Việc uống đủ nước hàng ngày rất quan trọng để nuôi dưỡng và giúp cơ thể hoạt động. Tuy nhiên có những loại nước ai cũng nghĩ là tốt lại có nguy cơ gây hại cho cơ thể.
Không chỉ với trẻ nhỏ, nhiều người trưởng thành cũng có thói quen sử dụng nước canh rau, canh hầm trong các bữa ăn và dùng thật nhiều để thay cho việc uống nước, nhất là trong mùa đông. Họ cho rằng việc này mang lại 3 tác dụng: Có đủ lượng nước trong ngày, uống được nước ấm và nạp nhiều dinh dưỡng.
Điển hình như trường hợp của chị Ngọc Hoa (ở Hà Nội), có con gái học lớp 6 nhưng rất lười ăn rau, lười uống nước lọc. Thời điểm mùa hè, con chị Hoa uống sữa thay nước, nhưng mùa lạnh lại không thích uống sữa, nên các bữa ăn hàng ngày chị nấu luân phiên các món canh hầm cho con sử dụng, kết hợp với đó là dùng nước luộc rau hoặc canh rau.
Nước canh hầm không thể thay nước lọc, hơn nữa chất dinh dưỡng trong nước cũng không cân đối và không có nhiều. Ảnh minh họa.
Chị chia sẻ với chiều cao cân nặng như con chị, mỗi ngày cần uống khoảng 1,5 lít nước. Trong mỗi bữa ăn, chị cho con uống 2 bát nước canh (trước ăn 1 bát, sau ăn một bát) gần như đã đủ nhu cầu nước của cả ngày. Ngoài ra, chị Hoa còn cho rằng uống nước canh ấm mùa đông rất tốt, vừa dễ uống lại có thêm nhiều chất vào cơ thể.
Thực tế, không chỉ có gia đình chị Hoa áp dụng phương pháp này, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết tại phòng khám dinh dưỡng của viện, rất nhiều mẹ thừa nhận cho con uống nước như vậy nhưng kết quả con vẫn bị táo bón, suy dinh dưỡng, thiếu chất…
“Đây là một quan điểm sai lầm khi uống nước. Dù nước canh cũng là nước, nhưng vai trò của chúng không như nước lọc. Tóm lại không nước gì có thể thay thế được nước lọc để uống hàng ngày”, bác sĩ Sơn chia sẻ.
Theo bác sĩ Sơm, nước có vai trò quan trọng với cơ thể, chiếm tới 70-80% trọng lượng cơ thể và tham gia vào nhiều quá trình từ hấp thu, chuyển hóa, đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Trong khi việc uống nước canh rau hay canh hầm, thậm chí là sữa đều không có chức năng trên, thậm chí các loại nước này nếu lạm dụng còn gây thêm gánh nặng cho việc chuyển hóa và đào thải chất độc trong cơ thể ra ngoài.
Không chỉ nước canh hầm, các loại nước ép rau củ quả tưởng rằng tốt nhưng cũng không thể thay thế nước lọc. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Sơn lấy ví dụ trường hợp bé trai trên 12 tuổi, nếu ăn canh thay uống nước sẽ khiến cho nồng độ axit uric trong máu tăng cao, nhưng dinh dưỡng cơ thể nhận được không đáng là bao. Kể cả nước canh hầm thì 95% dinh dưỡng vẫn ở trong thịt, lượng dinh dưỡng trong nước canh rất ít.
Việc cho trẻ dùng nước canh hầm xương nhiều không làm tăng dinh dưỡng, mà sẽ bổ sung nhiều purin và chất béo, dẫn tới nguy cơ mắc bệnh gout, béo phì, ảnh hưởng đến sự trưởng thành của tuổi xương, có thể dẫn tới dậy thì sớm.
Do vậy, bác sĩ Sơn khuyến cáo không dùng bất kể loại nước nào, kể cả nước ép hoa quả, nước rau luộc để thay thế nước lọc. Chỉ nên dùng nước sạch đun sôi để nguội, lượng nước uống hàng ngày sẽ tùy vào chiều cao, cân nặng và hoạt động của từng cá thể.
Nước lọc là lành mạnh nhất với với tất cả mọi người từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Ảnh minh họa.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cơ thể hàng ngày nhận nước từ nhiều nguồn khác nhau như nước canh, nước từ thực phẩm, nước ngọt… nhưng những loại nước này không thể thay thế nước lọc. Theo đó, nước lọc là loại nước tốt nhất, phù hợp với mọi lứa tuổi (trừ trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước lọc), ai cũng có thể uống được và không gây tác dụng phụ.
Với một số người không thích hoặc lười uống nước lọc là do không bị mất nước nhiều, đã được bổ sung nước từ nguồn khác. Tuy nhiên, PGS Huy Nga cho rằng để cơ thể hoạt động trơn tru nhất thì phải bổ sung đủ nước, dù không khát hay không có nhu cầu cũng phải uống, nhất là vào mùa đông. Do vậy, mọi người hãy uống đủ nước lọc mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe bản thân.