Yêu nhau, sống thử cùng với nhau nhưng cả Hồng và Dương đều không nghĩ đến đám cưới bởi vì: "Yêu là một chuyện, cưới lại là chuyện khác".
Khi yêu, ai cũng mong muốn tình yêu đó cập bến bờ hạnh phúc. Thế nhưng một số bạn trẻ ngày nay, dù đang say trong men tình ái nhưng vẫn chẳng mơ về một đám cưới. Họ chỉ nghĩ đơn giản yêu là yêu, còn cưới là chuyện khác”:
“Yêu thôi, cần gì phải cưới”
Thúy – cô gái 21 tuổi, đang là sinh viên của một trường đại học tự hào với đám bạn bè khi yêu được một “người tình” giàu có mặc dù người tình hơn cô tới 17 tuổi.
Thúy được mọi người đánh giá có vẻ ngoài đẹp như hoa khôi. Thúy chân dài, da trắng, môi hồng, mắt nâu… tất cả những điểm trên gương mặt, vóc dáng của Thúy đều khiến người ngắm nhìn phải mê đắm. Thế nhưng bỏ qua mọi lời tán tỉnh của những anh chàng thư sinh, đẹp trai, cao ráo, Thúy nhận lời yêu một “anh” hơn cô tới 17 tuổi, người lùn tịt… Nhưng cái chính là anh ta có thể chu cấp cho Thúy một cuộc sống sung sướng hơn những bạn đồng trang lứa.
Cùng học đại học, nhưng khác với các bạn phải đi xe bus, xe đạp tới trường thì Thúy hãnh diện cưỡi chiếc xe ga bóng lộn, đắt tiền. Điều đáng nói là Thúy chẳng phải xin tiền bố mẹ mà được bạn trai mua cho. Không những thế, Thúy còn có điện thoại xịn, túi hàng hiệu, quần áo đắt tiền… Cuộc sống của Thúy đúng là mơ ước của nhiều người.
Cặp với "đại gia" già nua để lấy tiền nên chẳng mơ một đám cưới sau này (Ảnh minh họa)
Khi cô bạn thân dò hỏi về chuyện tương lai tính thế nào thì Thúy dửng dưng như không: “Yêu thôi chứ lão có vợ rồi, mơ gì mà cưới. Mình cũng không có ý định lấy lão già về làm chồng. Bây giờ cuộc sống sinh viên khó khăn, yêu để bản thân mình đỡ khổ hơn. Còn sau này sau khi ra trường, tự kiếm được tiền nuôi thân thì giải tán. Mình không thích cướp chồng người khác, mà anh ta cũng chẳng bỏ vợ lấy mình đâu”.
Cũng chung một cách sống như Thúy, Lan và bạn trai yêu nhau mà chẳng cần biết đến ngày mai. Thời điểm Lan nhận lời yêu Tú, ai cũng nói không nên bởi anh chàng con nhà giàu này chỉ còn khoảng 1 năm nữa là chuyển qua nước ngoài sinh sống. Mặc dù chàng ta đã nói rõ ràng với Lan rằng ở nước ngoài, gia đình cũng đã sắp xếp một mối “ngon ngon” để lấy làm vợ, sống và định cư bên đó nhưng tình yêu đó vẫn cứ được tiếp tục.
Quan điểm của Lan là yêu hôm nay thì biết hôm nay. Lan thích thú với anh chàng bạn trai nhà giàu, điển trai đưa đi ăn mỗi tối cho đỡ buồn. Lan chia sẻ: “Yêu ít mà chất còn hơn là yêu chăm chăm cưới rồi chán phèo. Anh ấy ra nước ngoài rồi thì mình lại tìm người khác. Có gì đâu. Cứ biết hôm nay đã, không phải tính toán chuyện cả đời cho mệt”. Tranh thủ khi bạn trai còn ở Việt Nam, Lan vòi vĩnh, xin tiền để có được những món đồ như mình thích.
Tranh thủ khi bạn trai còn ở Việt Nam, Lan vòi vĩnh, xin tiền để có được những món đồ như mình thích. (Ảnh minh họa)
Ngày tiễn bạn trai ra sân bay, Lan quay trở về cũng bắt đầu lên kế hoạch cho một tình yêu mới ngay tắp lự. Chuyện quá khứ chẳng để lại một chút buồn trong lòng cô gái trẻ.
“Yêu là một chuyện, cưới lại là chuyện khác”
Không hẳn yêu để lợi dụng chuyện tiền bạc, nhiều đôi bạn trẻ yêu nhau thật lòng, gắn bó với nhau nhưng một đám cưới lại là điều họ không hề nghĩ đến.
Hồng và Dương học cùng với nhau ở trường đại học. Đôi bạn trẻ được đánh giá là trai tài, gái sắc ấy yêu nhau được hơn 4 tháng thì dọn về ở chung. Tính đến nay, cả hai đã sống thử với nhau được hơn 3 năm rồi. Nhưng khi ai đó hỏi về “tương lai” với “ngôi nhà và những đứa trẻ” thì cả hai đều cười và gạt đi: “Sẽ không có chuyện đó xảy ra đâu”.
Sở dĩ cả hai đều không nghĩ đến chuyện đám cưới là bởi vì biết chắc chắn gia đình sẽ không đồng ý. Hồng và Dương ở quá xa nhau, kẻ bắc, người nam. Chẳng qua hiện tại đi học nên mới sống cùng một thành phố thế này. Đôi bạn trẻ xác định sau này ra trường ai sẽ về quê người nấy, tình yêu này không thể tiến tới hôn nhân được vì bố mẹ chắc chắn không đồng ý. Hơn nữa, bản thân cả hai người cũng không có ý định sẽ bỏ quê theo người kia.
Sống thử cùng nhau nhưng không mơ một đám cưới vì "yêu là một chuyện, cưới thì không" (Ảnh minh họa)
Hiện tại cả hai vẫn cứ sống như vợ chồng, chăm sóc, yêu thương nhau và xác định chừng nào tốt nghiệp ra trường sẽ chia tay. Khi hỏi về cảm giác đã không xác định cưới nhưng vẫn sống cùng nhau, Dương chia sẻ: “Bọn mình là những người trẻ, cả hai cảm thấy yêu nhau thì sống cùng với nhau thôi. Còn chuyện cưới xin thì không thể vì hoàn cảnh không cho phép. Điều này đôi bên cùng tự nguyện thì có gì phải buồn, trách cứ hay áp lực? Yêu nhau, về sống cùng một nhà vừa tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, vừa đỡ cô đơn, buồn chán. 4 năm qua, chúng mình sống với nhau đã được lợi rất nhiều thứ. Cả hai xác định sau này sẽ chia tay trong hòa bình, coi mọi thứ như kỉ niệm, về quê lấy vợ, lấy chồng và chúc cho đối phương hạnh phúc”.
Cũng tương tự thế, chị Khánh Lê cũng sống với bạn trai nhưng chẳng mơ một tổ ấm gia đình. Chị Lê năm nay đã ngoài 30 tuổi, từng có một đời chồng và một đứa con trai 4 tuổi. Hôn nhân không hạnh phúc, chị và chồng ly hôn. Sau đó chị chuyển lên thành phố làm thuê, kiếm sống qua ngày. Ở đó chị gặp anh Tùng, một thanh niên 29 tuổi, chưa vợ.
Họ cũng dọn về ở chung với nhau. Điểm lợi của cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” đó là chị Lê có người đàn ông mà nương tựa, dựa vào… Còn anh Tùng thì có bàn tay người đàn bà chăm sóc, lo cho miếng cơm, giấc ngủ… Nhưng khi hỏi về một đám cưới, anh Tùng từ chối trả lời còn chị Lê thì rất thoải mái chia sẻ: “Mình không mơ về một đám cưới. Chúng mình đến với nhau vì hoàn cảnh xô đẩy, nhiều khi cái nghĩa lớn hơn cái tình. Anh ấy là trai tân chưa vợ, quê quán lại quá xa với nhà mình. Trong khi đó mình là gái đã có một đời chồng, lại có con riêng. Chuyện gia đình anh ấy chấp nhận mình là rất khó. Mình cũng không muốn đẩy anh ấy vào tình thế khó xử. Hiện tại cuộc sống của cả hai rất tốt, chúng mình dựa vào nhau mà sống. Sau này nếu vì điều kiện anh ấy phải chuyển đi, hoặc về quê lấy chồng thì mình cũng hoàn toàn ủng hộ thôi. Chúng mình không ràng buộc nhau vì mình biết thân phận của mình”.