Nhiều người trẻ sợ giao tiếp, ngại yêu đương: Hóa ra không phải lười mà vì mắc vấn đề tâm lý này

DIỆU THUẦN - Ngày 28/03/2024 14:28 PM (GMT+7)

Bây giờ, có ý định quen ai, hẹn gặp ai anh Tuấn cũng sợ bị từ chối và bị đối phương chê không xứng.

Sợ từ chối tình cảm khi tỏ tình

Anh Hoàng Minh Tuấn (37 tuổi), hiện kinh doanh tự do ở Đồng Nai. Mới đây, anh đã chia sẻ tình trạng rối loạn lo âu mình mắc phải đã hơn 10 năm lên mạng xã hội và được nhiều người đồng cảm, chia sẻ.

10 năm trước, anh Tuấn 27 tuổi, đi làm ở TP.HCM được 4 năm cho nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên, đi làm chỗ nào anh cũng thấy mình không hòa đồng, không có cơ hội thăng tiến nên trở nên chán nản. “Làm ở đâu, công ty nào tôi cũng tự tách biệt với mọi người, luôn cảm thấy cô đơn, không ai có thể gần gũi”, anh Tuấn chia sẻ.

Sau những lần bị từ chối tình cảm, anh Tuấn cảm thấy tự ti, sợ bị chê bai, từ chối. Ảnh minh họa.

Sau những lần bị từ chối tình cảm, anh Tuấn cảm thấy tự ti, sợ bị chê bai, từ chối. Ảnh minh họa.

Sau khi tích lũy được một số vốn, anh quyết định về quê kinh doanh tự do vì nghĩ môi trường ở quê và tự làm chủ  sẽ giúp bản thân thay đổi. Dù công việc kinh doanh hiện tại thuận lợi, nhưng ngoài những lúc làm việc, khi rảnh anh Tuấn cũng chỉ kết thân với điện thoại, hoặc lên mạng xã hội “chém gió”. “Tôi không chơi với ai, không có bất cứ mối quan hệ nào ngoài liên quan đến công việc”, anh Tuấn nói.

Đến năm 30 tuổi, anh Tuấn được người quen giới thiệu cho một người bạn gái kém 4 tuổi ở gần nhà. “Lần gặp đầu tiên, chúng tôi nói chuyện rất ít, chủ yếu ngồi bấm điện thoại. Sau đó, tôi hẹn gặp lần nữa thì cô ấy nói tôi kém cỏi, không ga lăng, không mạnh mẽ nên chặn mọi thông tin liên lạc”, anh Tuấn kể.

3 năm sau, thông qua mạng xã hội, anh quen được 2 người khác, kém mình 5 và 10 tuổi. Dù nói chuyện với nhau trên mạng xã hội rất vui vẻ, nhưng khi gặp nhau ngoài đời lần đầu, anh Tuấn đều bị “cho ra rìa” sau lần gặp đầu tiên. Cũng vì vậy, anh Tuấn thấy tự ti, càng sống khép kín hơn và luôn sợ phải tỏ tình, kết thân với người khác giới. Một phần, anh sợ bị từ chối, sợ mình bị chê kém cỏi nên dần ngại kết bạn và khó duy trì mối quan hệ.

Đến khi bạn bè cùng trang lứa ai cũng vui vẻ bên chồng/vợ, có con, anh thấy cô đơn, trống trải, lo sợ đến lúc mình già sẽ ra sao. Nhưng khi có người giới thiệu cho bạn gái, anh lại né tránh, cố gắng khiến mình trở nên mờ nhạt và sợ lại bị từ chối như những lần trước. Những lúc như vậy, anh thấy mệt mỏi, tim đập nhanh, sợ hãi, cảm thấy không chắc chắn hoặc không an toàn, bị đau bụng, khó ngủ và không thể giữ được bình tĩnh.

Trao đổi với chúng tôi trưa 25/3, anh Tuấn cho biết đã đi khám ở khoa Tâm lý một bệnh viện tại TP.HCM và được chẩn đoán rối loạn lo âu dạng ám ảnh sợ xã hội. Dù anh được dùng thuốc, đã cố gắng suy nghĩ tích cực, tiếp xúc với nhiều người hơn nhưng vẫn chưa thoát được nỗi lo đã ám ảnh mình trong những năm qua.

Một người đàn ông trẻ đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám rối loạn lo âu. Ảnh: BVCC.

Một người đàn ông trẻ đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khám rối loạn lo âu. Ảnh: BVCC.

Muốn khỏi lo âu, phải thẳng thắn đối diện với sự thật

Theo Ths.BS Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng đơn vị Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, rối loạn lo âu là một tình trạng sức khỏe tinh thần khiến người bệnh luôn lo lắng về một điều gì đó. Nỗi lo này có thể hiện diện trong đời thực, hoặc không có thực nhưng khiến người mắc lúc nào cũng dán nỗi lo của mình vào điều đó, đôi lúc phản ứng không thích hợp làm cho sức khỏe dần xấu đi.

Hiện có 4 dạng về rối loạn lo âu, gồm: rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lo âu xã hội.

Nguyên nhân khiến một người mắc rối loạn lo âu trước đây thường do yếu tố sinh học, tức là người đó có bất ổn về hormone và các dây thần kinh. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, ngoài yếu tố sinh học thì có rất nhiều người mắc do gặp căng thẳng, stress trong công việc, cuộc sống và tình yêu.

“Chính những căng thẳng trong cuộc sống đã làm cho chúng ta có những bất ổn về mặt cảm xúc, hành vi, tâm lý và thể chất, từ đó làm cho các yếu tố sinh học bên trong thay đổi. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến hiện nay, nhiều người trẻ đang mắc”, bác sĩ Mẫn chia sẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nước ta có khoảng 15 triệu người mắc 1 trong 10 rối loạn tâm thần thường gặp, trong đó trầm cảm, rối loạn lo âu chiếm tới 5,4% số người mắc, trong đó rất nhiều người tuổi còn trẻ.

Theo bác sĩ Mẫn, bình thường ai cũng có lúc cảm thấy lo lắng một vấn đề nào đó trong cuộc sống, nhưng nỗi lo này chỉ là thoáng qua và nó sẽ chấm dứt trong thời gian ngắn. Nhưng với người mắc rối loạn lo âu thì sẽ liên tục lo lắng, ám ảnh về mối quan tâm nhỏ hay lớn, bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung tâm trí, khó chịu, cảm thấy bối rối hoặc dễ dàng bị giật mình, khó ngủ, khó thở hoặc nhịp tim nhanh…

Theo các bác sĩ, tập yoga là một cách giúp bạn giảm bị rối loạn lo âu. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, tập yoga là một cách giúp bạn giảm bị rối loạn lo âu. Ảnh minh họa.

Đối với trường hợp mắc rối loạn lo âu dạng ám ảnh xã hội giống như anh Tuấn sẽ bị ám ảnh sợ xã hội, sợ bị quan sát bởi những người xung quanh. Họ cảm thấy tự ti, sợ bị phê bình, sợ bị hạ thấp. Họ có xu hướng né tránh các tình huống phải gặp gỡ, giao tiếp. Tự bản thân họ cũng cảm thấy những nỗi sợ là vô lý nhưng không thể kiểm soát và vượt qua được.

Để khắc phục rối loạn lo âu ngoài uống thuốc, phương pháp trị liệu tâm lý, thì người mắc cần dần đối diện với sự thật, tạo cho mình lối sống lành mạnh, giao tiếp với người xung quanh nhiều  hơn. “Bạn tuyệt đối không nên tránh né sự thật, các sự việc mình đã đối mặt và trải qua. Việc chúng ta đối diện sự thật và biết cách thích ứng với nó một cách dần dần sẽ là cách giải quyết vấn đề tốt nhất”, bác sĩ Mẫn chia sẻ.

Ngoài ra, để giúp bản thân không bị mắc rối loạn lo âu thì cần:

- Có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

- Uống men vi sinh và ăn thực phẩm lên men giúp cải thiện sức khỏe tâm thần.

- Hạn chế cà phê vì loại đồ uống này có thể làm tăng sự lo âu.

- Kiêng rượu vì rượu và rối loạn lo âu có liên quan đến nhau.

- Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tâm thần.

- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng sức đề kháng và nâng cao tinh thần. Đặc biệt yoga và thiền rất tốt cho người dễ bị lo lắng.

- Cần có các mối quan hệ lành mạnh, giao tiếp nhiều hơn với người xung quanh để tinh thần thoải mái, giảm được sự lo âu. 

Nhiều người trẻ sợ giao tiếp, ngại yêu đương: Hóa ra không phải lười mà vì mắc vấn đề tâm lý này - 4

* Tên nhân vật đã thay đổi.

Nữ giám đốc bấn loạn tâm lý, phải đi gặp bác sĩ vì trả lương chưa xong đã phải lo thưởng Tết cho nhân viên
Dịp cuối năm với bộn bề công việc và lo toan, nếu không cân bằng được cảm xúc và hóa giải stress, nguy cơ gặp các vấn đề về tâm lý, thậm bị mắc bệnh...

Mental Health

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe tinh thần