Nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêu thụ quá nhiều đường fructose có thể gây rò rỉ ruột và dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Nói về đường, có các loại đường chính là sucrose, lactose, và fructose. Ngoài ra còn có đường hóa học là những chất ngọt tổng hợp. Trong đó đường fructose là một loại đường đơn được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và mật ong. Ngoài ra, còn có nhiều loại thực phẩm được bổ sung đường fructose mà chúng ta thường sử dụng trong cuộc sống chẳng hạn như đồ uống có ga chứa xi-rô fructose, bánh quy, bánh mì, sữa chua…
Fructose có vị ngon hơn glucose, với độ ngọt cao và chỉ số đường huyết (GI) thấp, nó thường không dễ làm tăng đường huyết trong máu. Do đó, nhiều người từng nghĩ rằng fructose là một loại đường tốt cho sức khỏe.
Trên thực tế, đường fructose không lành mạnh hơn so với các loại đường khác và thậm chí còn tác động tiêu cực đến gan nếu lạm dụng.
Fructose là một chất tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ
Sau khi chúng ta tiêu thụ thức ăn chủ yếu có chứa tinh bột (cơm, bún, phở, ngô…) vào cơ thể sẽ được tiêu hóa và chuyển hóa thành glucose, khi đã ăn một lượng nhất định, bộ máy tiêu hóa cùng với não bộ sẽ gửi lại tín hiệu “ngừng ăn”.
Nhưng fructose thì không. Mặc dù fructose và glucose có cấu trúc phân tử giống nhau nhưng quá trình trao đổi chất của chúng trong cơ thể không can thiệp đến nhau. Ngay cả khi glucose đã tạo ra tín hiệu "no", nó sẽ không ảnh hưởng đến việc hấp thụ fructose. Kết quả là chúng ta dễ dàng tiêu thụ lượng đường dư thừa.
Đáng sợ hơn nữa là các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mặc dù đường fructose ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu hơn nhưng nó sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình tổng hợp chất béo trong gan. Do đó, nếu nạp quá nhiều đường fructose sẽ ảnh hưởng lớn đến lipid máu và dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên đối tượng người lớn thừa cân, béo phì cho thấy, việc sử dụng đồ uống chứa đường fructose khiến cân nặng và lượng mỡ nội tạng tăng lên đáng kể.
Các nhà dinh dưỡng kết luận: "Dù fructose không phải là chất béo, nhưng do tất cả fructose đều chuyển thành chất béo cho nên thức ăn giàu fructose cũng giàu béo, và vòng luẩn quẩn xảy ra".
Làm thế nào để tránh hấp thụ quá nhiều fructose?
Ăn trái cây điều độ
Mặc dù trái cây có chứa fructose nhưng không vì thế mà chúng ta phải tránh nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất này. Theo các chuyên gia, các tác hại của fructose gây ra cho gan chỉ xảy ra khi chúng ta hấp thụ quá mức loại đường này.
Do đó, với các loại trái cây ngọt, chúng ta nên ăn ở mức vừa phải: 150 - 250g mỗi ngày, không nên uống nước ép. Đối với những bệnh nhân gan nhiễm mỡ, tăng lipid máu và tiểu đường, hãy cố gắng chọn những loại trái cây có hàm lượng đường thấp như: ổi, mận, bưởi. Ngoài ra, chúng ta có thể chọn củ cải, dưa chuột, cà chua thay vì hoa quả.
Đọc bảng thành phần của thực phẩm đóng gói
Tỷ lệ fructose khá cao trong xi-rô fructose mà chúng ta hay sử dụng. Vì xi-rô fructose có vị ngọt và tạo cảm giác sảng khoái hơn khi ướp lạnh nên nó được thêm vào với số lượng lớn trong nhiều loại đồ uống có đường. Thông thường, một chai nước ngọt 500ml chứa khoảng 25 gam đường fructose.
Do đó, khi mua các loại đồ ăn, thức uống đóng gói, cần để ý đến bảng thành phần. Nếu sản phẩm có chứa fructose hoặc xi-rô ngô giàu fructose (High-Fructose Corn Syrup, HFCS) nên cân nhắc lượng sử dụng phù hợp, tránh nạp vào quá mức.
Nấu ăn không nên cho nhiều đường
Các loại đường ăn ở nhà, bao gồm đường trắng, đường nâu, đường phèn... chủ yếu bao gồm đường sucrose. Khi đường sucrose được cơ thể con người tiêu hóa, nó sẽ được phân hủy thành glucose và fructose.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng lượng đường bổ sung trong một ngày được kiểm soát trong phạm vi 50 gam, tốt nhất là trong phạm vi 25 gam, lượng đường fructose cũng được đưa vào đây và nếu vượt quá tiêu chuẩn này là quá mức.
Do đó, khi nấu nướng cũng nên hạn chế cho đường.
Thức uống lành mạnh nhất là nước lọc
Nước lọc là thức uống vừa đơn giản, rẻ tiền và tốt cho sức khỏe hơn các nước giải khát đóng chai chứa nhiều đường. Uống nước lọc sẽ vừa giúp bù nước, giải khát và không mang đến nỗi lo béo phì, tiểu đường, tăng mỡ máu và các bệnh khác.