Cho rằng rau muống tự trồng nên đảm bảo sạch sẽ, người phụ nữ ăn liên tục trong vài bữa, sau đó phải đi viện vì ngộ độc.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Đi viện vì ngộ độc khi liên tục ăn rau muống tự trồng
Sau 3 ngày điều trị vì bị ngộ độc thực phẩm, bà Hồng Mai (64 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) mới hoàn hồn. Bà không nghĩ rằng, nguyên nhân gây ngộ độc lại là do ăn rau muống tự tay mình trồng.
Bà Mai hiện ở cùng con gái. Gần nơi sống có bãi đất trống nên bà mượn để trồng các loại rau theo mùa. Mùa hè, bà thích ăn rau muống nên trồng nhiều hơn, rau phát triển rất tốt. Bãi đất bà Mai trồng rau khá trũng, dễ bị ngập úng khi mưa, nhưng đó lại là điều kiện thuận lợi để rau muống phát triển.
Sau mỗi trận ngập, luống rau của bà Mai lại non mơn mởn vì được no nước. Tranh thủ lúc rau non, bà Mai ăn rau muống vài ngày liên tục mà không thấy chán. “Các con đi làm cả ngày, chỉ ăn bữa tối ở nhà nên trồng rau chủ yếu là tôi ăn. Tôi nghĩ rau mình tự trồng, không phun thuốc hay bón phân gì thì sạch 100% nên ăn thoải mái, không ngờ vẫn bị ngộ độc”, bà Mai chia sẻ.
Rau muống nấu tái khi ăn sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn, ký sinh trùng chưa bị tiêu diệt. Ảnh minh họa.
Đỉnh điểm nhất là ngày 5/7, bà Mai bị đau bụng, đi ngoài lỏng và nôn rất nhiều, đến mức phải vào viện điều trị. Bà kể rằng, tối hôm trước cả gia đình ăn rau muống xào, để giòn và ngon hơn bà chỉ xào tái và ăn ngay khi còn nóng. Sau bữa ăn đó, bà Mai bị ngộ độc nặng nhất khi "miệng nôn, trôn tháo", những thành viên khác cũng đau bụng đi ngoài, nhưng nhẹ hơn chưa đến mức phải đi viện.
Theo lời chia sẻ của gia đình, bữa tối hôm 5/7, ngoài rau muống, cả nhà bà Mai còn ăn các món trứng rán, thịt luộc và lạc rang. Tại bệnh viện, qua xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, nguyên nhân ngộ độc của bà Mai là do nhiễm khuẩn đường ruột. Món ăn được nghi ngờ gây ngộ độc chính là rau muống.
Đừng nghĩ rau tự trồng là an toàn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, với cách trồng và ăn rau muống như trên, nguy cơ ngộ độc, tiêu chảy là rất lớn. Ông Thịnh cho rằng, không phải cứ rau tự trồng, không phun thuốc trừ sâu, chất kích thích là sẽ an toàn. Mà nó còn phụ thuộc vào nguồn đất, nguồn nước, thậm chí chất lượng không khí cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng rau.
“Nơi trồng rau của gia đình trên hay bị ngập úng, là nơi nước tù đọng nên có nhiều vi khuẩn gây hại phát triển. Khi bị ngập dù rau phát triển tốt, nhưng cũng sẽ hấp thu nhiều chất độc hại từ đất và nước. Ngoài ra, do rau muống có thân đốt nên vi khuẩn, ký sinh trùng dễ xâm nhập vào trong các đốt rau, kẽ lá, nếu chỉ rửa thông thường không thể sạch được.
Hơn nữa, quá trình thực hiện, người nấu chỉ xào tái, với mục đích rau không bị nát và ăn giòn hơn. Đây cũng là thói quen nhiều gia đình gặp phải, nhưng cách làm này khiến nhiệt không đủ để tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn và đó là lý do gây ngộ độc, tiêu chảy”, PGS Thịnh phân tích.
Rau trồng nơi ngập úng, nước ô nhiễm nguy cơ ngộ độc rất cao. Ảnh minh họa.
Ông Thịnh khuyến cáo, không chỉ rau muống mà tất cả các loại rau khác, chỉ an toàn khi được trồng ở nơi có nguồn đất, nguồn nước không bị ô nhiễm hoặc trồng thủy canh, quá trình chăm sóc không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích hoặc sử dụng phải thực hiện đúng theo hướng dẫn, đặc biệt đảm bảo đủ số ngày từ khi phun đến khi thu hoạch.
Theo chuyên gia, khi chế biến, việc rửa rau chỉ giúp loại bỏ tạp chất là chính, rất khó để loại bỏ hết vi khuẩn, ký sinh trùng. Do vậy, đảm bảo ăn chín, uống sôi là rất quan trọng. Tuyệt đối không ăn tái sống, nhất là những loại rau mua ngoài chợ, rau trồng ở nơi có nguồn đất, nước bị ô nhiễm. “Đa số các vi khuẩn, ký sinh trùng thông thường sẽ bị tiêu diệt khi ở nhiệt độ 100 độ C. Vì thế, việc nấu chín thực phẩm sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc hoặc nhiễm ký sinh trùng”, ông Thịnh khuyên.
Tin liên quan
Trong bữa cơm, đa số mọi người đều ăn theo thói quen, sở thích miễn sao ngon miệng và no bụng là được. Tuy nhiên, dưới góc độ dinh dưỡng,...
Rửa chén bát tưởng chừng là công việc đơn giản, ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách có thể sẽ gây nhiều ảnh...
Theo các bác sĩ, một người trưởng thành nên bổ sung ít nhất 20-35g chất xơ mỗi ngày thông qua việc ăn rau củ quả, các loại hạt bằng cách ăn...
Bổ sung một số loại rau giàu chất xơ có thể giúp cải thiện tình trạng mỡ máu, từ đó giúp phòng ngừa bệnh tim mạch.
Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm
Cà tím có thể gây dị ứng. Dị ứng cà tím rất hiếm nhưng vẫn xảy ra với các dấu hiệu phát ban, sưng tấy và khó thở... Nếu không được cấp cứu kịp thời có nguy cơ đe dọa tính mạng.