất cứ điều gì nữa.

Bức ảnh thờ của mẹ vẫn ở đó, vẫn nghi ngút hương khói. Người ta vẫn làm giỗ mẹ hàng năm vào cái ngày mà em trai cô sinh ra đời và buổi tối hôm đó khi cô nhìn thấy mẹ ôm em bước ra khỏi cổng bệnh viện. Cho đến bây giờ mẹ sống hay chết cô cũng không thể nào biết được. Nhưng suốt mười lăm năm nay cô chưa bao giờ thắp cho mẹ một nén hương nào vì cô vẫn vẩn vơ tin vào điều gì đó. Đã có lúc cô vẫn chờ và nghĩ rằng nhất định sẽ có một lúc nào đó mẹ quay trở lại tìm cô hay ít ra cũng là cho cô biết một chút tin tức gì của bà. Nhưng rồi suốt mười lăm năm trời cô nhớ thương, chờ đợi và căm hận nhưng mẹ vẫn không bao giờ quay trở lại.

Vậy mà sau giấc mơ ấy, cô không còn cảm thấy oán hận mẹ mình nữa. Chính bà vẫn âm thầm cứu rỗi cô trong quá nhiều những mệt nhọc của cuộc sống này. Mỗi khi cô muốn buông tay, muốn cắt đứt sợi dây giàn buộc mình với cuộc đời này thì khi ấy bà lại xuất hiện và dìu đỡ cô. Mẹ vẫn ở đây. Mẹ vẫn nhớ. Mẹ vẫn yêu. Nhưng thực sự tại sao mẹ không trở lại?

Thụy Anh nhìn nụ cười tươi trẻ của mẹ trong ảnh mà thấy xót xa cho khoảng thời gian chảy trôi xa cách. Nếu những gì bố nói không phải là nói dối. Nếu như thực sự mẹ và em trai cô đã chết thật rồi thì cô biết phải nương tựa vào điều gì nữa. Và lần đầu tiên cô tự nguyện thắp cho mẹ mình một nén hương tưởng nhớ vong linh và rồi im lặng nhìn sâu vào bức hình của mẹ. Bức hình như vẫn được chăm chút rất cẩn thận nên không hề có dấu vết của việc úa vàng nhầu  nhĩ của thời gian.

- Thụy.

- Bố. Bố làm gì ở đây?

- Đêm nào bố cũng phải lên thắp hương cho mẹ rồi mới có thể ngủ được.

- Con…

- Con muốn nói điều gì phải không?

- Con…, con muốn… hỏi bố về cái chết của mẹ.

- Con nói đi.

- Có thật là mẹ đã chết không bố? Con thực sự muốn biết điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian đó.

- Thụy. Bố không muốn nhắc lại điều gì vào lúc đó nữa. Khoảng thời gian mười lăm năm qua bố đã mệt mỏi lắm rồi.

- Mệt mỏi. Vâng, rất mệt mỏi. (Thụy Anh nhìn bố mình, cười xa xôi). Bố có muốn biết tại sao con chưa bao giờ thắp hương cho mẹ không? Bố có muốn biết tại sao con hận bố đến thế không?

- Thụy. Con đang nói gì vậy?

- Đừng gọi con như thế. Bố đã nói dối con ngay từ khi con mới chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi. Tại sao bố phải làm thế? Tại sao bố phải nói rằng mẹ và em đã chết vì mẹ sinh khó. Bố là kẻ đã lừa dối mọi người. Với chính con, bố cũng nhẫn tâm lừa dối. Vì sao bố phải làm như vậy?

- Bố không nói dối. Dù con có căm hận bố đến đâu bố vẫn chỉ có thể nói rằng, con đừng tự hành hạ mình nữa. Cũng đừng dằn vặt bố nữa. Bố quá mệt mỏi rồi. Có lẽ bố cũng không thể sống được bao lâu nữa. Bố muốn nhìn thấy con được hạnh phúc.

- Bố mẹ và người đàn bà kia đã giết chết hanh phúc của con từ khi con mới chỉ là một đứa bé bảy tuổi rồi.

- Thôi. Bố xin con. Con đừng nói gì nữa. Bố không muốn nhớ gì tới khoảng kí ức khổ sở và nhọc nhằn đó nữa. Bố cũng muốn nói với con một điều thôi, dù có hận bố xin hãy mở lòng với dì con. Cô ấy là một người đáng được hưởng những điều hạnh phúc nhất.

- Bao biện và giả dối. Tất cả các người chỉ  luôn tìm mọi cách để thỏa mãn cho sự ích kỷ của bản thân mình. Không điều gì là có thật cả. Không một điều gì.

Con đã cố gắng cầu xin bố cho con một lời giải đáp, nhưng rồi đáp lại con, vẫn như mười mấy năm nay, vẫn chỉ là sự giả dối và mơ hồ. Bố thật nhẫn tâm.

Thụy Anh loạng choạng bước về phòng mình bỏ mặc người cha tóc đang dần bạc trắng của mình ở lại phía sau. Trong căn phòng thờ ấy ông Minh vẫn còn lặng đi vì phản ứng của Thụy Anh. Đã bao nhiêu lâu rồi con gái ông hé răng nửa lời cũng không hề nhắc đến một từ mẹ. Nó phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại dù là nhỏ nhất của mẹ trong gia đình này, vậy mà tại sao hôm nay nó lại nhắc đến tất cả những chuyện mà ông cũng đã cố gắng để quên trong suốt khoảng thời gian ấy. Làm sao ông có thể nói với Thụy Anh rằng chính mẹ cô đã cầu cầu xin ông làm việc đó. Chỉ có cái chết mới có thể xóa hết dấu vết và suy nghĩ của mọi người về bà trong cuộc đời này.

Cái vở kịch đau đớn mà ông đã phải diễn sao cho ngọt cảnh khóc thương vợ trong đám tang. Nhưng giá như vợ và con trai ông chết thật có lẽ ông còn không đau đớn đến mức ấy. Nếu người đàn bà ấy chết thật rồi có thể ông đã quên và sống thanh thản trong khoảng thời gian sống tiếp theo của mình. Nhưng ông không thể nào quên được người đàn bà đã khiến ông say đắm, yêu thương và rồi lại cầu xin ông cứu rỗi tâm hồn.

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 8) - 4

(Ảnh minh họa)

Số phận nghiệt ngã đến mức ông không đủ sức để chống đỡ lại. Ông chỉ còn biết làm theo tất cả những gì trong kịch bản mà vợ ông đã viết nên. Đến tận bây giờ ánh mắt cầu xin và sự ra đi lạnh lùng của con người ấy vẫn không thể nào nguôi ngoai trong tâm trí ông. Nhưng ông hận người đàn bà của mình. Vì bà ta mà ông đã mất tất cả những hạnh phúc nhỏ nhoi và bình yên của đời mình.

Vì bà ta mà đứa con gái ông yêu thương rất mực đã sống như một cái xác không hồn xuất bao nhiêu năm qua. “Nếu bà ta còn sống? Phải, có lẽ bà ta đang sống yên ổn trong một ngôi nhà nhỏ xinh đẹp nào đó ở mảnh đất Đà Lạt ngàn hoa với người nghệ sĩ mà bà ta đã phải đánh đổi tất cả để có thể có được. Chỉ có những người ở lại là không bao giờ nguôi ngoai sự khổ đau và nhung nhớ. Chỉ còn một kẻ đáng thương như mình đã vì một lời hứa mà ngay đến người con gái gần gụi nhất của trở nên xa cách. Nỗi chua xót và bất hạnh là cái mà suốt nửa cuộc đời đã qua mình không sao có thể thoát ra được. Tại sao? Mình không muốn nhớ về bất kì điều gì có liên quan đến người đàn bà đó nữa”.

- Alô, bác sĩ à?

- Vâng. Có chuyện gì không anh?

- Tối nay bác sĩ có rảnh thì đi uống với tôi cốc café nhé.

- Tối nay à? Để tôi xem lại lịch. Tôi sợ là không thể đi được. Vì dạo này bênh nhân càng ngày càng đông. Cũng vất vả lắm. À, anh có chuyện gì mà tự nhiên lại cần gặp tôi vậy?

- Lâu quá không gặp bác sĩ rồi, tự dưng tối nay lại trốn được cái hội họp của viện nên tiện thì mời bác sĩ café. Mình gặp nhau nói chuyện cũng tiện.

- Vậy đành làm mất hứng rồi. Chắc phải vài ngày nữa tôi mới giãn việc đấy.

Đã ngần này tuổi rồi vậy mà trong lúc này ông cũng cảm thấy mình thật sự cần một chỗ dựa từ một người nào đó thật sự biết lắng nghe và chia sẻ. Người đầu tiên mà ông nghĩ đến chính là bác sĩ Huy, người đã chứng kiến rất nhiều những biến cố trong cuộc sống của gia đình ông từ ngày người vợ của ông bỏ nhà ra đi. Và cũng chính ông Huy đã trông nom Thụy giúp ông, để con gái ông có thể sống được đến tận giây phút này.

Từ lúc mẹ ra đi cho đến khi Phương tự tử chết, Thụy Anh như người đã bị cái chết làm cho chai lỳ, sợ hãi nhưng rồi khoảng thời gian cô bắt đầu yêu Quân là khoảng thời gian mà ông cảm thấy mọi thứ khá yên ổn. Cô bắt đầu cười nói với ông, và dì hai. Bắt đầu chăm chỉ về nhà hơn. Nhưng chính những ngày gần đây ông không thể biết tại sao Thụy Anh lại như bị rơi vào những trạng thái điên loạn còn nặng nề hơn cả khoảng thời gian trước. Đêm nào cũng nghe những âm thanh đến quái dị của thứ Rock nặng trịch mà ông không thể nào nuốt trôi nổi phát ra từ phòng con gái, và tiếp theo đó là những tiếng la hét vì bị bóng đè hay gặp ác mộng.

Tình hình đó khiến ông sợ hãi đến mức phải lén đặt một con dao bên dưới đệm của cô nhưng rồi ngay sáng hôm sau khi tỉnh dậy ông đã nhìn thấy con dao ấy vứt chỏng trơ trên mặt bàn với dòng chữ nhắn lại “Con không bị điên”. Sau đó dù cố gắng thế nào ông cũng không thể nói chuyện với cô được nữa. Cô cố tình lẩn tránh ánh mắt của ông, và mọi câu chuyện mà ông định nói, cô luôn tìm mọi cách để gạt phăng nó đi.

Cho đến đêm hôm nay, ông thật sự thấy sợ hãi khi nhìn thấy đôi mắt trắng dã và toàn thân mướt mát mồ hôi của Thụy Anh trong phòng thờ vợ ở tầng ba. Ông thật sự cần phải tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong đầu đứa con gái của mình. Điều gì đã diễn ra để rồi nó không thể nào quay trở lại là một Thụy Anh mà trước kia vẫn gần gũi vui vẻ. Ông Minh đã muốn tìm đến bác sĩ nhưng ông thật sự không biết phải giãi bày thế nào nên ông đành chờ đợi và theo dõi cô con gái của mình thường xuyên hơn trong những đêm cô vật vã chập chờn.

Thụy Anh tìm đến bác sĩ thật.

- Bác sĩ.

- Thụy.

- Đêm nay con ngủ ở ghế này nhé.

Nhìn cô gái xanh xao trước mặt mình ông không thể không hốt hoảng vì sự sa sút của cô gái mà ông vẫn coi là con trong suốt bao nhiêu năm qua. Ánh mắt cô cứ nhìn xung quanh như một kẻ mất hồn và không còn đủ sức để định hình lại bất cứ điều gì nữa.

- Đêm nay con hãy ngủ thật ngon. Con lại đây nào, ta muốn ôm con vào lòng, để xem con gái ta đã lớn thế nào rồi.

Bác sĩ Huy nói rồi lại gần ôm Thụy Anh vào lòng. Ông nhẹ nhàng đưa bàn tay lên vuốt mái tóc xõa rối bời của cô.

- Con gầy quá.

- Con mệt. Con muốn ngủ.

Cô nói rồi nằm xuống chiếc ghế sôpha mà lần đầu tiên khi tới đây cô đã ngủ một giấc ngon lành ở đấy. Ông Huy lấy chiếc chăn mỏng đắp lên người cho cô và chăm chú nhìn cô ngủ. “Mười lăm năm trước trong khuôn mặt của con cái nét buồn đã thấm sâu giống hệt như lúc này rồi. Có lẽ con cần phải có lời giải cho tất cả những điều này. Chỉ có như thế con mới được thanh thản. Nhưng ta sợ, nếu thanh thản rồi liệu con còn có thể ở lại cuộc sống này không hay rồi con sẽ tự nhiên lìa bỏ nó. Ta thật sự không thể chịu đựng được khi nhìn thấy con mỗi lần đến đây lại hao gầy đi thêm nhiều phần. Con quá già và khổ sở so với cái tuổi hai hai của mình. Ta cũng không biết điều gì sẽ có thể cứu vớt những day dứt của con. Nhưng ta  nhất định sẽ tìm mọi cách để cứu con, con gái ạ”

Đêm nay cô đã ngủ ngon. Mọi hình ảnh chỉ còn lại chập chờn mờ nhòa và xa xăm, nó không đủ sức làm cô sợ nữa. Cô tin tưởng cô đang ở một nơi yên ổn nhất mà không có điều gì đau đớn có thể chạm vào được. Cô đã thả lỏng tất cả tâm hồn để vùi mình vào trong những yên ổn nhất mà cô đã phải khổ sở  mới có thể tìm kiếm được.

(Còn nữa)

Mời các bạn theo dõi phần 9 của truyện Bản nhạc chiều dang dở trên Tình yêu giới tính vào ngày 27/9

Các phần khác của truyện

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 1)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 2)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 3)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 4)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 5)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 6)

Bản nhạc chiều dang dở (Phần 7)

Đại Ngọc
Nguồn: Khám phá

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Truyện ngôn tình