Ngải cứu là loại cây quen thuộc và đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Ngải cứu là một loại cây được con người sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Cây ngải cứu là loại cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le không cuống, màu 2 mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm. Mặt dưới trắng tro, có nhiều lông nhỏ. Cây ngải cứu có nguồn gốc từ Châu Âu, Châu Á và Bắc Phi.
Công dụng của cây ngải cứu vô cùng đa dạng, từ thuốc chống côn trùng đến hỗ trợ điều trị một loạt tình trạng sức khỏe như viêm khớp, bệnh tiêu hóa hay đau bụng kinh.
Tác dụng của cây ngải cứu
Cây ngải cứu có hàm lượng tinh dầu từ 0,20 - 0,34% với thành phần chủ yếu là monoterpen, dehydromatricaria ester, tetradecatrilin, tricosanol, aracholalcol và sesquiterpene...
Cây ngải cứu có nhiều tác dụng như an thần, lợi mật, có thể kháng khuẩn, cầm máu, giảm viêm khớp... Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rau ngải cứu có tác dụng trong điều trị kinh nguyệt không đều, đại tiểu tiện ra máu..
Ngải cứu có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa, có khả năng hỗ trợ điều trị một số vấn đề về tiêu hóa như: chán ăn, đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón, nôn mửa, ợ chua. Ăn ngải cứu cũng giúp làm giảm tình trạng say tày xe.
Bên cạnh đó, cây ngải cứu còn có công dụng làm thư giãn tử cung, từ đó giúp giảm đau bụng kinh và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Thậm chí, ăn ngải cứu còn có tác dụng làm giảm cả tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa liên quan đến thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, có một số bằng chứng khoa học cho thấy cây ngải cứu có thể có hiệu quả trong việc điều trị các tế bào ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Có nhiều cách sử dụng rau ngải cứu khác nhau, tùy vào mục đích của người sử dụng, ngải cứu có thể sao khô để sử dụng lâu dài hoặc ăn trực tiếp ngải cứu tươi.
Cách sử dụng ngải cứu
1. Ngải cứu làm thuốc điều kinh
Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12 g (tối đa 20 g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10 g) hay dạng cao đặc (1-4 g).
Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10 g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.
2. Ngải cứu giúp an thai
Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16 g lá ngải cứu, 16 g lá tía tô, sắc cùng với 600 ml nước, sắc còn 100 ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.
3. Sơ cứu vết thương bằng ngải cứu
Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức.
4. Ngải cứu trị mụn, mẩn ngứa
Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.
5. Ngải cứu chữa đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt
Lấy 300g ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong, vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần.
6. Ngải cứu giúp lưu thông máu lên não
Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm nếm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.
7. Ngải cứu trị suy nhược cơ thể, kém ăn
Lấy 250 g ngải cứu, 2 quả lê, 20 g câu kỷ tử, 10 g đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150 g, hầm trong 0,5 lít nước còn 250ml. Nêm nếm vừa ăn. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.
8. Ngải cứu trị cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh
Cách 1: Lấy 300 g ngải cứu, 100 g lá khuynh diệp, 100 g lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút.
Cách 2: Nấu lá ngải cứu với 100 g lá tía tô, 100 g tần dầy lá, 50 g lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.
Tác dụng phụ của cây ngải cứu
Ngải cứu đem lại rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, tuy nhiên việc ăn ngải cứu quá nhiều và quá thường xuyên cũng có thể gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể, thậm chí gây ngộ độc.
Một số triệu chứng dị ứng ngải cứu bao gồm: Hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, mắt bị kích thích, ngứa họng, ho, thở khò khè...
Ngoài ra, ngải cứu có chứa một chất gọi là thujone, có thể gây độc với lượng lớn. Số lượng thujone có trong ngải cứu tươi mà chúng ta ăn hàng ngày được coi là an toàn để sử dụng. Tuy nhiên, trong một số sản phẩm từ ngải cứu, ví dụ như tinh dầu ngải cứu thì lượng thujone khá cao, do đó nên cẩn trọng khi sử dụng.
Phụ nữ có thai và đang cho con bú không nên sử dụng quá nhiều ngải cứu vì có thể dẫn đến sảy thai, không tốt cho trẻ nhỏ.
Mọi người chỉ nên ăn rau ngải cứu từ 1-2 lần trong một tuần, nếu bị bệnh sử dụng ngải cứu khô để uống thì chỉ nên uống từ 3-5 g khô và uống từng đợt, khi khỏi bệnh thì ngưng uống, không nên sử dụng lâu dài.
Nguồn tham khảo: What to know about mugwort - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngay 21/12/2020. |