Da gà được nhiều người yêu thích vì độ giòn dai, béo ngậy khi ăn. Tuy nhiên, thông tin ăn bộ phận này gây hại cho sức khỏe, thậm chí là có thể tăng nguy cơ ung thư đang khiến nhiều người lo lắng.
Thịt gà là thực phẩm giàu dinh dưỡng và được nhiều người ưa thích. Khi sử dụng thịt gà, rất nhiều người thích ăn da vì đây là bộ phận vừa béo, vừa giòn và tạo nên hương vị đặc trưng cho loại thực phẩm này. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho rằng không nên ăn da gà vì có nguy cơ gây ung thư, nhiễm khuẩn, dị ứng… ảnh hưởng tới sức khỏe.
Nguyên nhân mọi người hạn chế ăn da gà là vì bộ phận này chứa nhiều chất béo, ăn nhiều sẽ tăng cholesterol (xấu) từ đó tăng nguy cơ mắc nhiều các bệnh mãn tính, trong đó có ung thư. Trước thông tin trên, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết thông tin ăn da gà mắc ung thư, có hại cho sức khỏe là không chính xác. Bởi thịt gà khi dùng làm thực phẩm thường sẽ có cả da, đây là thức ăn được sử dụng lâu đời nên không thể nói ăn da gà gây hại, mắc bệnh như lời đồn.
Da gà không phải là tác nhân gây bệnh ung thư như lời đồn. (Ảnh minh họa)
TS Nguyễn Trọng Hưng thừa nhận da gà có nhiều chất béo, nhưng để đến mức gây hại cho cơ thể thì cần xem số lượng và tần suất ăn bao nhiêu. “Nếu chỉ ăn da gà dính trong miếng thịt và tuần ăn 1-2 lần thì không đáng ngại. Tất nhiên nếu vì sở thích mà một bữa ăn cả 1kg da gà thì không nên”, bác sĩ Hưng cho hay.
Theo bác sĩ Hưng, một trường hợp khác khiến da gà ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đó là việc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như sơ chế không sạch, bị nhiễm khuẩn. “Thực tế, không chỉ có da gà mà tất cả những thực phẩm khác không đảm bảo vệ sinh đều gây hại cho sức khỏe”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Theo lời khuyên của vị tiến sĩ dinh dưỡng này, da gà vẫn có thể ăn được nhưng phải tuân thủ hài hòa nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh: Ăn hợp vệ sinh, ăn vừa đủ, không lạm dụng. Người mắc bệnh lý vẫn ăn được da gà, nhưng cần lưu ý số lượng và tần suất sử dụng, tốt nhất nên có tư vấn của bác sĩ.
Còn đối với thịt gà, theo bác sĩ Hưng, trừ những người có cơ địa dị ứng, còn lại mọi người có thể sử dụng 2-3 lần/tuần mà không cần kiêng khem. Thịt gà chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như: protein để tái tạo cơ, tăng cường hệ thống miễn dịch; chất béo; chất khoáng (sắt, canxi, magie, mangan, photo, kali, kẽm, đồng…); các vitamin như vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin B5, vitamin B6, vitamin E, vitamin K…
Thịt gà giàu dinh dưỡng chứa nhiều chất đạm, axit amin tốt cho sức khoẻ người mới khỏi ốm, người suy nhược cơ thể. Thịt gà cũng là thực phẩm dễ kiếm và có thể chế biến thành nhiều món sử dụng được cho người có bệnh lý.
Để tránh ngộ độc, dị ứng khi ăn gà, có thể ăn kèm với lá chanh. (Ảnh minh họa)
Lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết da gà không được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng như phần thịt, chúng chủ yếu chứa chất béo và có lượng collagen nhất định. Tuy nhiên, việc ăn da gà cũng không đến mức gây ung thư. “Nếu mọi người thấy ngon và thích ăn bộ phận này thì hoàn toàn có thể sử dụng được, vì số lượng da gà trong mỗi bữa ăn không nhiều”, ông Sáng cho hay.
Điều ông Sáng lưu ý khi ăn da gà là tránh nguy cơ dị ứng hoặc ngộ độc, nếu xảy ra trường hợp này có thể dùng lá chanh để xử lý. Cụ thể, nếu bị ngộ độc hay dị ứng khi ăn da gà thì dùng lá chanh sắc lấy nước uống. Đó cũng là lý do vì sao thịt gà, nhất là gà luộc luôn đi kèm với lá chanh.