Đạp xe có tốt hơn đi bộ hay chạy? Một lỗi nhiều người hay mắc khi đạp xe dễ gây tật suốt đời

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/04/2024 09:29 AM (GMT+7)

Đạp xe là môn thể thao rèn sức bền, tiêu tốn nhiều năng lượng và mang lại không ít lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý để tránh dị tật suốt đời.

Đạp xe là môn thể thao được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường. Thực tế, đạp xe mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như xây dựng cơ bắp, gia tăng trao đổi chất, phòng bệnh mãn tính, nhất là thoái hóa khớp gối. 

Đã có những nghiên cứu so sánh giữa chạy bộ và đạp xe cho thấy, khi đi bộ hoặc chạy, các khớp chân sẽ chịu hoàn toàn trọng lượng của cơ thể, kéo dài quá lâu có thể dẫn tới các chấn thương. Trong khi đó, nếu đạp xe, trọng lượng cơ thể sẽ do cơ đùi trước và cơ đùi sau chịu trách nhiệm, các khớp gối, khớp cổ chân sẽ được giảm áp lực đi tương đối nhiều.

Bác sĩ Đỗ Nam Khánh - Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, không thể phủ nhận những tác dụng của đạp xe với sức khỏe, nhưng nếu đạp xe không đúng cách có thể phản tác dụng, thậm chí còn gây tật.

Video: Bác sĩ Đỗ Nam Khánh chia sẻ về sai lầm thường gặp khi đạp xe. 

Bác sĩ Nam Khánh chỉ ra hai lỗi cơ bản nhất khi đạp xe:

- Đi đạp xe quá sớm

Theo bác sĩ Khánh, không gian, thời gian đạp xe nói riêng và tham gia các môn thể thao khác nói chung là rất quan trọng. Hiện có không ít người, thậm chí cả gia đình dậy rất sớm để tranh thủ đạp xe. Điều này không tốt bởi vào sáng sớm, nhất là thời điểm thời tiết giao mùa như hiện nay, trời có xương mù, lượng CO2 còn nhiều, khi đó nếu chúng ta vận động, hít thở vào thì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Tốt nhất nên đạp xe khi trời đã sáng, có ánh nắng mặt trời. Ảnh minh họa.

Tốt nhất nên đạp xe khi trời đã sáng, có ánh nắng mặt trời. Ảnh minh họa. 

Tốt nhất, nên đạp xe vào khoảng 7-8 giờ sáng hoặc đạp xe vào khoảng buổi chiều khi vẫn còn ánh nắng mặt trời. Điều này không chỉ tốt cho vận động, trao đổi chất mà nó còn giúp phòng tránh được tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông.

- Chỉ đạp xe, không tập các bài bổ trợ khác

Theo bác sĩ Khánh đây là nhược điểm lớn nhất của những người đạp xe thường xuyên. “Yếu tố môi trường như đã nói trên chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được. Tuy nhiên, động tác và thói quen đạp xe mới là nhược điểm thường gặp nhưng lại khó khắc phục”, bác sĩ Khánh nói.

Theo đó, khi đạp xe chủ yếu chỉ vận động cơ chân, không vận động cơ bụng. Vì thế, nhiều người đạp xe nhằm mục đích giảm mỡ bụng là không có hiệu quả. Hơn nữa, khi đạp xe cơ tay và cơ lưng dường như không hoạt động, vì thế sẽ phát triển không đồng đều dễ bị tật ảnh hưởng đến cơ và xương.

Thực tế, tôi đã từng gặp trường hợp đạp xe hơn 10 năm, bị gù lưng chỉ vì đạp xe. Trong đó, trẻ vị thành niên, người cao tuổi là dễ ảnh hưởng nhất. Xương của trẻ đang phát triển dễ bị tác động, trong khi ở người cao tuổi, xương ít nhiều bị lão hóa nên cũng sẽ bị ảnh hưởng không thể phục hồi”, bác sĩ Khánh cảnh báo.

Đạp xe thường sẽ chỉ vận động ở phần chân đùi, trong khi phía trên dường như không được vận động nhiều nên sẽ phát triển không đều. Ảnh minh họa.

Đạp xe thường sẽ chỉ vận động ở phần chân đùi, trong khi phía trên dường như không được vận động nhiều nên sẽ phát triển không đều. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Khánh khuyên, mọi người nên đạp xe vì môn thể thao này tốt cho khớp gối, nhất là những người đang bị thoái hóa, nhưng cần kết hợp với những môn tập luyện khác, nhất là bài phát triển cơ tay và cơ lưng như bơi, cầu lông để cơ thể phát triển cân bằng và được hoạt động toàn diện.

Ngoài hai vấn đề trên, dưới đây là một số sai lầm thường gặp khác mọi người có thể khắc phục khi đạp xe:

- Yên xe quá thấp: Yên xe quá thấp là một sai lầm khi đạp xe khá phổ biến. Điều này là do mọi người thường tự tin hơn nếu bàn chân có thể chạm đất. Tuy nhiên chiều cao của yên không phù hợp sẽ dễ dẫn đến những chấn thương đầu gối. Ngoài ra, yên xe quá thấp cũng ảnh hưởng đến cánh tay và thân người khi đạp xe. Tốt nhất nên căn chỉnh yên xe làm sao để chân không chạm đất, đồng thời cánh tay và thân của người tập cần tạo thành một góc 45 độ so với xe đạp.

Chỉnh yên xe phù hợp vừa tránh tai nạn thương tích, vừa tránh ảnh hưởng đến xương khớp. Ảnh minh họa.

Chỉnh yên xe phù hợp vừa tránh tai nạn thương tích, vừa tránh ảnh hưởng đến xương khớp. Ảnh minh họa.

- Tập luyện quá sức: Một trong những sai lầm khi đạp xe gây ra chấn thương đó là tập luyện quá sức. Việc xây dựng chế độ tập luyện từ cơ bản đến nâng cao là vô cùng cần thiết để cơ thể có thể thích nghi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu đạp xe trong 30 phút với tốc độ 20 km/h sẽ giúp cơ thể tiêu hao khoảng 300 calo, ngang với bữa ăn nhẹ. Do vậy, với người trưởng thành có sức khỏe bình thường, không có bệnh nền, thời gian đạp xe tốt nhất là 30-60 phút, không đạp xe liên tục quá một tiếng.

- Không bổ sung năng lượng: Bên cạnh việc bổ sung nước, bổ sung năng lượng cũng vô cùng quan trọng khi đạp xe. Nếu không bổ sung năng lượng trong một thời gian luyện tập dài, cơ thể có thể sẽ bị hạ đường huyết, mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn... Tốt nhất hãy chia thành các lần ăn nhỏ từ 15-20 phút giữa lúc đạp xe theo mức calo cho phép để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Tự tập một mình, không tham gia vào các nhóm đạp xe: Việc tham gia vào các nhóm đạp xe sẽ giúp mọi người được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm được tốt hơn, đồng thời đảm bảo an toàn hơn khi tập luyện, nhất là khi gặp các sự cố về xe hay tai nạn.

Cựu thủ tướng Nhật 100 tuổi vẫn đạp xe mua đồ tiết lộ 3 bí quyết sống thọ, đặc biệt thích ăn món này
Chỉ duy trì những thói quen lành mạnh như ăn cá, tập thể dục và giữ thái độ tích cực, vị cựu thủ tướng Nhật Bản đã có thể sống tới 100 tuổi.

Sống thọ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác