Rau cải có nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe thế nhưng nếu lạm dụng, ăn quá nhiều, nhất là một số người có bệnh mãn tính sẽ gây tác dụng ngược.
Rau cải phòng cúm, đẹp da, giữ ấm
Rau cải bẹ xanh hiện đang vào mùa nên có giá thành rất rẻ. Đây cũng là loại rau mềm, dễ chế biến thành nhiều món nên được các gia đình ưa chuộng. Theo các chuyên gia, nếu sử dụng hợp lý, cải xanh còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh, tốt cho sức khỏe. Ngược lại, nếu lạm dụng nó có thể gây hại mà cơ thể khó nhận biết ngay tức thì.
Thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Văn Giang, Hưng Yên) cho biết, trong đông y cải bẹ xanh hay còn gọi là cải canh có vị cay, tính ôn, đi vào kinh phế. Loại rau này có tác dụng làm ấm, tiêu đờm do lạnh, lợi khí, tán kết, chỉ thống… vì thế được sử dụng nhiều vào mùa đông.
Rau cải có nhiều tác dụng với cơ thể nhất là việc cung cấp các vitamin.
Ngoài sử dụng lá để làm thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, cải bẹ xanh khi già nhiều người còn tận dụng cả hạt cải để ép lấy dầu làm mù tạc - một loại gia vị có vị cay rất quen thuộc.
Lương y Quốc Trung thông tin thêm, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong rau cải bẹ xanh còn có chất rất tốt để chống lão hóa da, thích hợp cho chị em khi làm đẹp. Loại rau này cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, trị các chứng viêm họng, chứng phong hàn vào mùa lạnh cực hiệu quả.
Không nấu rau cải với thịt gà, người bị tiêu hóa, dạ dày cần chú ý
Trước thông tin cho rằng, một số người bị vấn đề về dạ dày, tiêu hóa, tuyến giáp tuyệt đối không nên ăn rau cải dù chỉ một miếng. Lương y Vũ Quốc Trung cho rằng: “Nếu nói tuyệt đối không nên ăn dù chỉ một miếng là hơi quá”.
Vị lương y này cho biết, chỉ nên khuyên là không nên ăn hoặc không ăn nhiều, thường xuyên. Vì những người bị đau dạ dày, tuyến giáp ăn rau cải không hề nguy hiểm đến tính mạng, mà chỉ có thể làm bệnh tiến triển nặng thêm.
Rau cải có thể nấu cùng cá, cùng thịt băm rất ngon.
“Khi bị đau dạ dày hay có vấn đề về tiêu hóa nên ăn ít và không nên ăn rau cải sống, ăn dưa cải muối vì sẽ sinh khí, khiến đầy bụng, kích thích viêm loét. Còn nấu chín vẫn có thể sử dụng được nhưng không lạm dụng”, lương y Trung chia sẻ.
Ông Trung cũng cho biết, cải bẹ xanh ngoài chế biến theo cách luộc hay muối dưa, nhiều người hay kết hợp nấu cùng với thịt băm, nấu cùng cá nhất là cá rô đồng, ninh xương… Những cách này đều rất tốt và ngon, có tác dụng tăng cường miễn dịch, phòng cảm cúm... "Tuy nhiên, không nên nấu rau cải cùng với thịt gà, vì thịt gà tính cam ôn, trong khi rau cải tính cam hàn, ăn cùng nhau sẽ sinh ra kiết lỵ”, lương y Quốc Trung chia sẻ.
Không mở nắp và đừng thái nhỏ rau cải khi nấu
Một số thông tin cũng cho rằng, rau cải xanh thường hay có tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, vì thế không nên ăn nhiều. Về vấn đề này, TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng việt Nam cho biết, không chỉ rau cải mà tất cả các loại rau đều có nguy cơ tồn dư hóa chất như nhau.
“Hiện đang đúng mùa vụ rau cải, nếu chọn rau đúng mùa thì nguy cơ tồn dư hóa chất sẽ ít hơn so với chọn rau trái vụ. Vì thế, tôi khuyên các gia đình nên chọn và ăn rau theo đúng mùa vụ”, tiến sĩ Từ Ngữ khuyên.
Không nên thái nhỏ rau cải trước khi rửa hoặc nấu vì mất chất dinh dưỡng.
Vị chuyên gia dinh dưỡng này cũng chỉ ra rằng, qua quan sát ông thấy nhiều gia đình đang sai lầm trong cách chế biến rau cải. Theo đó, đa số mọi người đều cắt nhỏ ra ra để nấu canh, với mục đích ăn mềm hơn.
“Việc làm này sẽ làm mất đi rất nhiều vitamin có trong rau. Đó là chưa kể khi chế biến nhiều người có thói quen mở vung nồi cũng làm cho lượng vitamin có trong rau bị hao hụt đi nhiều”, tiến sĩ Từ Ngữ cho hay.
Tốt nhất khi chế biến, mọi người nên để cả lá rửa và không cắt nhỏ rau trước khi nấu quá lâu. Trong quá trình nấu hạn. chế đến mức tối đa việc mở vung nồi và chỉ cho rau vào khi nước đã sôi. Không nên nấu quá kỹ rau cải.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam