Có cách ăn uống nào giúp chữa tiểu đường? BS tiết lộ người có chỉ số này ít nhất 10 năm không lo mắc bệnh

Ngày 18/09/2022 14:18 PM (GMT+7)

Chế độ ăn uống ảnh hưởng khá lớn tới tình trạng bệnh tiểu đường nhưng liệu việc thay đổi hẳn cách ăn hay lựa chọn thực phẩm có khiến bệnh khỏi? Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cơ sở 3 sẽ giải đáp điều này.

Chồng tôi mới phát hiện mắc tiểu đường. Gần đây, tôi nghe một người bạn kể rằng, nhờ thay đổi chế độ ăn uống mà bố anh ấy (gần 70 tuổi) đã khỏi được bệnh này. Tôi bán tín bán nghi vì nghe bác sĩ nói rằng cần kiểm soát bệnh cả đời chứ không có loại thuốc hay thực phẩm nào ăn vào giúp khỏi tiểu đường cả. Dù vậy, tôi cũng muốn thử áp dụng cho chồng mình, biết đâu sẽ hiệu quả.

Liệu về mặt y học, việc thay đổi cách ăn uống có thực sự giúp chữa tiểu đường không thưa bác sĩ? Nếu mình ăn đúng mà chỉ số đường huyết trở về mức bình thường thì có cần tiếp tục dùng thuốc? Cảm ơn bác sĩ. 

(Độc giả Thanh Hòa, Bắc Ninh)

Trả lời của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng khoa điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM - cơ sở 3: 

Trước tiên chúng ta cần xác định tiểu đường là gì? Đó là khi một người có mức đường huyết >180mg/dl hoặc đi tiểu có đường hay chỉ số HbA1c >7mg%. Một số người không phải bị tiểu đường mà chỉ có đường huyết cao và khi điều chỉnh bằng chế độ ăn uống, tập luyện thì đường huyết trở về ổn định. 

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3.

Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cơ sở 3. 

Vì sự nhầm lẫn giữa bệnh tiểu đường với việc có đường huyết cao nhất thời, nhiều người khi thấy chỉ số đường huyết giảm cho rằng họ đã điều trị khỏi bệnh. Điều này không đúng.

Để bạn hiểu hơn về tiểu đường, cách kiểm soát đường huyết hiệu quả, chúng ta cùng tìm hiểu một số vấn đề: 

1. Chỉ số đường huyết là gì?

Đường (hay glucose máu) là nguồn năng lượng chính của cơ thể và là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng, cần thiết cho các cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh và tổ chức não bộ.

Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index) được định nghĩa là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu, thường được đo bằng đơn vị là mmol/l hoặc mg/dl. Nồng độ glucose trong máu liên tục thay đổi từng ngày, thậm chí từng phút, đặc biệt liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Lúc nào trong máu cũng luôn có một lượng đường nhất định, nếu lượng đường trong máu thường xuyên cao sẽ dẫn tới bệnh đái tháo đường và ảnh hưởng biến chứng đến nhiều cơ quan, đặc biệt là thận, mạch máu…

2. Lượng đường huyết của người bình thường là bao nhiêu?

Chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như sau:

Đường huyết bất kỳ: <140 mg/dL (7,8 mmol/l)

Đường huyết lúc đói: <100 mg/dL (<5,6 mmol/l)

Sau bữa ăn: <140mg/dl (7,8 mmol/l).

HbA1C: < 5,7 %.

Cụ thể:

Ăn uống đúng có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả chứ không chữa khỏi bệnh. (Ảnh minh họa)

Ăn uống đúng có thể giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả chứ không chữa khỏi bệnh. (Ảnh minh họa)

Đường huyết lúc đói:

Chỉ số đường huyết lúc đói được đo lần đầu vào buổi sáng, lúc bạn chưa ăn hay uống bất kỳ loại thực phẩm nào (trong vòng 8 tiếng). Chỉ số đường huyết lúc đói ở khoảng giữa 70 mg/dL (3.9 mmol/L) và 92 mg/dL (5.0 mmol/L) là bình thường.

Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia y tế thấy rằng, những người có lượng đường huyết lúc đói trong khoảng trên không có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn.

Đường huyết sau ăn:

Chỉ số đường huyết sau ăn của người bình thường khỏe mạnh là dưới 140mg/dL (7,8 mmol/L) đo trong vòng 1-2 giờ sau ăn.

Đường huyết lúc đi ngủ:

Lượng đường huyết trước đi ngủ của người bình thường sẽ dao động 110-150mg/dl (tương đương 6,0-8,3mmol/l).

Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c):

HbA1c dưới 48 mmol/mol (6,5%) là bình thường. HbA1C thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L) thì được coi là hạ đường huyết. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời. Sự tụt giảm đường huyết này có thể tiếp tục diễn ra và khiến cho người bệnh dễ rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não.

Tuy nhiên nếu lượng đường huyết cao có thể do khả năng tiết insulin của các tế bào tuyến tụy bị giảm hoặc insulin có đủ trong cơ thể nhưng không có tác dụng (đề kháng insulin). Để cung ứng đủ nhu cầu của cơ thể, tuyến tụy phải làm việc ngày một nhiều hơn cho đến khi bị quá tải và hư hỏng. Bên cạnh đó, nó còn làm cho mạch máu bị xơ cứng hay còn gọi là tình trạng xơ vữa động mạch. Hầu hết các bộ phận trên cơ thể đều có khả năng bị tổn thương do chỉ số đường huyết cao.

3. Cách duy trì chỉ số đường huyết ổn định

Để duy trì mức độ đường huyết ổn định, lành mạnh cần có chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và duy trì một lối sống khỏe mạnh. Bạn có thể tham khảo một số cách sau để giúp đường huyết ổn định hơn:

Bổ sung thực phẩm màu xanh và đỏ tươi: Các loại thực phẩm có chứa anthocyanins có trong các thực phẩm màu xanh và đỏ tươi như: nho, dâu và quả mọng giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.

Theo dõi đường huyết thường xuyên và đều đặn: Uống đều đặn thuốc hạ đường huyết hay tiêm insulin: Cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, tuân thủ theo đơn thuốc, lộ trình điều trị của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay thêm thuốc mới mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: Thành phần dinh dưỡng hàng ngày được khuyến nghị là glucid 50-60%, protid 15-20%, lipid 20-30% tổng số calo trong ngày. Đặc biệt không được bỏ bữa sáng do ăn sáng giúp ổn định lượng đường huyết cả ngày. Kết hợp lành mạnh protein, tinh bột và chất béo cộng với các loại trái cây hoặc các loại hạt sẽ giúp bạn duy trì lượng đường huyết ổn định.

Tập thể dục: Bạn nên tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần, lưu ý kiểm tra đường huyết, huyết áp, tình trạng tim mạch trước khi tập. Việc đổ mồ hôi trong khi tập thể dục giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Khi duy trì một chế độ tập luyện phù hợp lâu dài, các tế bào sẽ trở nên nhạy cảm hơn với insulin.

Uống sữa: Các sản phẩm từ sữa góp phần làm giảm đáng kể nguy cơ kháng insulin, vì các protein và enzyme trong sữa đã làm chậm sự chuyển hóa lượng đường trong thức ăn thành lượng đường trong máu. Uống sữa mỗi ngày có thể giảm được nguy cơ kháng insulin lên tới 20%.

Cô gái bị tiểu đường vì một thói quen gặp ở nhiều người trẻ
Tại Việt Nam, đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trong số các bệnh không lây nhiễm, sau tim mạch và ung thư. Nhiều người quan niệm đây là căn bệnh chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà ít biết răng một số thói quen xấu thường gặp lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người trẻ.

Sống khỏe

Linh Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường..