Những sợi lá chanh dù rất nhỏ bé nhưng khi rắc vào thịt gà luộc lại cho hương vị đặc trưng, hơn thế nữa còn có tác dụng quan trọng với sức khỏe.
Video: Lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ tác dụng giải độc của lá chanh khi rắc cùng với thịt gà luộc.
Gà luộc là món ăn quen thuộc, cũng là một trong những món chính trên mâm cỗ cổ truyền ở Việt Nam dịp lễ Tết. Sau khi bày thịt gà luộc đã chặt miếng lên đĩa, mọi người thường rắc chút lá chanh thái chỉ và cho rằng việc làm này là để trang trí và tạo mùi vị cho món ăn.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Hội Đông y Hà Nội) cho rằng, đúng là lá chanh khi rắc lên gà luộc có mùi thơm vô cùng hấp dẫn, đặc trưng. Thế nhưng, hiểu theo cách này mới chỉ đúng một phần, bởi tác dụng vô cùng lớn khi thịt gà kết hợp với lá chanh thì không phải ai cũng biết.
Theo ông Sáng, trong đông y, thịt gà là một vị thuốc và có tên gọi khác là kê nhục. Thịt gà có tính khí ôn, vị cam, không độc, có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau. Còn lá chanh trong đông y vị cay ngọt, tính ôn, có tác dụng hoà đàm, chỉ khái, sát khuẩn và tiêu đờm.
Thịt gà lá chanh không chỉ để thơm ngon, dậy mùi mà còn là bài thuốc giải độc, chữa dị ứng rất tốt. (Ảnh minh họa)
Với những tác dụng trên, khi thịt gà và lá chanh kết hợp với nhau sẽ bổ trợ cho nhau. “Da gà dễ gây dị ứng, có chứa nhiều vi khuẩn hoặc một số người còn bị ngộ độc khi ăn thịt gà không đảm bảo. Việc rắc lá chanh lên thịt gà ngoài tạo mùi thơm, bớt độ ngấy của mỡ ở da gà, còn có tính sát khuẩn cao, giải độc cho da gà và tránh gây dị ứng”, lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ.
Vị lương y này dẫn chứng, từ xưa đến nay, trong y học cổ truyền có bài thuốc rất hiệu nghiệm, đó là những ai bị ngộ độc, dị ứng khi ăn thịt hoặc da gà thì dùng lá chanh sắc lấy nước uống sẽ giảm được triệu chứng. “Qua đó có thể thấy, lá chanh kết hợp với thịt gà là vị thuốc chứ không đơn giản chỉ tạo hương sắc, mùi vị. Tuy nhiên, chỉ nên rắc ít bởi nếu dùng nhiều lá chanh sẽ có vị đắng”, ông Sáng cho hay.
Trong xã hội hiện đại, ông Sáng cho rằng có nhiều sự kết hợp thực phẩm đang làm mất giá trị món ăn, thậm chí còn làm mất dinh dưỡng, không có lợi cho sức khỏe. Chẳng hạn, thịt gà xưa thường được chế biến bằng 3 cách chính là luộc, nướng (đắp đất sét) và rang (kho). Gia vị kết hợp chính là gừng, xả, ớt, lá chanh. Ngày nay, lại có nhiều cách chế biến khác từ thịt gà như nộm gà, gỏi gà kết hợp nhiều loại gia vị khác nhau như rau húng, lạc rang, đặc biệt là kinh giới - loại rau được cho là đại kỵ với thịt gà.
“Thực chất mà nói, một đĩa nộm có trộn rau kinh giới thì số lượng rau ít, lại nhiều người cùng ăn nên không đủ để gây hại cấp tính cho cơ thể. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ mất đi giá trị thịt gà, mất chất dinh dưỡng…”, ông Sáng phân tích.
Việc cải biến món ăn, cho hỗn hợp các loại gia vị vào thịt gà có thể làm mất vị và giá trị món ăn. (Ảnh minh họa)
Theo ông Sáng, nguyên nhân thịt gà kỵ rau kinh giới là vì vị cay (tinh dầu) của kinh giới có tác dụng hạ huyết ứ. Khi kết hợp với thịt gà có tính ấm sẽ khiến cơ thể mắc chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, run rẩy... Do vậy, vị lương y này khuyên mọi người tốt nhất hãy kết hợp các gia vị truyền thống và ăn theo cách truyền thống để vừa giữ được nét văn hóa ẩm thực, lại không gây hại cho sức khỏe.
Tin liên quan
Sau khi điều trị viêm nhiễm, các bác sĩ tiến hành nội soi cho bệnh nhân phát hiện có dị vật lạ phía trong và tiến hành xử lý thành công.
Ngũ cốc không chứa gluten đang trở thành lựa chọn phổ biến trong chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài việc an toàn cho người bị dị ứng gluten,...
Nghe theo lời mách bảo của người khác hay những lời khuyên trên mạng, không ít người thường xuyên ăn ức gà để giảm cân. Liệu cách này có...
Rất nhiều người cho rằng, thịt gà bổ hơn thịt vịt vì thế được nhiều gia đình lựa chọn và sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, sự thật không hoàn...
Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán
3 tháng nữa sẽ chính thức đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố lịch nghỉ Tết cho học sinh, có địa phương kéo dài hơn nửa tháng nhưng có nơi chỉ cho học...