Trẻ biếng ăn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh đau đầu, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ có những tư vấn, hướng dẫn giúp các bậc phụ huynh có thể xử lý được vấn đề này.
Chào bác sĩ! Tôi có cháu nhỏ lười ăn, mỗi lần ăn thường ăn rất lâu, hay bị nôn trớ... Chính vì cháu lười ăn nên cháu hay bị ốm, sút cân khiến gia đình vô cùng lo lắng. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi ạ.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Câu chuyện này rất thường gặp ở các gia đình có trẻ nhỏ. Việc trẻ biếng ăn nhưng người lớn lại rất hay ép ăn gây nôn trớ cho trẻ là không tốt. Vì thế, chúng ta phải giảm tải cho trẻ bằng cách mỗi lần cho ăn ít hơn, chế biến làm sao cho vừa đủ mỗi lần ăn và ước lượng cả bữa sau cũng vậy.
Khi chế biến, chúng ta cũng phải lưu tâm đến việc chế biến sao cho đồ ăn mềm hơn, ít hơn thậm chí chỉ nửa bát hoặc vài thìa. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải chú ý đến năng lượng trong mỗi bữa ăn của trẻ.
Mục đích là để trẻ ăn được ít nhưng vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng cho trẻ. Để làm được điều đó, khi chế biến chúng ta có thể dùng các mầm hoặc hạt nảy mầm để làm loãng bữa cháo bột, như vậy sẽ tăng được năng lượng, dưỡng chất trong bữa ăn cho em bé.
Trẻ biếng ăn hay nôn trớ là vấn đề nhiều gia đình có con nhỏ gặp phải. Ảnh minh họa.
Một điều cần phải chú ý nữa là khi trẻ đã biếng ăn, chúng ta thường cho nhiều thịt vào bữa ăn của trẻ. Điều đó khiến trẻ khó ăn, lượng đồ ăn cũng nhiều hơn và trẻ càng sợ ăn dẫn đến biếng ăn hơn. Thay vào đó, chúng ta cho đủ dầu mỡ hoặc tăng lượng dầu mỡ nhiều hơn một chút thì sẽ không làm tăng khối lượng thức ăn của bữa ăn mà vẫn đủ năng lượng cho em bé. Tăng lượng dầu mỡ còn làm tăng chất dung môi, trong đó có các vitamin A, vitamin E để giúp cho em bé tăng sức đề kháng sau này.
Khi đã điều chỉnh chế độ ăn, tăng độ dinh dưỡng, giảm bữa ăn rồi mà vẫn không xử lý được việc trẻ biếng ăn thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám để tìm các nguyên nhân khác, nếu cần thiết phải điều trị.