Rau mầm cực bổ dưỡng nhưng có loại gây độc không thể ăn dù nhìn non mơn mởn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 24/08/2021 06:35 AM (GMT+7)

Các loại rau lên mầm thường có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tuy nhiên không phải loại rau mầm nào cũng có thể sử dụng được.

Hiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội nên các gia đình tìm cách “giết thời gian” bằng việc tự làm các loại rau mầm để phục vụ cho nhu cầu của gia đình.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết xét về mặt dinh dưỡng, rau mầm có giá trị dinh dưỡng cao gấp 2-3 lần các loại rau thông thường. 

Rau mầm có thể dùng được cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Đối với trẻ nhỏ, nhất là với trẻ biếng ăn, đang độ tuổi ăn cháo nên dùng các loại rau mầm vừa giúp món ăn đỡ đặc, vừa tăng năng lượng, dưỡng chất của bữa ăn cho các bé.

Tuy nhiên, chính vì cung cấp nhiều năng lượng nên khi sử dụng cũng không nên ăn quá nhiều rau mầm. Nếu như các loại rau xanh được khuyến cáo sử dụng 400-500 gram/ngày thì rau mầm chỉ nên dùng khoảng 50-70 gram/ngày.

Các loại rau mầm họ cải, họ đỗ có nhiều vitamin và khoáng chất nhưng dễ nhiễm khuẩn trong quá trình gieo trồng.

Các loại rau mầm họ cải, họ đỗ có nhiều vitamin và khoáng chất nhưng dễ nhiễm khuẩn trong quá trình gieo trồng.

Không phải loại rau lên mầm nào cũng có thể ăn được

Theo TS Hưng, các loại rau mầm được người dân sử dụng nhiều nhất đó là rau họ cải, họ đỗ, nhưng không phải mầm rau họ đỗ (đậu) nào cũng có thể sử dụng được. Ví dụ như một số loại đậu: Đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm,… không nên dùng bởi trong mầm các loại đỗ này có hàm lượng lớn glucozid và axit cyanhydric giống như trong măng và sắn, do đó không nên ăn rau mầm của những loại này, dễ gây ngộ độc.

Ngoài ra, TS Hưng cũng đặc biệt lưu ý các loại rau, nhất là mầm cỏ linh lăng vì có nhiều nguy cơ liên quan đến vi khuẩn E. coli và salmonella. Các loại vi khuẩn này phát triển trong môi trường ẩm ướt, nếu sử dụng phải thực phẩm hay rau mầm có chứa khuẩn này, nguy cơ bị bệnh rất cao.

Cũng là họ đậu, nhưng đậu ván tuyệt đối không sử dụng khi lên mầm.

Cũng là họ đậu, nhưng đậu ván tuyệt đối không sử dụng khi lên mầm.

Cùng ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, để đảm bảo an toàn sức khỏe, ngoài việc lựa chọn loại rau lên mầm thì cách thức thực hiện, chọn hạt giống cũng rất quan trọng để tránh nguy cơ ngộ độc. 

Lưu ý khi chọn giống và trồng rau mầm

PGS Thịnh đặc biệt lưu ý là kỹ thuật canh tác, theo đó khi thực hiện làm mầm rau, đa số mọi người dùng các giá thể như xơ dừa, rơm cắt nhỏ… Tuy nhiên, giá thể này đảm bảo phải sạch, được tiệt trùng vì nếu không rau sẽ bị nấm mốc xâm nhập, gây hại cho sức khỏe khi ăn.

Ngoài ra, nước tưới cho rau mầm cũng phải dùng nước sạch để đảm bảo rau an toàn cho. Khi chọn giống cũng cần lựa thật kỹ lưỡng, tránh các loại giống tạp trôi nổi, hạn chế tình trạng bị sâu bệnh vì ngoài vấn đề năng suất thì còn tránh bị ngộ độc do có chất bảo quản. 

“Khi mua hạt giống cần đặc biệt chú ý ngoài bao bì, vì có những loại hạt giống dùng để gieo trồng ăn lá có chất bảo quản và thường được ghi chú với nội dung không được ăn”, PGS Thịnh hướng dẫn.

Rau mầm nên được ăn sau khi mới cắt xong để tận dụng được các vitamin, khoáng chất. Dù là rau tự lên mầm cũng nên rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ chất bẩn, tuy nhiên khi rửa không nên mạnh tay để tránh giập nát. Với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai nên nấu chín rau mầm khi ăn.

Rau mầm đá có tác dụng gì? Cách chế biến rau mầm đá
Mặc dù không phải là một loại rau phổ biến nhưng rau mầm đá cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà có thể bạn...

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng