Quá nuông chiều trẻ trong việc ăn uống có thể khiến con thiếu chất, phát triển kém, thậm chí là suy dinh dưỡng.
Mẹ "bó tay" khi con không chịu ăn món gì ngoài trứng và đậu
Thời gian gần đây chị Hoàng Thanh Mai (Đan Phượng, Hà Nội) rất đau đầu khi cậu con trai 4 tuổi đi khám vì nhẹ cân và được bác sĩ chẩn đoán bị thiếu chất, suy dinh dưỡng. Chia sẻ trên một hội nhóm chuyên về Mẹ và Bé, chị Thanh Mai cho biết, con chị ăn cơm khá tốt, mỗi bữa hết gần một bát cơm (đầy tới miệng bát).
Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc con, chị lại gặp một vấn đề nan giải: Bé chỉ thích ăn đậu rán và trứng rán, trứng đảo, các thực phẩm khác dường như không đụng đũa. "Có lần tôi thử mua gà chiên, thấy con ăn rất ngon miệng, nhưng tôi sợ đồ ăn nhanh sẽ ảnh hưởng không tốt tới con nên không cho ăn nữa. Với thịt lợn, thịt bò hay cá tôm, dù chế biến thế nào cháu cũng không ăn. Thậm chí có lần tôi xay thịt lợn nhuyễn như mọc để chế biến mà cháu cũng chỉ cắn thử rồi nhè ra. Thật sự tôi bị stress về việc chăm con ăn uống”, chị Thanh Mai chia sẻ.
Không chỉ chị Mai, nhiều bà mẹ khác cũng chung tình trạng con chỉ ăn trứng không thích ăn thực phẩm khác. (Ảnh minh họa)
Để con ăn được nhiều, chị Mai đành chấp nhận cho con ăn bữa trứng, bữa đậu. Thời gian đi học, do cháu chống đối không ăn nên chị cũng đành nhờ cô giáo chăm sóc chế độ riêng, chấp nhận mất thêm tiền.
Trước vấn đề gặp phải, chị Mai chia sẻ lên mạng xã hội với mong muốn nhận được sự tư vấn của các bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Thế nhưng, chị nhận ra, rất nhiều mẹ cũng gặp vấn đề tương tự và đành bất lực. Có mẹ bày tỏ: “Con như vậy rồi thì đành chấp nhận” hoặc “Thôi nó ăn cho là tốt rồi. Lớn lên thay đổi dần dần”.
Trứng nhiều dinh dưỡng nhưng không ăn quá 3 lần/tuần
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chính sự “mặc kệ” hay nuông chiều của các bậc phụ huynh đang làm hại con và ảnh hưởng tới cả các cô giáo khi con đi học. Và thực tế là như con của bà mẹ trên, nếu chỉ ăn mãi một thực phẩm như trứng trong thời gian dài sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển.
Theo bác sĩ Hưng, việc cho trẻ ăn nhiều trứng sẽ khiến trẻ mất cân bằng chất, dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Hưng, sở dĩ trẻ nào cũng thích ăn trứng vì món này mềm, mùi vị cũng khá kích thích khi được chiên, xào. Thực tế, trứng là thực phẩm giàu đạm, vitamin A, có giá trị dinh dưỡng cao và cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu ăn thường xuyên cũng không tốt, bởi các thực phẩm khác như thịt bò-lợn, tôm-cua-cá, rau-hoa-quả đều có vai trò và cung cấp nhiều vitamin, vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà trong trứng không có.
Mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn 3 lần trứng, mỗi lần tuỳ thuộc vào tháng tuổi của trẻ mà cho ăn từ 1/4 lòng đỏ đến 1/2 và đến 1 quả là đủ (trẻ lớn ăn cả lòng trắng) và nên ăn trứng gà tốt hơn trứng vịt.
“Trứng gà quấy vào bột cháo cho trẻ nhỏ hoặc luộc, rán cho trẻ lớn ăn. Không nên cho trẻ ăn trứng chưa chín vì khó tiêu và dễ bị nhiễm khuẩn, đồng thời cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều trứng trong một bữa. Ngoài ra, thay đổi món ăn, thay đổi các loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp trẻ có cảm giác ăn ngon, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể”, bác sĩ Hưng cho hay.
Trẻ không ăn thịt là do bố mẹ
Đối với việc trẻ không chịu ăn thịt, bác sĩ Hưng cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ hoặc người nuôi trẻ. Điều quan trọng là phải tập cho trẻ ăn từ nhỏ và thường xuyên thay đổi cách chế biến để phù hợp khẩu vị trẻ.
Phụ huynh cần rèn cho trẻ ăn các món đa dạng từ nhỏ. (Ảnh minh họa)
“Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn được thịt cả cái lẫn nước. Trẻ dưới 3 tuổi: Có thể băm hoặc xay, giã nhỏ thịt cho vào nấu bột hoặc cháo, nên thay đổi các loại thịt khác nhau để trẻ không bị chán ăn. Cho ăn từ ít một sau đó tăng dần, lúc đầu có thể nấu ít thịt với trứng, cá, tôm, sau đó tăng dần thịt và giảm các loại thực phẩm kia. Với trẻ trên 3 tuổi: nên chế biến thức ăn dưới nhiều dạng khác nhau và phối hợp với các loại thực phẩm khác. Ví dụ Thịt chế biến thành chả lá lốt, chả nướng, trứng đúc thịt, đậu phụ nhồi thịt rán hoặc nghiền nhỏ đậu phụ trộn lẫn thịt băm và trứng viên rán, thịt trộn lẫn với mực xay viên rán. Băm nhỏ thịt nấu súp, nấu canh cho trẻ ăn cùng với cơm”, bác sĩ Hưng gợi ý.