Theo quan niệm của người Việt, ăn những món dưới đây sẽ giúp cả năm may mắn. Hơn nữa, còn có thể cải thiện sức khỏe.
Tết đến xuân về, ai cũng mong cầu một năm mới may mắn, hạnh phúc, khỏe mạnh. Những ước mong đó cũng được thể hiện qua những món ăn vừa giúp lấy may lại tốt cho sức khỏe.
Xôi gấc mang màu sắc đỏ thể hiện sự may mắn, hạnh phúc nên thường được dùng trong lễ cưới hỏi, mừng thọ, cúng giao thừa... Theo quan niệm của người Việt, những ngày Tết ăn xôi gấc có màu đỏ thể hiện sự mong cầu những điều tốt lành, may mắn sẽ tới trong năm mới.
Không chỉ là món ăn lấy may, xôi gấc còn là món ăn có lợi cho sức khỏe nhờ nguyên liệu quả gấc được dùng để nấu xôi. Y học hiện đại đã phát hiện ra những công dụng tuyệt vời của quả gấc. Năm 1941, một vài nhà nghiên cứu người Việt và Pháp nhận thấy màng gấc có lượng caroten (tiền vitamin A) cao hơn cà rốt và cà chua mấy chục lần.
Vitamin A có tác dụng phòng chống các bệnh về mắt, ngừa ung thư gan. Các chất dinh dưỡng khác trong gấc như vitamin E, lycopen... có thể phòng và điều trị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư vú. Ngoài ra, gấc còn giúp giảm cholesterol, tốt cho sức khỏe tình dục, nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường thị lực và làm đẹp da.
Món cá chép khá đặc trưng ở một số nơi tại miền Bắc vào dịp lễ Tết, mang ý nghĩa mong cầu sự may mắn. Người ta cho rằng cá chép là loài vượt vũ môn hóa rồng nên ăn cá chép trong 3 ngày đầu năm mới sẽ giúp mọi việc đều hanh thông, suôn sẻ, thành công. Tuy nhiên, khi ăn luôn tránh phần đuôi nhằm ý muốn dư thừa của cải trong năm mới.
Theo Đông y, cá chép có tác dụng lợi tiểu tiện, chữa được bệnh khi kết lạnh; bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy, là "thuốc tiên" chữa bệnh phụ nữ.
Còn theo y học hiện đại, cá chép chứa nhiều axit béo omega-3 giúp bảo vệ tim mạch, chống viêm, giảm huyết áp và nguy cơ đột quỵ. Hơn nữa, cá chép giàu kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch, chứa nhiều phốt pho giúp tăng cường xương và răng.
Hàm lượng magie vừa phải trong cá chép có thể hữu ích với những người khó ngủ. Còn vitamin B trong cá chép có thể giúp tối ưu hóa sự trao đổi chất và cân bằng nội tiết tố.
Trong ngày Tết, thịt gà luộc là món ăn truyền thống không thể thiếu. Màu vàng ươm của thịt gà thể hiện cho khởi đầu suôn sẻ, tài lộc đong đầy trong năm mới. Hơn nữa, người xưa quan niệm rằng đêm 30 là đêm tối nhất trong năm, thắp hương cúng giao thừa bằng gà luộc là để đánh thức mặt trời dậy, mong cho một năm mới được sáng sủa, tốt đẹp.
Ăn thịt gà vào dịp Tết cũng là một lựa chọn thay thế tuyệt vời cho các loại thịt đỏ. Thịt gà có hàm lượng protein khoảng 20%, cao hơn so với thịt lợn và thịt bò.
Với một nguồn protein tuyệt vời, thịt gà giúp cho xương và cơ bắp khỏe mạnh hơn. Hơn nữa vì thịt gà giàu protein nên sẽ tạo cảm giác no lâu, ăn ít hơn, giúp quản lý cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Thịt gà còn chứa axit amin tryptophan giúp tăng serotonin (hormone hạnh phúc) trong não của chúng ta.
Những ngày đầu năm mới, ăn quá nhiều thịt cá sẽ khiến bạn chán ngấy, một bát canh thanh đạm, mát ruột như canh mướp đắng nhồi thịt là lựa chọn tuyệt vời. Món canh này còn có thể mang lại cho bạn may mắn vì trong cách chơi chữ của người Việt thì khổ qua (tên gọi khác của mướp đắng) có nghĩa là mọi nỗi khổ, vất vả rồi sẽ qua đi để đón một năm mới hạnh phúc, an lành.
Nghiên cứu y học hiện đại đã chỉ ra rằng, mướp đắng có chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt là lượng vitamin C dồi dào (đứng đầu trong các loại rau, dưa, bí, gấp 5-20 lần dưa chuột), nên nó có nhiều công dụng cho sức khỏe.
Một số công dụng tiêu biểu của mướp đắng như giúp chữa tiểu đường, thấp khớp, chữa cảm cúm, giảm cholesterol xấu, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe hệ tim mạch, giúp làm sáng mắt, ăn uống ngon miệng hơn.
Đặc biệt mướp đắng còn được chứng minh là có thể giúp chống lại các tế bào ung thư, khiến chúng không thể phát triển. Loại rau củ này thường được sử dụng để điều trị ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan và ung thư vú.
Với các chị em, mướp đắng còn có công dụng giảm cân và làm đẹp da, trị mụn do giàu vitamin C, vitamin A và chất chống oxy hóa.
Tên gọi của đu đủ đã nói lên ý nghĩa của nó là tượng trưng cho sự thịnh vượng, đủ đầy. Chính vì vậy đây là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết để mong cầu một năm mới đủ đầy, no ấm.
Đu đủ còn là loại quả rất bổ dưỡng, chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin A, vitamin C và vitamin E. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, vitamin A và vitamin C giúp tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong đu đủ có thể làm giảm mức cholesterol.
Trong quả đu đủ còn có chứa hai loại enzym là papain và chymopapain. Cả hai enzym đều có thể giúp tiêu hóa và giảm viêm. Đặc biệt, lycopene - một sắc tố tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm có màu đỏ hoặc cam như cà chua, dưa hấu và đu đủ - có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Dưa hấu với phần ruột đỏ bên trong là màu sắc mang ý nghĩa may mắn. Ngày đầu xuân, bổ đôi quả dưa ra mà thấy ruột đặc, màu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo hiệu một năm tuyệt vời. Bởi thế, mua dưa hấu bày Tết phải rất thận trọng... vì nhiều người coi như đó là quẻ bói đầu năm.
Những ngày tết, việc ăn uống thường không được chú trọng nên có thể mọi người sẽ uống ít nước lọc hơn nhưng lại uống nhiều rượu bia, nước ngọt. Lúc này, ăn vài miếng dưa hấu sẽ giúp giữ nước trong cơ thể. Bên cạnh đó, dưa hấu lại chứa rất ít calo. Việc hấp thụ thực phẩm chứa nhiều nước và chất xơ nhưng lại ít calo sẽ rất tốt cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra lycopene và các hợp chất thực vật khác trong dưa hấu có tác dụng trong việc phòng chống một số loại ung thư khác nhau, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến hệ tiêu hóa.
Một số công dụng khác của dưa hấu như cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm, ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng, giúp giảm đau cơ,t ốt cho da và tóc và cải thiện hệ tiêu hóa.