Vòng kinh không đều, xuất hiện ria mép, rậm lông, mụn trứng cá… là những dấu hiệu phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang.
Ngỡ vô sinh, hóa ra bị buồng trứng đa nang
Sau kết hôn, vợ chồng chị Ngọc Thảo (26 tuổi- Đồng Nai) tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế. Vì vậy, chị thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày để không có bầu. Trong thời gian đó, chu kỳ kinh nguyệt của chị không đều đặn. Nhưng, chị nghĩ do tác dụng phụ của thuốc tránh thai nên lờ mắt bỏ qua.
Kinh tế ổn định, họ bắt đầu “thả rông”. Đến nay đã hơn 1 năm, chị Thảo vẫn không thấy động tĩnh gì. Lo sợ vô sinh, chị vào viện thăm khám và làm xét nghiệm tổng thể. Nghe qua triệu chứng, bác sĩ khẳng định chị bị buồng trứng đa nang. “Trước khi lấy chồng, mình ra kinh không đều đặn. Do đó, mình không mấy quan tâm tới chuyện đó. Mình cứ nghĩ sinh con xong chu kì nguyệt san sẽ đều đặn. Nào ngờ, đó là dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang. Nó cản trở việc sinh con và có khả năng gây vô sinh”, chị Thảo tâm sự.
Hiện tại, chị Thảo đang sử dụng phương pháp kích trứng để có thể mang thai tự nhiên. Chị bảo, sang năm 2017 không có tin vui, anh chị sẽ đến bệnh viện tiến hành thụ tinh nhân tạo hoặc tìm biện pháp mang thai khác.
Đến tuổi dậy thì, em Chi (15 tuổi- Hưng Yên) có những thay đổi về mặt sinh lý. Bên cạnh việc xuất hiện chu kì kinh nguyệt, khuôn mặt em còn nổi nhiều mụn, lông tay chân rậm. Thấy vậy, mẹ em đã đưa đến một phòng khám tư kiểm tra sức khỏe. Tại đây, bác sĩ khẳng định bé Chi bị rối loạn nội tiết tuổi mới lớn, có khả năng mắc buồng trứng đa nang và cần uống thuốc điều chỉnh lại nội tiết.
Chị Thảo đến bệnh viện khám vì nghĩ mình bị vô sinh. Nào ngờ, chị có dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (ảnh minh họa)
Buồng trứng đa nang có tính di truyền
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong những rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản. Tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS (Rotterdam 2003) thường được áp dụng khi có 2 trong 3 điều thỏa: nồng độ androgen trong máu cao hay biểu hiện lâm sàng của cường androgen; ít hoặc không có rụng trứng; có nhiều nang trứng trên siêu âm.
Theo bác sĩ Thân Trọng Thạch (GV bộ môn Sản- ĐH Y Dược TP.HCM), hiện nguyên nhân của PCOS chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu cho thấy, chúng có liên quan đến di truyền trong gia đình. Tỉ lệ mắc PCOS tăng 32-60% nếu có chị em cùng mắc phải hoặc mẹ mắc phải PCOS thì tỉ lệ mắc bệnh của con là 24-52%. Ngoài ra, tỉ lệ di truyền PCOS qua nhiễm sắc thể thường ở cả nam và nữ cũng được ghi nhận.
Bác sĩ Thạch đã đưa ra một ví dụ cụ thể để chứng minh cho lập luận trên: Mẹ bị PCOS, thế hệ con trai đầu tiên sẽ tăng nồng độ androgen. Khi đó, đứa con hói đầu sớm và sức đề kháng insulin nhiều hơn. “Hiện nay, vấn đề gen được cho là có liên quan đến PCOS được tập trung nghiên cứu. Nó là tiềm năng lớn cho cả chẩn đoán và quản lí PCOS”, bác sĩ Thạch khẳng định.
Có thể nhận biết thông qua sự thay đổi cơ thể
Từ vòng kinh hàng tháng, lông chân tay hoặc nổi mụn,…phụ nữ có thể đoán được mình mắc hội chứng đa nang hay không?. Thông thường, chị em có thể nhận biết sự thay đổi đó bằng các dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu bất thường của chu kỳ kinh nguyệt (chiếm 70%), bao gồm: Vô kinh (không có kinh trong vòng 6 tháng hoặc hơn), thiểu kinh (ít hơn 8 chu kì kinh trong 1 năm), thời gian mỗi chu kỳ kinh kéo dài ( >35 ngày); trong kỳ "đèn đỏ" lượng máu kinh mất quá nhiều hoặc quá ít; có chảy máu bất thường giữa các chu kỳ kinh nguyệt...
- Biển hiện lâm sàng của cường androgen( chiếm 70%) do tăng hormone nam testosterone: có ria mép, rậm lông, mụn trứng cá, các mảng tróc tóc hay các vùng sần da màu xám xanh xuất hiện ở nếp cổ, nếp bẹn, đùi trong, ...
- Béo phì (chiếm 50%) do tình trạng tăng nội tiết tố androgen và đề kháng insulin nên có sự rối lọan phân bố mỡ, làm thân hình người phụ nữ có dạng quả lê và gây tăng cân khó kiểm soát.
Tình trạng tăng nội tiết tố androgen và đề kháng insulin gây ra sự rối lọan phân bố mỡ, làm thân hình người phụ nữ có dạng quả lê và gây tăng cân khó kiểm soát (ảnh minh họa)
“PCOS là hội chứng rối loạn sự bài tiết của các nội tiết tố trục hạ đồi- buồng trứng- tuyến yên. Vì vậy, nó sẽ gây ra các chu kì kinh không rụng trứng hay có rụng trứng nhưng không làm trưởng thành trứng. Từ đó, nó giảm khả năng sinh sản”, bác sĩ Thạch cho hay.
Các triệu chứng kể trên chỉ là những hậu quả ngắn hạn của PCOS. Ngoài ra, PCOS còn tiềm ẩn các hệ lụy lâu dài cực kì nguy hiểm khác như đái tháo đường tuýp II, ung thư nôi mạc tử cung hay các bệnh lý mạch vành,….
Điều trị bệnh tùy vào độ nặng của rối loạn nội tiết
Thực tế, điều trị các chứng của PCOS tùy thuộc vào mục tiêu của người bệnh, đặc biệt là độ nặng của sự rối loạn nội tiết. Trước hết, chị em mắc PCOS cần thay đổi chế độ ăn hằng ngày. Bác sĩ Thạch nói: “Chưa có chế độ ăn nào gọi là chuẩn cho chị em bị PCOS nhưng chế độ ăn cân đối các thành phần ít calories sẽ đem lại hiệu quả nhiều nhất. Ngoài ra, chị em có thể kết hợp uống các loại thuốc làm giảm sự đề kháng insunlin, thuốc làm giảm sự rối loạn phân bố mỡ và kèm theo tầm soát định kì các hệ lụy lâu dài của PCOS”.
Nhiều trường hợp PCOS được phát hiện tình cờ qua khám phụ khoa định kì, nhưng phần lớn các trường hợp phát hiện do vô kinh thứ phát hoặc vô sinh. Khi đó, không ít trường hợp được điều trị và tự điều trị bằng thuốc ngừa thai uống để " tạo kinh". Bên cạnh đó, một số lựa chọn thuốc kích thích buồng trứng giúp noãn phát triển và tạo sự phóng noãn bình thường.
Để phòng ngừa hội chứng buồng trứng đa nang, phụ nữ cần vận động, tập thể dục hàng ngày và có chế độ ăn uống đầy đủ. Nếu có thể có dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt hãy liên hệ bác sĩ!