Loại cây sống nơi bùn đen nhưng hoa có vẻ đẹp thanh khiết, từ rễ đến lá đều là vị thuốc "kỳ diệu"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 19/06/2023 16:13 PM (GMT+7)

Không chỉ có hoa hay bát sen, mà tất cả bộ phận của sen đều có thể dùng làm thuốc, đặc biệt khi đang vào mùa sen thì giá trị dược liệu sẽ tăng lên rất nhiều.

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ sinh ngày 20/9/1963, tại Vĩnh Long. Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa II Y học cổ truyền năm 2005.

Hiện bác sĩ là: Giảng...

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3) cho biết, sen khá phổ biến ở Việt Nam và thường chỉ có vào mùa hạ. Theo bác sĩ Vũ, đa số mọi người chỉ biết tác dụng của hoa sen, bát sen, hay ngó sen mà không biết toàn thân cây sen đều có lợi.

Trong y học cổ truyền, phần hạt còn màng đỏ bên ngoài có tên gọi là liên nhục; mầm trong hạt sen gọi là liên tâm (tâm sen); tua sen bỏ hạt gạo ở đầu gọi là liên tu; lá sen thu hái vào mùa thu gọi là liên diệp; thân rễ gọi là liên ngẫu… tất cả đều có thể dùng làm thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh.

Theo đó, thành phần hạt sen chứa nhiều tinh bột, protein, acid amin, dầu béo, một số steroid. Còn tâm sen chứa các hoạt chất methylcorypalin, armepavin, lotusin, nuciferin…. Lá sen cũng có nhiều hoạt chất tốt cho cơ thể như nuciferin, nornuciferin, roemerin, liriodenin,…

Các bộ phận trong cây sen đều có giá trị chữa bệnh nhưng chưa được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. (Ảnh minh họa)

Các bộ phận trong cây sen đều có giá trị chữa bệnh nhưng chưa được sử dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. (Ảnh minh họa)

“Có thể nói, trong thiên nhiên ít có loài thực vật nào như cây sen, khi toàn bộ các bộ phận của cây đều sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Đây cũng là loại cây được Hải Thượng Lãn Ông đúc kết rằng: Cây mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, đượm khí thơm trong lành của trời đất, nên củ, lá, hoa, tua, vỏ quả, ruột đều là thuốc hay”, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay.

Vị chuyên gia này cho biết trong cuộc sống hàng ngày nếu như phần hạt và hoa sen được nhiều người biết đến và sử dụng thì phần lá và củ vẫn chưa thực sự được coi trọng. Tuy nhiên, đây lại là hai bộ phận có nhiều tác dụng chữa bệnh nếu dùng khoa học và thường xuyên.

Lá sen có vị đắng tính bình, vào 3 kinh can, tỳ, vị. Dùng chữa thủy chí phù thũng, lôi đầu phong, nôn ra máu, máu cam, băng trung huyết lỵ. Ngoài ra, lá sen còn có công dụng đặc biệt là giúp trị béo phì, hạ mỡ máu bằng cách nấu lá sen tươi uống thay nước hàng ngày, mỗi ngày 1 lá. Hay dùng lá sen kết hợp với hoa hòe mỗi vị 10g; cúc hoa vàng 4g sắc uống nước hoặc lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sắc hoặc hãm uống để trị chứng khó ngủ, hay hồi hộp, huyết áp cao.

Củ sen có nhiều giá trị dinh dưỡng, có thể dùng làm thuốc và thực phẩm.

Củ sen có nhiều giá trị dinh dưỡng, có thể dùng làm thuốc và thực phẩm. 

Củ sen là nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể, trong 100g thịt củ cung cấp 4,9g hoặc 13% lượng chất xơ hàng ngày. Chất xơ giúp giảm cholesterol trong máu, đường, trọng lượng cơ thể và táo bón. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Bên cạnh đó, củ sen cũng chứa một lượng khoáng chất quan trọng như đồng, sắt , kẽm, magiê và mangan… có nhiều tác dụng với cơ thể.

Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản từ sen được bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ tư vấn:

- Chữa tiêu chảy mãn tính: Gồm liên nhục 12g, đảng sâm 12g, hoàng liên 5g. Các vị sắc uống hoặc tán bột uống mỗi ngày 10g.

- Chán ăn do suy nhược: Hạt sen 100g, bao tử heo một cái. Bao tử rửa sạch, thái lát, thêm nước vừa đủ, tiềm cách thuỷ với hạt sen, dùng trong ngày.

- Chữa sốt cao nôn ra máu, chảy máu cam: Gồm sinh địa tươi 24g, trắc bá diệp tươi 12g, lá sen tươi 12g, ngải cứu tươi 8g. Các vị nấu lấy nước uống nhiều lần trong ngày.

- Tiêu chảy, kiết lỵ: Sen nguyên cọng chừng 60g, hai muỗng đường trắng. Cọng sen rửa sạch, sắc uống kèm với đường.

- Người nóng, nổi nhọt: Hoa sen tươi 50g hoặc 30g loại khô, đường phèn 20g đem sắc uống thay trà thường xuyên, hoặc dùng hoa sen đã sắc đắp tại chỗ.

- Tuổi già hay uể oải trong người: Củ sen tươi 100g nấu chín, mỗi ngày ăn vào buổi sáng và chiều.

- Băng huyết, chảy máu cam, tiêu tiểu ra máu: Lá sen tươi 40g, rau má 12g. Sao vàng, thái nhỏ hai vị này, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Hoặc dùng 10 ngó sen, giã nát lấy nước, thêm ít đường đỏ, đun lên uống ngày hai lần sáng và tối. Trường hợp xuất huyết đường tiêu hoá có thể lấy nước ngó sen và nước ép củ cải, mỗi thứ 20ml, trộn đều uống ngày hai lần, liên tục trong nhiều ngày.

- Chữa nôn: Lấy 30g ngó sen sống, 3g gừng sống, giã nát cả hai thứ vắt lấy nước, chia làm hai lần uống trong ngày.

- Trị chảy máu cam: Ngó sen rửa sạch, giã vắt nước cốt uống, nhỏ vài giọt vào mũi.

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ