Khi nói đến các loại hoa, mọi người thường nghĩ đến màu sắc sặc sỡ và hương thơm. Thế nhưng có những loại chỉ cần nghe tên đã thấy “bốc mùi” nhưng nó lại có nhiều giá trị với sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, hoa cứt lợn xuất hiện ở rất nhiều nơi, người dân thậm chí còn nhổ bỏ vì cản trở sản xuất nông nghiệp và không mang lại giá trị thưởng thức, trang trí. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cây cứt lợn này lại là một vị thuốc có giá trị với sức khỏe, có thể chữa được bệnh.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3) cho biết cây cứt lợn hay còn gọi là cỏ hôi, cây bù xít. Đây là loại cây nhỏ, cao khoảng 30-50cm và mọc nhiều nơi. Về mùi vị, thân cây và hoa của cây cứt lợn có mùi hắc, nhưng khi nấu lại có mùi thơm.
Trong đông y, hoa cứt lợn có vị cay, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng. Nó thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...
Hoa cứt lợn có nhiều ở Việt Nam nhưng ít người biết tác dụng chữa bệnh của loại cây này. Ảnh minh họa.
“Các bộ phận của cây cứt lợn như thân, hoa, lá đều có thể dùng làm thuốc và tốt hơn khi dùng tươi. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy trong nước ép cây này có chất kháng khuẩn chống viêm, chống phù nề, ngoài ra có tinh dầu nên có tác dụng xông trong các trường hợp viêm mũi xoang”, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho hay.
Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn (chuyên khoa Hô hấp, BV Medlatec) cho biết nhiều nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng hoa của cây cứt lợn có chứa tinh dầu (tỷ lệ 0,7 - 2%) với màu vàng nhạt hoặc vàng nghệ, tính chất hơi sánh đặc và mùi hương khá dễ chịu.
Loại tinh dầu này có tác dụng chống dị ứng, chống phù nề, chống viêm, đồng thời ức chế sự hoạt động của các loại vi khuẩn như trực trùng, tụ cầu vàng hay trực khuẩn mủ xanh...
Do chứa nhiều tinh dầu, giống như chất kháng sinh tự nhiên nên hoa cứt lợn có tác dụng điều trị viêm xoang. Ảnh minh họa.
Về tác dụng với việc điều trị viêm xoang, bác sĩ Tuấn giải thích tinh dầu hoa cứt lợn có tác dụng làm giãn mạch ngoại biên ở hàm lượng thấp. Ngoài ra, hoa cứt lợn cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng hoặc viêm xoang mạn tính, tăng dẫn lưu dịch và loãng dịch đờm, giúp tống xuất dịch đờm ra khỏi hốc xoang, cải thiện tình trạng thở khò khè, khó thở, nhức đầu, sổ mũi, nghẹt mũi hay khó chịu về đường thở. Với trường hợp viêm mũi tiết mủ đặc, hoa cứt lợn còn có thể khắc phục được điều này mà không gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cũng khuyến cáo trước khi sử dụng nên tham khảo bác sĩ có chuyên môn, bởi nếu dùng không đúng cách, quá liều lượng cũng có thể gây ra tác dụng phụ.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa viêm xoang từ cây cứt lợn, được bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ tư vấn:
- Cỏ hôi (cứt lợn) 100g tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, đem nhỏ vào lỗ mũi, mỗi lần 2-3 giọt, ngày 2 lần. Chú ý, khi nhỏ nên kê gối dưới hai vai để lỗ mũi dốc ngược giúp cho thuốc ngấm vào xoang dễ dàng.
- Cỏ hôi 100g, lá long não 50g, lá chanh 10g, tất cả đều dùng tươi. Các vị thuốc rửa sạch, sắc với 300ml nước, còn 100ml nước, đổ nước ra bát xông lên mũi, ngày xông 3 lần. Mỗi lần xông nên hâm nóng lại nước sắc và dùng trong 7-10 ngày.
- Cỏ hôi 30g, kim ngân hoa 20g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g, sắc với 3 bát nước, còn 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày. Nên uống sau bữa ăn trưa và tối và dùng trong 10 ngày.