Việc bắt buộc học sinh ngồi học trực tiếp tại trường phải đeo tấm chắn giọt bắn là không nên, vì vừa ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, tác dụng phòng dịch bệnh kém.
Kính chắn giọt bắn không tốt khi học sinh ngồi trong lớp học
Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hiện một số địa phương trên cả nước vẫn cho trẻ học online, một số nơi đã cho học sinh đến trường học trực tiếp nhưng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.
Theo đó, ngoài thực hiện biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, rất nhiều nơi trẻ đến trường còn được yêu cầu đội mũ có tấm chắn giọt bắn khi ngồi học.
Học sinh đeo tấm chắn giọt bắn khi học ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. (Ảnh minh họa)
Dưới góc độ dịch tễ, tiến sĩ - bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa nhiễm - Nội thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết, học sinh không cần thiết phải đeo tấm chắn chống giọt bắn liên tục. Bác sĩ Khanh cho rằng việc đeo tấm chắn này chỉ dùng với trường hợp mặt đối mặt và chăm sóc trực tiếp bệnh nhân. Còn trong phòng học thì học sinh đều nhìn về một hướng trên bục giảng nên không cần thiết.
“Đối với học sinh, quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách và không đưa tay lên vùng mũi miệng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Trao đổi với PV, PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh - Trưởng khoa Khúc xạ - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết việc học sinh đeo kính chắn giọt bắn khi đi học là không cần thiết. Việc đeo kính chắn gọt bắn liên tục còn ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, vì quá trình học của trẻ diễn ra liên tục với thời gian dài.
“Ngoài việc ảnh hưởng đến tầm nhìn của trẻ, quá trình học trẻ vẫn đeo khẩu trang, hơi thở ra làm mờ tấm chắn, như vậy sẽ ảnh hưởng hoạt động nhìn của các em. Thời gian trẻ đội mũ có tấm chắn giọt bắn lâu, khiến mắt phải điều tiết, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị lực và khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu, nhất là với trẻ đang phải đeo kính cận”, PGS Đức Anh cảnh báo.
PGS Nguyễn Đức Anh thăm khám cho trẻ bị ảnh hưởng đến thị lực sau quá trình học online dài ngày.
Đối với trẻ học online nhiều, PGS Đức Anh cho rằng cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực, nhất là những trẻ học thiết bị điện tử nhỏ như ipad, điện thoại. “Thực tế thời gian qua, số trẻ bị vấn đề về mắt liên quan việc học online đến bệnh viện khám gia tăng, nhất là vấn đề liên quan đến điều tiết mắt và cận thị”, PGS Đức Anh chia sẻ.
Theo các chuyên gia, để bảo vệ đôi mắt của trẻ, nhất là khi việc học online có thể phải kéo dài, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con thực hiện quy tắc 20-20-20. Có nghĩa là cứ 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra xa 20 feets (khoảng 6m), trong vòng 20 giây.
Ngoài giải pháp trên thì điều chỉnh màn hình theo mức sáng vừa đủ, chỉnh cỡ chữ và ký tự to hơn… nhưng không nên tạo hiệu ứng glare (lóa, sáng quắc). Khi trẻ ngồi học nên chiếu sáng từ phía trên và phía sau màn hình điện tử. Nên dùng bóng đèn công suất nhỏ, compact và đèn vàng là thích hợp nhất, không nên dùng đèn neon. Không nên để máy tính ở gần cửa sổ hay nguồn sáng mạnh, gây giao thoa ánh sáng. Bố mẹ cũng nên quan tâm chọn bàn, ghế phù hợp với tầm vóc của trẻ.
Ngoài các vấn đề trên, dinh dưỡng cũng rất quan trọng, nên cho trẻ ăn nhiều rau, củ, quả màu đỏ hoặc vàng. Các loại hải sản, các loại cá và nhuyễn thể cũng rất tốt cho mắt và não. Bất kể khi nào trẻ xuất hiện tình trạng đau mắt, nhức mắt, mỏi mắt, nước mắt chảy nhiều thì cũng cần đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời.