Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nên sử dụng dầu ăn hay mỡ lợn, mỗi người có một quan điểm khác nhau, tuy nhiên dưới góc nhìn khoa học mỗi loại đều có mặt lợi và hạn chế.
Đừng loại mỡ ra khỏi bữa ăn của trẻ
Dầu ăn và mỡ động vật (hay sử dụng nhất là mỡ lợn) thường hay dùng để chế biến các món ăn từ bình dân đến hảo hạng. Tuy nhiên, có không ít những ý kiến tranh luận về việc dùng dầu ăn và mỡ lợn loại nào tốt hơn.
Đối với mỡ lợn nếu lạm dụng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, béo phì… Còn đối với dầu ăn, khi chiên rán ở nhiều độ cao sẽ sản sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể, thậm chí là gây ung thư.
Thậm chí, hiện nay không ít gia đình còn loại bỏ mỡ trong việc chế biến món ăn cho trẻ vì cho rằng, mỡ lợn không an toàn, trẻ ăn vào dễ bị béo, thậm chí mắc các bệnh liên quan rối loạn chuyển hóa, còn dầu ăn thì an toàn hơn vì làm từ thực vật, độ béo không bằng mỡ.
Mỡ lợn rất tốt cho trẻ nhỏ nếu ăn điều độ, vì thế các mẹ không loại bỏ mỡ ra thực đơn bữa ăn của trẻ.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, những lo ngại như trên của các gia đình là không chính xác. Theo TS Sơn, trong mỡ lợn có nhiều vitamin D, giúp thúc đẩy sự hấp thụ canxi của cơ thể. Ngoài ra, mỡ chứa lecithin và cholesterol, là loại chất mà cơ thể rất cần.
Trong đó, cholesterol có vai trò rất quan trọng với não bộ, thần kinh, sức bền của thành mạch máu, chỉ khi thừa hoặc thiếu cholesterol mới ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, với trẻ nhỏ nên ăn mỡ động vật là chính, với tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật nên là 70/30.
Từ đó có thể thấy rằng, việc dùng mỡ hay dầu ăn cần phải cân đối tỷ lệ chất béo nguồn gốc động vật/thực vật được khuyến nghị theo từng lứa tuổi. Với trẻ nhỏ thì sử dụng như đã nói trên, còn người sau 35 tuổi, giai đoạn cơ thể đã trưởng thành tới lúc trung niên, tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật là 50/50. Người trên 60 tuổi, tỉ lệ mỡ động vật/dầu thực vật là 30/70.
Nên dùng kết hợp chứ không loại bỏ
TS Sơn cho rằng, dầu ăn hay mỡ lợn đều có những lợi ích nhất định với cơ thể, vì thế không loại bỏ bất cứ loại nào. Nên dùng kết hợp và hợp lý cả hai loại này khi chế biến món ăn.
Theo vị chuyên gia này, dầu ăn và mỡ đều là dung môi để hòa tan các vitamin như A,D,E,K và tạo hương vị cho món ăn. Ngoài ra, mỡ và dầu ăn còn tham gia cấu tạo các tế bào và dịch tế của các tổ chức, cấu tạo màng tế bào, các tổ chức liên kết, tổ chức thần kinh, đặc biệt là tổ chức não…
TS Sơn khuyên mọi người nên dùng kết hợp cả mỡ lợn và dầu ăn hàng ngày.
Nếu thiếu dầu ăn hoặc mỡ thì cơ thể sẽ thiếu hụt năng lượng, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt cả vitamin, gây suy nhược do thiếu omega 3 và omega 6.
Dù có nhiều lợi ích với sức khỏe nhưng dầu ăn và mỡ vẫn có những nhược điểm như dùng thiếu kiểm soát sẽ gây thừa cân béo phì, cao huyết áp, tắc nghẽn động mạch, bệnh tim. Ngoài ra còn có thể gây nguy cơ đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu…
Khi sử dụng, cần chú ý đảm bảo ở nhiệt độ an toàn khi nấu ăn và không nên tái sử dụng dầu mỡ. Dầu mỡ khi bị chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sinh ra các chất độc gây ung thư và gây tổn hại đến cơ thể; gia tăng nồng độ cholesterol xấu... Cụ thể, các món xào nên để ở nhiệt độ 120 ° C, món chiên nên ở nhiệt độ 160 - 180 ° C, chế biến ở lò nước nên để nhiệt độ 180 ° C.