Thực phẩm, chế độ ăn uống không hợp lý và tình trạng dinh dưỡng bao gồm thừa cân, béo phì là các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Dinh dưỡng không hợp lý khiến các bệnh không lây nhiễm trầm trọng hơn
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh đường hô hấp mạn tính… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong do những bệnh này nhiều hơn so với tất cả các nguyên nhân khác kết hợp lại.
Theo thống kê năm 2015, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của 15 triệu trường hợp tử vong tại các quốc gia đang phát triển, tăng gần 3,8 triệu so với năm 2000.
Mới đây, tại Hội thảo quốc tế về chế độ ăn uống liên quan đến bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, ước tính cứ 10 ca tử vong thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm.
Thực phẩm, chế độ ăn uống không hợp lý và tình trạng dinh dưỡng bao gồm thừa cân, béo phì là các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Báo cáo năm 2017 cho thấy, chế độ ăn không hợp lý là nguyên nhân của hơn 19% tổng số ca tử vong toàn cầu và gần 70% các ca tử vong do bệnh động mạch vành.
Theo các chuyên gia, thực phẩm, chế độ ăn uống không hợp lý làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm. Ảnh minh họa
Theo đó, ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột; 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác...
Số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cũng chỉ ra rằng, hơn 50% người trưởng thành ăn thiếu rau hoặc trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần so với khuyến nghị của WHO. Tỷ lệ thừa cân béo phì cũng tăng nhanh theo các năm.
Loại bỏ một số “thủ phạm” chính
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khoẻ người dân.
Đề cập đến chế độ dinh dưỡng hợp lý phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trước hết, phải xác định yếu tố làm gia tăng bệnh, từ đó, loại bỏ chúng ra khỏi thực đơn hàng ngày cũng như việc từ bỏ những thói quen xấu, có hại.
Chẳng hạn, WHO khuyến cáo, giảm muối là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm bệnh lý tăng huyết áp. Vì vậy, để tránh mắc bệnh này, chúng ta phải tập thói quen ăn nhạt. Theo đó, ngoài việc giảm các món chiên, xào, kho cần nêm nhiều muối trong khẩu phần ăn, cũng nên hạn chế thói quen chấm muối, nước mắm trong khi ăn. Tốt nhất chỉ nên ăn dưới 6g muối/ngày.
Thứ hai là từ bỏ thói quen hút thuốc lá vì đây là yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, ung thư… Với những người có hút thuốc lá, khi chụp động mạch vành, kết quả phức tạp hơn nhiều so với người không hút thuốc lá. Kể cả những người hút thuốc lá thụ động cũng có biến chứng tim mạch, ung thư rất cao.
Thứ ba là hạn chế uống rượu, bia hoặc các chất kích thích khác vì khi nạp quá nhiều nồng độ cồn vào trong cơ thể dễ khiến giãn mạch máu, nhất là mạch máu não dẫn tới đột quỵ.
Thứ tư, tránh nạp quá nhiều chất tạo ngọt, bột đường để phòng ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường.
Thứ năm, không ăn nhiều các loại đồ ăn chiên, xào, đồ ăn đóng gói sẵn để giảm nguy cơ bị béo phì. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, béo phì là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều các bệnh không lây nhiễm như tim mạch; rối loạn nội tiết; bệnh lý xương khớp; bệnh lý đường tiêu hóa…
Ngoài việc loại trừ các nguy cơ gây ra bệnh, PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo, cần tăng cường ăn nhiều rau xanh (nhất là các loại rau đậm màu), trái cây tươi, các vitamin và khoáng chất thiết yếu hàng ngày. Tăng cường hoạt động thể lực, ít nhất 30 phút bằng cách đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan; hạn chế tình trạng stress, căng thẳng kéo dài.