Có những chất gì trong chiếc bánh chưng? Lý do đi bộ 3 tiếng mới tiêu hết ¼ chiếc bánh

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 28/01/2022 11:50 AM (GMT+7)

Bánh chưng có đầy đủ các nhóm chất nên cung cấp khá nhiều năng lượng. Tuy nhiên, nếu ăn hợp lý thì không phải vấn đề đáng lo ngại.

Bánh chưng là thực phẩm không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Mỗi một vùng miền có cách gói bánh chưng khác nhau như bánh chưng vuông, bánh chưng tày (bánh tét), bánh chưng gù…

PGS.TS. BS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết bánh chưng truyền thống là sự kết hợp thực phẩm khá hoàn hảo. Theo đó, bánh chưng có nhiều nhóm chất như gạo nếp có đường bột, đậu xanh có chất xơ, thịt ba chỉ có chất béo, protein… Do vậy, nếu ăn nhiều bánh chưng sẽ gây tăng cân.

Một chiếc bánh chưng cỡ trung bình bao gồm tất cả các nguyên liệu sẽ có trọng lượng khoảng gần 1kg. Với một chiếc bánh như vậy sẽ có rất nhiều năng lượng, lên đến hàng nghìn kcal.

“Tính trung bình chiếc bánh chưng 8 lạng sẽ có khoảng 2.600kcal. Như vậy, nếu ăn 1/8 chiếc bánh chưng, cơ thể nhận khoảng hơn 300kcal. 1/8 chiếc bánh chưng như vậy đã tương đương gần bằng bữa sáng với một bát bún mọc (khoảng 350kcal) hoặc gần bằng một bát phở với khoảng 500kcal.

Tuy nhiên, trong thực tế ít người ăn 1/8 chiếc bánh chưng mà thường ăn 1/4 chiếc, thậm chí ăn ½ chiếc bánh. Chưa kể nhiều người còn có sở thích ăn bánh chưng rán, năng lượng sẽ tăng lên đáng kể. Bởi cứ 10 gam dầu mỡ sẽ có thêm 90kcal”, PGS Lâm giải thích.

Thành phần chiếc bánh chưng rất đa dạng nhóm chất, do vậy chứa nhiều calo. Ảnh minh họa.

Thành phần chiếc bánh chưng rất đa dạng nhóm chất, do vậy chứa nhiều calo. Ảnh minh họa.

Qua phân tích trên có thể thấy, nếu ăn một nửa chiếc bánh chưng (chưa kể rán) sẽ phải đi bộ ở mức độ vừa phải khoảng 6 giờ liên tục mới tiêu thụ hết. Bởi với tốc độ đi bộ ở mức trung bình, mỗi tiếng tiêu thu được 225kcal. Chưa kể dịp Tết, cộng tình hình dịch bệnh khiến nhiều người ít tập thể dục hơn. 

Từ những phân tích trên, PGS Lâm khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn 1/8 chiếc bánh chưng/bữa. Nếu ai có sở thích ăn loại bánh này, cần hạn chế ăn thêm các thực phẩm khác. “Thực chất bánh chưng không có lỗi trong việc tăng cân, điều quan trọng mọi người phải ăn hợp lý, kết hợp cân đối với các thực phẩm khác thì không đáng lo ngại”, PGS Lâm tư vấn.

PGS.TS. BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết hiện nay đa số gạo làm bánh chưng xay xát kỹ nên chất xơ, chất khoáng bị mất hết và làm lượng đường, chất béo tăng. Do vậy, khi ăn một góc bánh chưng thì lượng đường và chất béo này bằng 2 miệng bát cơm.

Gạo làm bánh chưng được bào rất kỹ nên mất chất xơ, có nhiều đường bột. Ảnh minh họa.

Gạo làm bánh chưng được bào rất kỹ nên mất chất xơ, có nhiều đường bột. Ảnh minh họa.

“Nếu lạm dụng bánh chưng vào ngày Tết sẽ gây tăng cân. Hơn nữa, ăn quá nhiều chất bột đường sẽ gây thiếu chất, các vitamin, muối khoáng, vì vậy nên ăn vừa phải”, PGS Ninh lưu ý.

Vị chuyên gia này khuyến cáo để khắc phục tình trạng mất chất xơ, chất khoáng hay tăng lượng đường, chất béo do gạo xay xát kỹ, cần ăn tăng cường chất xơ, vitamin và chất khoáng, cụ thể như ăn kèm với rau xanh, sau ăn bổ sung quả chín.

Hoặc có thể ăn bánh chưng kèm với dưa muối, dưa hành. Đây là món ăn phổ biến trong những ngày Tết, giúp đỡ ngấy khi ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên, do bánh chưng khá mặn, ăn kèm dưa muối sẽ khiến lượng muối tăng cao, có thể gây tăng tiết axit khi ăn nhiều. Vì vậy, không nên quá lạm dụng, những người bị huyết áp, dạ dày, bệnh thận không nên ăn nhiều bánh chưng cũng như ăn kết hợp với dưa hành.

Thói quen tai hại khi ăn bánh chưng có thể khiến cơ thể nhiễm độc tố gây ung thư
Việc cắt bỏ phần mốc rồi tiếp tục sử dụng bánh chưng rất nguy hiểm, vì nấm mốc có trong bánh, mắt thường không thể nhìn thấy được.

Tết âm lịch năm 2021

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề PGS.TS.Nguyễn Xuân Ninh