Chồng bị thiểu năng trí tuệ, lại bệnh tật và đau ốm triền miên, gánh nặng đè lên đôi vai chị Lường. Khó khăn là vậy nhưng chưa một lần chị than thân, trách phận, vẫn một lòng yêu thương chồng.
“Số phận quyết định tôi phải gắn bó với anh ấy rồi…”
Men theo con dốc nhỏ đầy cỏ và cây dại, gần như dựng đứng của núi Đồng Găng mới đến được căn nhà có ba phận người đang sống cảnh lay lắt của chị Vương Thị Lường (SN 1966, ở thôn 1, xóm Đồng Găng, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Căn nhà tình thương trống hoác nằm im lìm trên đỉnh núi.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc bàn xiêu vẹo, chiếc giường quá cũ đã ọp ẹp, chiếc ti vi được một tổ chức từ thiện trao tặng, chị Lường nghẹn ngào khi nói về cuộc đời mình.
Vốn sinh ra đã không được khỏe, nên chị Lường cứ đau yếu quặt quẹo, đến tuổi trưởng thành cũng chỉ cao hơn 1m, trông như một đứa trẻ. Đôi mắt bị nhược thị bẩm sinh chỉ nhìn thấy mờ mờ mọi thứ…
Chồng bị thiểu năng trí tuệ còn bản thân chị Lường cũng gầy gò, ốm yếu.
Chị bảo, cuộc đời mình tưởng chừng không tránh khỏi cảnh “chăn đơn, gối chiếc”. Nhưng đến năm 2000, khi chị 34 tuổi, nhờ mai mối, chị đã có được một “tấm chồng”, đó là anh Vương Xuân Lộc hơn chị 1 tuổi, cao chưa đầy 1m.
Bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ, anh Lộc không lớn mà cũng chẳng có khôn. Năm nay 41 tuổi, khuôn mặt đờ đẫn, thân hình chỉ lớn bằng đứa trẻ, lại mắc đủ thứ bệnh như xơ gan, trĩ, viêm tai giữa… đã đến giai đoạn nặng, không có khả năng lao động.
Nhìn vào người chồng đang ngồi ở góc nhà, chị Lường tâm sự: “Những lúc anh ấy tỉnh thì vẫn rất thương vợ, thương con, cũng phụ giúp tôi vài việc trong nhà. Nhưng những lúc lên cơn, anh ấy lại đập phá đồ đạc trong nhà, đánh vợ, đánh con. Lúc ấy, tôi thương hơn là trách anh...”
Ngày chị về làm dâu, của cải trong nhà không có gì đáng giá, đến cái kiềng sắt dùng để đặt nồi nấu ăn trong bếp cũng gần gãy. Vậy là một mình chị vừa lao động kiếm cái ăn, vừa chăm người chồng bệnh tật. Cuộc sống vất vả là vậy nhưng chị chẳng một lời oán than, vẫn hết mực yêu thương anh.
Năm 2001, anh chị vui mừng đón đứa con đầu lòng đặt tên là Vương Thị Thùy Linh. Bé Linh may mắn phát triển bình thường, ngoan ngoãn và rất chăm chỉ học hành. Đối với chị đó là niềm hạnh phúc, là ân huệ mà cuộc đời dành tặng cho mình.
Khi được hỏi chị có bao giờ nuối tiếc khi kết duyên với anh Lộc hay không, chị cười đáp: “Số phận quyết định tôi phải gắn bó với anh ấy rồi, thấy anh như vậy tôi lại càng thương anh nhiều hơn. Ông trời cũng bù đắp cho chúng tôi một đứa con rất ngoan ngoãn, chăm chỉ nữa rồi. Tôi chẳng có gì để nuối tiếc cả...”
Cuộc sống chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối
Bất kể ngày đêm, người phụ nữ ấy vẫn phải vừa đi làm, vừa tiếp tục lo chạy chữa thuốc men, chăm bẵm cho chồng, nuôi con ăn học. Cứ như vậy, suốt nhiều năm liền, gia đình chị sống cảnh thiếu trước hụt sau, chưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối…
Hàng ngày, cứ 5h sáng, chị phải dậy để chất lên chiếc xe đạp cũ kỹ nào bu gà, thúng, mủng, chổi… đem ra chợ bán. Dù lời lãi vỏn vẹn 30 ngàn đồng/ngày, có ngày chẳng bán được mấy còn lỗ cả tiền vé chợ, nhưng chị vẫn tảo tần đem hàng đi bán, bất kể ngày nắng hay ngày mưa.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị lại chở một xe đầy nào thúng, mủng, chổi... đem ra chợ bán để lo cái ăn cho cả gia đình.
Một năm hai vụ, chị Lường quần quật ngoài đồng từ cày bừa, gieo cấy cho đến thu hoạch. “Mình làm ngày không được thì tranh thủ làm đêm, miễn sao đủ gạo để nuôi gia đình là được”, chị nói. Thế nhưng, nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng, nên giáp hạt năm nào nhà chị cũng đói ăn.
Để kiếm thêm thu nhập, cũng là kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh cho chồng, chị Lường còn tranh thủ nhận đan áo thuê, mỗi chiếc được trả công… 500 đồng. Ngày nào mẹ con chị cũng đan được 20-30 chiếc.
Những ngày chị đau nặng không thể làm được gì, cả nhà không có gì để ăn, may có sự giúp đỡ của bà con xóm làng. Có khi kéo dài gần cả tuần, thấy chị chỉ ăn mì gói cầm cự, có chút cháo, bà con thương tình mang cho, chị cũng nhường hết cho con, cho chồng.
Không có giếng nước, cũng chẳng có nhà tắm nên cuộc sống của gia đình chị càng thêm bội phần vất vả. Ngoài ít nước mưa dự trữ để nấu ăn, suốt 15 năm trời chị và con gái phải thay phiên nhau xách từng xô nước từ nhà hàng xóm về, đợi đến khi trời tối hẳn, cả nhà mới dám ra sau nhà tắm rửa.
Căn nhà tình thương của vợ chồng chị Lường.
Chị Lường cho biết, năm 2014, xã Tân Hòa cùng các ban ngành đã đóng góp, xây cho gia đình chị một căn nhà tình thương nho nhỏ, thay thế cho căn nhà lụp xụp trước kia. “Đây là một phép màu chứ gia đình tôi biết đến khi nào mới có được cái nhà tử tế”, chị Lường xúc động nói.
Gia đình chị cũng được hưởng trợ cấp hộ nghèo với số tiền 525 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản tiền trợ cấp ít ỏi chẳng đủ tiền thuốc thang cho chồng, khiến chị chẳng dám nghĩ đến việc phải chạy chữa cho mình, hay nghỉ một buổi chợ.
Ngửa cổ nhìn lên ngôi nhà tình thương, chị lại giật mình nhớ tới khoản nợ 20 triệu vay để phụ thêm vào, đến nay vẫn chưa trả hết, và cũng không biết đến bao giờ mới trả hết được khi mà khi mà cả đời chị dù cực nhọc mưu sinh cũng chẳng đủ ăn.
Cuộc sống khó khăn là vậy, nhưng trong ánh mắt của người phụ nữ ấy vẫn ánh lên niềm tin yêu với chồng, với con. Chị bảo: “Còn sống được ngày nào tôi sẽ cố gắng chăm lo chu tất cho gia đình".