Kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của người phụ nữ. Do vậy, việc theo dõi sát sao chu kỳ kinh, màu sắc máu rất quan trọng để phát hiện bất thường.
Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Kinh nguyệt là hiện tượng ra máu âm đạo sinh lý tự nhiên ở phụ nữ theo một chu kỳ nhất định. Mỗi chu kỳ, trứng sẽ phát triển trong cơ thể và phóng ra khi trưởng thành, sẵn sàng thụ tinh với tinh trùng và tạo thành phôi thai. Khi đó, lớp niêm mạc ở tử cung sẽ dày lên, chuẩn bị cho sự làm tổ của bào thai. Trong trường hợp trứng phóng ra không gặp và thụ tinh với tinh trùng, lớp niêm mạc không cần thực hiện chức năng làm tổ cho phôi thai sẽ bong ra, tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt là tấm gương phản chiếu sức khỏe của người phụ nữ, nhất là sức khỏe sinh sản. Do vậy, việc theo dõi sát sao mỗi khi đến "đèn đỏ" như số ngày hành kinh, màu sắc kinh nguyệt… rất quan trọng để phát hiện bất thường và đi khám sớm.
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt thế nào?
Bác sĩ Dương Ngọc Vân, chuyên khoa Sản khoa (Bệnh viện Medlatec) cho biết, thông thường một chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới sẽ diễn ra trong khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chu kỳ ở mức 2 đến 7 ngày vẫn được coi là bình thường. Khoảng thời gian giữa các chu kỳ cách nhau 28 ngày. Có nhiều trường hợp chu kỳ lặp lại sau 21 ngày, thậm chí là 35 ngày nhưng sự lặp lại này đều đặn ở các tháng cũng không có gì đáng ngại.
Chu kỳ kinh nguyệt ở trong khoảng 3-7 ngày là bình thường, lý tưởng nhất là 5 ngày. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Vân tư vấn, cách tính chu kỳ kinh nguyệt dành cho chị em gồm những bước sau:
- Bước 1: Đánh dấu ngày bắt đầu kinh nguyệt xuất hiện.
- Bước 2: Theo dõi liên tục đến ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo và đánh dấu tiếp.
- Bước 3: Tính thời gian lặp lại giữa các chu kỳ.
- Bước 4: Theo dõi liên tiếp khoảng 6 tháng để có biết trung bình một chu kỳ kéo dài bao lâu và dự đoán chu kỳ tiếp theo rơi vào ngày nào. Ví dụ:
+ Ngày bắt đầu chu kỳ lần 1: 26/8/2022
+ Ngày bắt đầu chu kì lần 2: 24/9/2022
Như vậy, thời gian giữa 2 kỳ kinh nguyệt là 28 ngày.
Chu kỳ kinh 5 ngày là tuyệt vời, nhưng 3-7 ngày cũng đừng lo lắng
Ths.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, một chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng nhất cho chị em ở độ tuổi “sung sức” về sức khỏe sinh sản (khoảng 20-30) là 5 ngày. Tuy nhiên, việc chu kỳ chỉ xuất hiện 3 ngày hay kéo dài 7 ngày cũng không phải vấn đề quá lớn.
Bác sĩ Thành cho biết tùy vào thực tế cơ thể, mỗi người sẽ có số ngày hành kinh khác nhau.
Theo bác sĩ Thành, chu kỳ kinh nguyệt phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, nồng độ hormone, thậm chí cả những vấn đề tâm lý như căng thẳng, stress. Chẳng hạn, ở các bạn gái vị thành niên (trước 18 tuổi), chu kỳ kinh nguyệt thường không đều, thậm chí tháng có kinh, tháng lại mất kinh. Hoặc tháng này ra nhiều kinh nhưng tháng sau có ít và số ngày hành kinh cũng thay đổi. Với trường hợp này cần phải theo dõi thêm và không nên quá lo lắng, bởi đặc điểm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi này chưa phát triển hoàn thiện.
Hay trường hợp những phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh (thường cuối tuổi 30 đến đầu những năm 40 tuổi) chu kỳ kinh nguyệt cũng thất thường. Điển hình nhất là tình trạng tháng có kinh, tháng không có kinh hay nhiều trường hợp chỉ có kinh 2-3 ngày đã hết, trong khi trước đó kinh nguyệt rất đều. “Với trường hợp này cũng không nên lo lắng, vì đây là sự thay đổi rất bình thường và tác động bởi yếu tố tuổi tác, nồng độ hormone ở tuổi này cũng đã suy giảm rõ rệt”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Khi nào nên đi khám?
Bác sĩ Dương Ngọc Vân cho biết, mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên theo dõi sát sao để phát hiện những bất thường. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là khoảng 3-7 ngày, lượng máu ra trong cả chu kỳ chỉ khoảng 2 thìa máu. Nếu số máu ra nhiều hơn, khoảng 4 - 6 thìa, cũng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu phải thay băng vệ sinh lúc ban đêm hoặc tiết ra một cục máu đông quá lớn (kích cỡ khoảng một quả bóng golf hay lớn hơn) là bất thường, cần đi khám.
Cần theo dõi số máu ra trong ngày kinh để phát hiện sớm bất thường và đi khám kịp thời. (Ảnh minh họa)
Thông thường, ngày đầu tiên của chu kỳ kinh sẽ tiết ra lượng máu khá nhiều nhưng không đến mức phải thay băng vệ sinh 2 giờ một lần. Nếu thấy cần thay băng vệ sinh liên tục trong khoảng 2 - 3 giờ, chị em cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, nếu có các biểu hiện dưới đây trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em cũng nên đi khám sớm:
- Rong kinh là tình trạng lượng kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài hơn 7 ngày.
- Rong huyết là hiện tượng ra máu dài hơn 7 ngày nhưng không mang tính chu kỳ. Nếu rong kinh diễn ra hơn 15 ngày sẽ chuyển thành rong huyết, gọi là rong kinh - rong huyết. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể. Do vậy, khi cơ thể vừa xuất hiện những triệu chứng này cần đến gặp bác sĩ.
- Cường kinh là hiện tượng máu kinh nguyệt ra nhiều và diễn ra dài ngày khiến sức khỏe bị giảm sút mạnh do mất khá nhiều máu.
- Thiếu kinh là hiện tượng lượng kinh nguyệt ra ít và chỉ trong thời gian ngắn khoảng 1 - 2 ngày.
- Kinh nguyệt không đều và màu sắc thay đổi.
Tin liên quan
Suốt 4 năm trời, con gái 16 tuổi của chị Ánh Thu có chu kỳ kinh nguyệt thất thường. Người mẹ lo lắng không biết nguyên nhân vì sao và liệu...
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Dù đời sống chăn gối vẫn thăng hoa nhưng bà mẹ 2 con lo lắng không yên vì mỗi lần "đèn đỏ" đều mệt mỏi, nặng nề. Đây liệu có phải vấn đề...
Ra máu vùng kín bất thường, bị chậm kinh cô gái trẻ rất lo lắng không biết bị làm sao? Bác sĩ Lê Thị Kim Dung - chuyên gia sản khoa, Trung...
Tin bài cùng chủ đề Kinh nguyệt
Đau bụng kinh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một nghiên cứu mới cho thấy có khả năng trầm cảm đóng vai trò gây ra chứng đau bụng kinh.