Cách khắc phục trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ

Ngày 16/12/2019 05:52 AM (GMT+7)

Trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ (gắt ngủ) khiến các mẹ vô cùng mệt mỏi và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm sau sinh. Vậy làm thế nào để con ngủ ngon không quấy khóc?

Trong tháng đầu tiên sau khi chào đời, hầu hết các bé đều là thiên thần, con chỉ ăn và ngủ, khóc tí chút rồi lại ngủ tiếp. Tuy nhiên, qua giai đoạn tuần trăng mật, trẻ bắt đầu ngủ ít hơn, khó ngủ hơn, ngủ một chút là thức, quấy khóc trước khi ngủ hay thậm chí là quấy khóc cả đêm không chịu ngủ mặc dù mẹ đã hát ru, bế ẵm, đi rong,... 

Trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ hay ít ngủ về đêm sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học và sự phát triển toàn diện của trẻ. Không chỉ vậy, điều này còn khiến các mẹ mệt mỏi, mất ngủ triền miên, stress và thậm chí là trầm cảm sau sinh.

Cách khắc phục trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ - 1

Bé quấy khóc không chịu ngủ là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị trầm cảm sau sinh. (Ảnh minh họa)

 Lý do khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ?

Có khá nhiều lý do khiến trẻ quấy khóc khó ngủ, chẳng hạn như:

- Trẻ bị lẫn lộn ngày đêm.

- Trẻ chưa thích nghi được với môi trường sau sinh.

- Trẻ đói, tã bẩn.

- Môi trường ngủ không đảm bảo, ví dụ như phòng ngủ ồn ào, đèn trong phòng ngủ quá sáng,...

- Trẻ quá nóng hoặc quá lạnh.

- Trẻ quá mệt, mẹ bỏ lỡ tín hiệu ngủ của con.

- Trước giờ ngủ trẻ bị phấn khích, ví dụ như mẹ cho con xem điện thoại, tivi quá nhiều khi còn quá nhỏ hoặc trẻ bị la mắng.

- Gặp ác mộng và nỗi sợ ban đêm.

- Mẹ vỗ ợ hơi cho bé chưa kỹ.

- Trẻ ngủ quá nhiều hoặc quá ít vào ban ngày.

- Trẻ quấy khóc khi bị ốm, mọc răng.

Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ

1. Tập cho con phân biệt ngày đêm

Khi mới chào đời, một số trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban đêm và thay vào đó sẽ ngủ bù vào ban ngày. Tình trạng ngủ ngày cày đêm khiến lịch sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn và trẻ càng ngày càng cáu gắt khó chịu hơn khi đi ngủ.

Cách khắc phục trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ - 2

Mẹ nên giúp con điều chỉnh đồng hồ sinh học khi con bị nhầm lẫn ngày và đêm. (Ảnh minh họa)

Để khắc phục tình trạng này, mẹ cần giúp con điều chỉnh đồng hồ sinh học bằng quy tắc “ban ngày nhiều ánh sáng và tiếng động, ban đêm tối và yên lặng”. Cụ thể, vào buổi sáng, mẹ không nên để con ngủ quá 8 giờ sáng, cho bé ăn và chơi trong môi trường nhiều ánh sáng.

Ngược lại, ban đêm mẹ cần đặt con nằm ngủ ở nơi ít ánh đèn, không gian yên tĩnh. Mọi hoạt động khi con thức dậy về đêm như thay bỉm, cho ăn cũng nên diễn ra trong yên lặng, không nên bật đèn sáng lên mà chỉ nên dùng đèn pin nhỏ.

2. Cho bé đi tắm nắng vào sáng sớm

Tắm nắng không chỉ giúp con khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng mà còn giúp cơ thể con sản sinh ra hormone melatonin. Loại hormone này có vai trò điều hòa nhịp sinh học ngủ - thức của cơ thể, nhờ thế mà con sẽ vào giấc ngủ đêm dễ dàng hơn và ngủ sâu hơn.

3. Quấn bé khi ngủ

Cách khắc phục trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ - 3

Quấn bé khi ngủ sẽ giúp bé ngủ ngon hơn, đỡ giật mình. (Ảnh minh họa)

Trong bụng mẹ, trẻ đang quen với cảm giác được bọc ối bao bọc xung quanh nên khi mới chào đời, trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường. Điều này khiến trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ hoặc ngủ không sâu do giật mình liên tục. Để trẻ có cảm giác an toàn và được bao bọc giống như trong bụng, mẹ có thể dùng tã hay quấn chũn chuyên dụng để quấn chặt con hoặc chèn gối quanh bé.

4. Tạo môi trường ngủ cho trẻ

Khi ngủ, bố mẹ nên đặt trẻ nằm ngủ trong không gian tĩnh lặng, ít ánh sáng để giúp bé ngủ ngon hơn, tránh bị kích thích. Ngoài ra, bố mẹ có thể bật tiếng ồn trắng (tiếng máy sấy tóc, nhịp tim đập,...) hoặc tiếng nhạc du dương để trấn tĩnh trẻ. Hơn nữa, nhiệt độ phòng phù hợp khi ngủ cho trẻ là dưới 24 độ C.

5. Đọc được tín hiệu buồn ngủ của trẻ

Phần lớn trẻ gắt ngủ là do con đã quá buồn ngủ dẫn đến kiệt sức, mệt mỏi, sinh ra gắt ngủ. Vì vậy, khi con có tín hiệu buồn ngủ, mẹ nên đưa con vào môi trường ngủ và dỗ con ngủ ngay. Để làm được điều này, mẹ cần dựa vào:

- Thời gian thức – ngủ trung bình đối với từng độ tuổi của con.

Cách khắc phục trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ - 4

- Nắm rõ tín hiệu buồn ngủ của con như ngáp, mắt lờ đờ, dụi mắt, quay đầu khỏi nơi có ánh sáng, tiếng động, nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó, gãi tai,...

6. Thiết lập trình tự ngủ cố định cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ

Trẻ càng ít tháng sẽ càng dễ thích nghi với trình tự ngủ mẹ đặt ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là trình tự này cần phải diễn ra hàng ngày, không xáo trộn để bé biết khi mẹ làm những việc này có nghĩa là đã đến giờ đi ngủ. Trình tự ngủ ban ngày của trẻ sơ sinh có thể là:

- Khi thấy con có tín hiệu buồn ngủ, mẹ đưa con vào môi trường ngủ.

- Kéo rèm cửa lại để phòng tối.

- Quấn trẻ (hoặc không) rồi bế vác hoặc đặt bé nằm xuống giường, vỗ về bé, dỗ bé vào giấc ngủ. Tư thế nằm nghiêng sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn nên bố mẹ có thể để trẻ nằm nghiêng khi mới ngủ và để trẻ nằm ngửa ra khi đã ngủ say.

7. Tắm vào chiều tối giúp con ngủ ngon hơn

Nhiều mẹ lo sợ tắm chiều tối dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, nhưng nếu mẹ tắm trong phòng kín gió, nhiệt độ ấm thì tắm chiều sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ, trong đó có giúp trẻ ngủ ngon hơn. Bởi sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể con sẽ hạ xuống, nhờ đó mà cơ thể bắt được tín hiệu và trở nên buồn ngủ hơn.

8. Vỗ ợ hơi kỹ cho trẻ

Nhiều mẹ có thói quen đặt trẻ nằm ngủ ngay sau khi ăn nhưng có những trẻ sơ sinh bú xong không chịu ngủ mà quấy khóc hoặc trẻ ngủ một một giấc ngắn khoảng 30 phút – 1 tiếng sẽ tỉnh dậy khóc, phải dỗ ròng rã mấy tiếng liền mới có thể ngủ lại. Trong trường hợp này, trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ có thể là do trẻ bị mắc hơi vì mẹ không vỗ ợ hơi cho trẻ.

Do đó, sau mỗi bữa ăn, mẹ nên vỗ ợ hơi thật kỹ cho con. Sau tiếng ợ đầu tiên, mẹ nên vỗ thêm từ 5-10 phút nữa rồi mới đặt con nằm xuống.

Con quấy khóc không chịu ngủ cả đêm, mẹ Thái Bình tá hỏa khi soi đèn thấy cảnh tượng này!
Cũng chỉ vì quá thương cháu ốm mãi không khỏi nên bà vú mới nhanh chóng giã tỏi đắp vào chân cho bé 7 tháng.
Hà Phương (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giấc ngủ của bé