Cuộc đời cướp đi ánh sáng của chị Nga nhưng lại mang đến cho chị một người đàn ông yêu thương.
Người dân ở khu tập thể Văn Chương từ người già đến trẻ nhỏ không ai là không biết đến câu chuyện về chị Nga mù.
Năm 28 tuổi, chị Nga tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ được 5 năm, công việc vừa ổn định. Mọi người tin chắc rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu với cô gái trẻ xinh đẹp, chịu thương, chịu khó ấy. Thế nhưng, con tạo trớ trêu đã đẩy tương lai chị rẽ sang một hướng khác khi chị phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường – căn bệnh tử thần lúc bấy giờ bởi nó không có thuốc chữa. Sức khỏe yếu đuối cùng với nỗi đau mất mát cha mẹ, chị Nga khóc ròng rã cả tháng trời rồi mắt không nhìn thấy lúc nào không hay.
Chị Nga nghẹn ngào chia sẻ: “Cuộc sống của tôi hết sức khó khăn, đặc biệt là khi mắt tôi nhìn mờ dần sau những chấn động dài. Lúc ấy tôi nghĩ rằng cuộc sống của mình coi như chấm hết vì đến bản thân mình chăm lo cũng không nổi thì làm sao có thể yêu ai hay xa hơn là lấy chồng? Tôi đã gào thét nhiều vì nghĩ rằng ông trời bất công, cướp đi ánh sáng của tôi quá sớm.”
Cuộc sống đã thử thách chị Nga khi cướp đi ánh sáng từ đôi mắt của chị
Tình yêu kì diệu của người đàn ông yêu thương chị đã khiến chị vững niềm tin trong cuộc sống
Nước mắt khóc nhiều thì cũng cạn. Chị Nga nhiều đêm thức trắng và nghĩ về số phận của mình. Chị đã từng nhờ mua thuốc ngủ chỉ mong chết quách đi. Nhưng lúc ấy, có một nguồn ánh sáng đã đến với chị và chị vào tin vào điều kỳ diệu.
Ông Cừ đưa chị Nga đi chợ, mua đồ ăn. Đã từ lâu rồi, ông trở thành đôi mắt của chị Nga
Khi ấy, một người đàn ông đứng tuổi với gương mặt phúc hậu và giọng nói ấm đã chìa đôi bàn tay chai sạn và vững chắc ra đón lấy chị. Ông là người đã cứu chị khi chị có ý định lao vào dòng xe ồn ã để tự vẫn. Và đã nhiều năm nay ông cũng đã quen thuộc với cả khu tập thể Văn Chương dù ông không ở đây. Bởi ngày ngày ông vẫn đến nhà chị Nga mù để làm đôi mắt cho chị Nga.
Mặc dù chị Nga không còn nhìn thấy nhưng chị vẫn có thể tự mình làm mọi việc
Ông Nguyễn Công Cừ tâm sự: “Tôi đến để giúp Nga nhưng thực ra Nga cũng giúp tôi nhận ra nhiều điều trong cuộc sống. Khi tôi biết Nga cô ấy đã bị đái tháo đường được nhiều năm và hỏng cả hai mắt nhưng vẫn sống rất ngăn nắp và yêu đời. Nga tự nuôi sống được bản thân mình chứ không chịu phụ thuốc người khác. Thậm chí khi tôi đến chơi cô ấy vẫn có thể nấu cơm cho tôi ăn và bật mí là các món Nga nấu vẫn rất ngon.”
Ông Cừ rất thích những món ăn do chị Nga nấu
Nhiều lần ông đã ngỏ lời để đón chị về chăm sóc chị nhưng chị không đồng ý. Chị bảo chị sợ làm gánh nặng cho bất cứ ai. Quan trọng hơn, chị tự thấy cuộc sống mình đủ đầy và thi vị.
Chị Nguyễn Hồng Nga chia sẻ: “Khi mất đi đôi mắt, bù lại tôi được rất nhiều điều. Tôi cảm nhận cuộc sống bằng những giác quan còn lại…Và cuộc sống đối với tôi thú vị lắm. Lúc đầu cũng đã nghĩ đến chuyện gục ngã nhưng rồi tôi biết mình quá trẻ cho cái chết. Thế nên tôi học cách sống chung với nó, mọi người khuyên tôi nên học nghề tẩm quất để tự nuôi sống mình…”
Tình yêu của họ gặp nhiều khó khăn nhưng vượt lên tất cả, hai người vẫn quyết bảo vệ tình yêu của mình
Chị Nga coi bệnh tật là một người bạn khó tính mà chị buộc phải sống từ giờ đến cuối cuộc đời nên chị rất bình thản và vui vẻ với nó. Nhờ tình yêu của người đàn ông này chị càng thấy cuộc sống đáng yêu hơn. Chị vẫn có thể đi chợ, chọn đồ và nấu những bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng. Ông Cừ vẫn ngày ngày chăm lo cho chị, nhẹ nhàng và không câu nệ. Cả ông Cừ và chị đã phải vượt qua nhiều dư luận khi quyết tâm bảo vệ tình yêu của chính họ, tình yêu mà cả hai người dù muốn cũng không thể né tránh.
Tình yêu kì diệu của ông Cừ đã làm nên ánh sáng cho cuộc đời chị Nga
Người xưa thường nói, khi yêu nhau người ta yêu cả nỗi đau đớn của nhau. Điều đó thật đúng với mối tình của ông Cừ và chị Nga. Và cuộc sống luôn có nhiều con đường và dù có chọn ngã rẽ nào thì chúng ta cũng không thể thoát được cái quy luật của tạo hóa: sinh, lão, bệnh, tử…