Dẫn con đi khám, người mẹ dặn dò bác sĩ "chỉ khám bên ngoài vì con bé còn đi học, chưa từng quan hệ". Khi biết trong bụng con là cái thai gần 7 tháng, mẹ sững sờ.
Con gái có thai 7 tháng mẹ vẫn không tin
BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Hạnh đang làm việc ở một phòng khám tư tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa chia sẻ chuyện bé Nguyễn Minh Ngọc, 16 tuổi (học sinh lớp 10) mang thai ở tuần thứ 28 nhưng không hay biết. Mãi cho đến khi bé được mẹ đưa đi khám do trễ kinh 4 tháng thì mới biết mình mang bầu. Khi dẫn con đến khám, người mẹ còn dặn: “Bác sĩ hãy khám ngoài thôi, cháu còn đi học, chưa quan hệ tình dục. Ở nhà cháu rất ngoan, học giỏi, chưa làm trái ý bố mẹ bao giờ”.
Khi được bác sĩ hỏi, Ngọc khăng khăng mình chưa có bạn trai, chưa “ăn trái cấm”. Tuy nhiên, do thấy cô bé có các dấu hiệu của một thai phụ, vòng bụng to hơn bình thường, bác sĩ Hạnh yêu cầu Ngọc uống nhiều nước để làm siêu âm.
“Tôi nghĩ, bé gái không biết mình mang thai và chưa nắm được các kiến thức về quan hệ khác giới, phòng tránh thai và mang thai. Bởi nếu từng quan hệ nhiều lần hoặc biết mình mang thai, bé sẽ tìm cách né tránh siêu âm hoặc không uống nước khi bác sĩ yêu cầu”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Hình ảnh siêu âm cho kết quả một thai sống khoảng 27 tuần 4 ngày đang phát triển của bé Ngọc. Ảnh: BSCC.
Kết quả siêu âm cho thấy, Ngọc bị viêm âm hộ và đang mang thai 27 tuần 4 ngày. Dù được nghe tim thai và nhìn vào hình ảnh siêu âm, Ngọc vẫn không tin, khẳng định chưa quan hệ tình dục sao lại có bầu.
Còn người mẹ nghe kết quả rất bất ngờ, liền la mắng con gái ngay tại phòng khám. Khi bác sĩ Hạnh cho xem màn hình siêu âm, có thai nhi đang cử động, tim thai phát triển tốt trong bụng con gái mình, chị mới thôi ngỡ ngàng. Người mẹ yêu cầu bác sĩ giúp con gái chấm dứt thai kỳ nhưng vì thai đã lớn, bác sĩ Hạnh khuyên người mẹ cần động viên tinh thần con gái, tập trung lo cho cả con và cháu.
Tương tự trường hợp của Ngọc, tháng 6 vừa qua, bác sĩ Hạnh cũng gặp bé gái 15 tuổi được chị đưa đến khám thai ở tháng thứ sáu nhưng cũng không hay biết. Chị thai phụ kể, bé gái quê Thừa Thiên Huế, do gia đình khó khăn nên em nghỉ học sớm, đến Đà Lạt ở với chị rồi quen bạn trai khi đi làm chung. Sau khi đi quá giới hạn, em và bạn trai chia tay.
Thấy bụng bé gái ngày càng to, không nôn ói, không có biểu hiện ốm nghén, chị ngỡ em ở với mình hợp khí hậu nên mập lên. Một phần, thấy bé gái ngoan, luôn nghe lời, siêng năng, chăm chỉ nên chị không một chút nghi ngờ. Đến khi em mang thai ở tháng thứ năm, chị mới tá hỏa khi que thử cho kết quả hai vạch. Lo sợ, hai chị em mới liên lạc với bạn trai bé gái thì biết anh đã nhảy cầu tự tử ở TP.HCM.
“Em bé chưa chào đời đã mồ côi cha. Người mẹ chưa biết gì về làm mẹ, không nghề nghiệp, không biết tương lai sẽ ra sao. Tôi chỉ biết khuyên gia đình hãy thôi la mắng, thôi chì chiết thai phụ. Cả nhà hãy chung tay lo cho em bé chào đời khỏe mạnh. Sau khi em bé sinh ra, nếu gia đình không đủ khả năng nuôi, chúng tôi sẽ kết nối để em bé cho cặp vợ chồng hiếm muộn”, bác sĩ Hạnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Hạnh, mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Đừng quá yên tâm khi thấy con ngoan, học giỏi
Theo TS.BS Tạ Thị Thanh Thủy, Nguyên Trưởng khoa Phụ Ngoại - Ung Bướu, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), việc các bé gái trong độ tuổi vị thành niên mang thai nhưng không biết là do các em chưa nắm được kiến thức giới tính.
Tiếp đó là do cha mẹ không nhạy bén, đặt niềm tin vào con mình quá nhiều. Họ nghĩ rằng, con mình ngoan, học giỏi, luôn nghe lời thầy cô, bố mẹ thì sẽ luôn có cuộc sống phẳng lặng. Nhiều người khi thấy con mất kinh lại nghĩ rằng đó là chuyện bình thường của bé gái mới bước vào tuổi dậy thì. Hoặc một số bà mẹ thấy con to bụng lên lại nghĩ mình chăm sóc tốt nên con tăng cân. Họ không mảy may nghĩ tới những chuyện thầm kín con mình đã làm và đang âm thầm gánh hậu quả.
Bác sĩ Thủy kể từng tiếp nhận nhiều bé gái được mẹ đưa đến khám thai và muốn được chấm dứt thai kỳ cho con. Hầu hết các thai phụ nhí đều thừa nhận, bào thai là kết quả của tình yêu giữa mình và bạn trai. Khi các em chơi cùng nhau đã có sự đua đòi, học theo mạng xã hội rồi tò mò khám phá mà không biết cách phòng ngừa. Khi hậu quả xảy ra, các em sợ bị la mắng, bạn bè đàm tiếu nên không dám chia sẻ cùng ai.
“Tôi từng khám cho nữ sinh học lớp 11 là con ngoan, học sinh giỏi, mang thai với bạn trai hơn một tháng được mẹ đưa đến bệnh viện xin bỏ thai. Trong quá trình thăm khám, cháu rất sợ, lo lắng và hối hận. Được tôi và gia đình động viên, khích lệ tinh thần, cháu mới bình tĩnh, thấy có lỗi với ba mẹ, khóc và hứa sẽ chăm lo học hành”, bác sĩ Thủy kể.
Theo bác sĩ Thủy, mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, làm tăng nguy cơ tử vong ở mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh chào đời từ người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành.
Thực tế, việc các bé gái mang thai và bất đắc dĩ làm mẹ khi “ăn chưa no, lo chưa tới” đang khiến nhiều người, nhiều gia đình phải đau đầu. Để các em vui với đúng lứa tuổi của mình, bác sĩ Thủy cho rằng ngành giáo dục cần đồng loạt đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào dạy cho em học sinh ở bậc THPT và THCS để các em biết được như thế nào sẽ có thai, nghi ngờ có thai và cách giữ mình, cách tránh thai trong quan hệ nam nữ ra sao.
Riêng đối với các nữ sinh, cần hướng dẫn cho các em cách vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là tốt nhất. “Tôi nghĩ, việc này cần làm tốt, hiệu quả và làm ngay để các em học sinh nắm được kiến thức về giới tính, khi nào nên đi khám thai, khám phụ khoa và cách thổ lộ chuyện thầm kín với cha mẹ hoặc người thân quen”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Với các phụ huynh, nếu chẳng may con mang thai, gia đình nên thông cảm, cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn, đừng nên la lắng, hắt hủi con. Bởi nếu bị la mắng trong độ tuổi “ẩm ương”, trẻ sẽ có thái độ chống đối, làm trái ngược điều mình muốn, từ đó dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bác sĩ Thủy cũng nhấn mạnh, với bé gái mới bước vào tuổi dậy thì, việc chu kỳ kinh nguyệt thất thường không hiếm gặp nhưng nếu thấy con mất kinh 2-3 tháng, cha mẹ nên nhẹ nhàng hỏi chuyện để tìm hiểu nguyên nhân.
“Trường hợp con mình ngoan, việc có kinh rồi mất cũng là bình thường, nhưng cần đưa con đi khám phụ khoa để bác sĩ đánh giá tình hình, có những lời khuyên phù hợp, nếu có bệnh thì điều trị và phát hiện hệ quả sớm, tránh được hệ lụy”, bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.