Bún bò Huế là món ăn truyền thống được nhiều người yêu thích, về phương diện dinh dưỡng đây là món ăn khá đa dạng thực phẩm và cung cấp năng lượng cho cơ thể khá nhiều.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Những ngày gần đây rất nhiều người dân Việt Nam, nhất là những ai yêu thích món bún bò Huế cảm thấy vô cùng tự hào, khi món ăn này được đưa vào thực đơn của 35 trường tiểu học và trung học cơ sở ở thành phố Saijo (Nhật Bản). Đây là dịp món ăn truyền thống của Việt Nam được quảng bá ra thế giới để nhiều người biết đến.
Các em học sinh thưởng thức bún bò Huế tại thành phố Saijo, tỉnh Ehime, Nhật Bản, ngày 26/4. Ảnh: Ehime Shimbun.
Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, ước tính có khoảng 500 học sinh tiểu trường tiểu học Saijo, thuộc thành phố Saijo đã được thưởng thức món bún bò Huế. Đáng mừng là hầu hết các học sinh được hỏi sau khi thưởng thức món ăn này đều bày tỏ sự thích thú và hài lòng.
Còn tại Việt Nam, bún bò Huế quá đỗi quen thuộc không chỉ với người dân Huế mà món ăn này còn xuất hiện ở khắp các vùng miền. Dù được nhiều người sử dụng, tuy nhiên trong một bát bún bò Huế có giá trị dinh dưỡng như thế nào và cần lưu ý điều gì khi ăn thì không phải ai cũng biết.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, bún bò Huế là món ăn quen thuộc tại Việt Nam và được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, quá trình chế biến mỗi nơi có một bí quyết hay cách riêng nhưng không thể thiếu được những thành phần đặc trưng như bún, tiết lợn luộc, thịt bò, móng giò…
Về giá trị dinh dưỡng cũng như năng lượng một bát bún bò Huế mang lại, bác sĩ Hưng cho rằng rất khó để đưa ra một con số chung cho tất cả, điều này còn phụ thuộc vào bát bún to hay nhỏ, người ăn gọi đủ đồ hay thêm bớt thực phẩm gì…
Bùn bò Huế là món ăn được nhiều người yêu thích tại Việt Nam. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hưng, một bát bún bò giò heo Huế (cỡ vừa) theo định lượng của Viện Dinh dưỡng sẽ có 524 kcal, trong đó bao gồm các thành phần: Bún 250g; Chả cá viên 30g; Thịt chân giò bỏ xương 50g; Tiết lợn luộc 60g; Thịt bò 15g; Hành lá 20g; Dầu thực vật 5g, muối 1,17g.
Với một bát bún như trên, sẽ có giá trị dinh dưỡng bao gồm: Năng lượng 524kcal; Protein 28,3g; Lipid 16,7g; Glucid 65,1g; Chất xơ 1,4g; Vitamin A 123 mg; Beta-caroten 1370mg; Vitamin C 61,7mg; Canxin 81,1mg; Sắt 17,9mg; Natri 686,9mg; Kali 234mg; Kẽm 1,6mg; Cholesterol 45,4mg.
Qua thành phần và giá trị dinh dưỡng như trên có thể thấy, một bát bún bò Huế cung cấp năng lượng tương đương một bữa ăn chính trong ngày. Theo đó, một người trưởng thành trung bình cần 1.600kcal/ngày và bổ sung chia đều vào các thời điểm trong ngày nhưng chủ yếu năng lượng được nạp vào 3 bữa chính là sáng, trưa, tối. Như vậy, dù ăn bún bò Huế vào thời điểm nào thì năng lượng nạp vào đã tương tương một bữa ăn chính.
Một vấn đề nữa đó là, nếu chỉ nhìn qua về thành phần, có thể thấy một bát bún bò Huế khá đa dạng về thành phần với rất nhiều thực phẩm kết hợp nhau từ nhóm tinh bột, protein, chất béo, rau…Tuy nhiên, có một điều mọi người cần lưu ý là hàm lượng chất xơ có trong một bát bún quá khiêm tốn, với chỉ 1,4g. Trong khi hàm lượng Protein 28,3g; Lipid 16,7g; Glucid 65,1g.
Theo bác sĩ Hưng, dù bún bò Huế có đa dạng về thực phẩm nhưng chưa cân đối, nhất là khẩu phần rau không đủ.
Ngoài ra, lượng muối có trong một bát bún bò là khá lớn so với nhu cầu của 1 người/ngày. Cụ thể, một người trưởng thành được khuyến cáo chỉ sử dụng dưới 5g muối/ngày, nhưng ăn 1 bát bún bò Huế đã có 1,17g, trong muối còn được bổ sung từ nhiều nguồn khác trong ngày.
Từ những phân tích trên, bác sĩ Hưng khuyến cáo khi ăn bún bò Huế thì mọi người cần chú ý một số vấn đề sau:
- Cần bổ sung thêm rau vào khẩu phần ăn, có thể ăn thêm rau sống, rau chần ăn kèm. Bởi theo khuyến cáo, mỗi bữa nên ăn 1 khẩu phần rau, trong đó một khẩu phần rau tương đương với bằng miệng một bát ăn cơm.
- Nên hạn chế cho thêm các gia vị có chứa muối, không nên ăn hết nước, vì như vậy chúng ta đã nạp tối đa lượng muối có trong một bát bún vào cơ thể.
- Do đặc trưng của món bún bò Huế là có vị cay, do vậy khi ăn mọi người nên ăn cay theo khẩu vị, người có tiền sử viêm loét dạ dày và trẻ nhỏ cần lưu ý không nên ăn quá cay.
- Không nên ăn quá thường xuyên, mỗi tuần chỉ nên ăn từ 1 đến 2 lần.
Tin liên quan
Rau cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, đặc biệt có những loại rau vô cùng giàu protein, tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với những...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Khi thời tiết lạnh, ngoài giữ ấm cơ thể, việc ăn uống khoa học và hợp lý cũng giúp bảo vệ sức khỏe rất tốt, nhất là với các bệnh liên quan đến đường hô hấp.