Rất nhiều loại bánh kẹo, nước ngọt thậm chí sữa được cho là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm, liệu đây có phải là nguyên nhân thực sự?
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cảnh báo rằng: Bé lớp 2 đã dậy thì và top các đồ ăn bác sĩ khuyên không nên cho con ăn để tránh bị dậy thì sớm. Các loại đồ ăn/thức uống được cảnh báo là nước ngọt, bánh kẹo, sữa… đều là những món khoái khẩu của trẻ nhỏ.
Đây không phải là lần đầu xuất hiện những cảnh báo như vậy. Trong nhiều hội nhóm nuôi dạy con hay làm cha mẹ, có nhiều loại đồ ăn, thức uống khác cũng được khuyến cáo là nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm. Thực tế cho thấy vấn đề dậy thì sớm ở trẻ luôn được các bậc phụ huynh quan tâm, bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về thể chất, tâm lý và học tập của trẻ.
Rất nhiều thông tin về các loại đồ ăn khiến trẻ dậy thì sớm nhưng điều này chưa thật sự chính xác.
Dựa vào tình hình thực tế hiện nay, các chuyên gia y tế cho biết một trẻ được coi là dậy thì sớm nếu trẻ bắt đầu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Một số dấu hiệu phát hiện trẻ dậy thì sớm bao gồm:
- Ở bé gái: Cân nặng và chiều cao tăng nhanh, ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.
- Ở bé trai: Trẻ phát triển cân nặng và chiều cao nhanh chóng, tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi.
Còn đối với các đồ ăn, đồ uống như mạng xã hội chia sẻ, liệu có phải nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ? TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (BV Nội tiết Trung ương) cho biết nếu nói một số loại bánh kẹo, nước ngọt hay thậm chí sữa là nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì sớm là không chính xác. Theo bác sĩ Hưng, chỉ nên xếp các loại đồ ăn/thức uống trên vào yếu tố nguy cơ dẫn tới dậy thì sớm, chứ không phải nguyên nhân.
Trẻ ăn nhiều đồ ngọt, lười vận động sẽ dẫn tới béo phì và béo phì mới là nguyên nhân gây dậy thì sớm. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Hưng phân tích nếu dùng các loại bánh kẹo ngọt hay đồ uống ngọt có kiểm soát, không lạm dụng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay như sữa cũng vậy, các nghiên cứu đều chỉ ra sữa tốt cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng quá nhiều, nhất là các loại sữa có đường thì lại gây ảnh hưởng xấu.
“Bản chất của các loại bánh kẹo hay nước ngọt là chúng chứa rất nhiều đường. Dù là trẻ con hay người lớn nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây hại cho sức khỏe, đó là nguy cơ thừa cân, béo phì, tiểu đường, huyết áp, tim mạch…
Thực tế, những đứa trẻ nghiện nước ngọt đa số đều thừa cân, béo phì. Trong khi đó, trẻ béo phì (do nhiều nguyên nhân chứ không riêng ăn đồ ngọt) có khả năng dậy thì sớm. Đó là lý do nên xếp loại đồ ăn nhiều đường là yếu tố nguy cơ dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ”, bác sĩ Hưng phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia này còn đánh giá những yếu tố kết hợp khác cũng quan trọng không kém, ví dụ như tiếp xúc với hóa chất độc hại, lười vận động, ngủ muộn, ăn đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều...
“Thực tế cho thấy khi ăn đồ ăn nhanh sẽ thường kèm với nước ngọt, đây là đồ ăn cung cấp nhiều năng lượng. Tuy nhiên, sau khi ăn trẻ lại không vận động từ đó dẫn tới béo phì và dậy thì sớm. Do vậy, chúng ta nên đánh giá tác động đến việc dậy thì sớm của trẻ trên phương diện tổng thể hơn là chỉ đích danh một thực phẩm hay sản phẩm nào đó”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Để tránh dậy thì sớm ở trẻ, các phụ huynh nên: - Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau củ quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích,... hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của estrogen ngoại lai. Quercitin có nhiều trong các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen - Tăng cường vận động: Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày và chơi thể thao - Hạn chế cho tiếp xúc với estrogen và testosteron: Ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormone sinh dục. Tránh đồ có BPA, phtalate (đồ nhựa có tam giác tái chế số 7 và số 3). - Hạn chế bật đèn khi ngủ: Vì làm giảm bài tiết melatonin trong tuyến yên – hormone ức chế giải phóng gonadotropin tuyến yên và ngăn ngừa dậy thì sớm. - Đi khám và tư vấn sớm nếu có các dấu hiệu của dậy thì sớm ở cả trẻ nam và nữ. |
Tin liên quan
Khi con dậy thì và có kinh nguyệt lần đầu thì mẹ cần làm gì để giúp con khỏi bỡ ngỡ, có thể tự giữ vệ sinh và xử lý các tình huống bất ngờ...
Hiện nay số người mắc các bệnh lý về thận ngày càng nhiều và đang trẻ hóa. Đa số mọi người phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, trong khi...
Theo các bác sĩ, thủ dâm là một hình thức trẻ dậy thì tìm hiểu cơ thể mình và là hoạt động sinh lý bình thường. Việc cha mẹ cấm đoán sẽ vô...
Thông thường một con bò khi sinh ra nặng đến 9-10kg, còn em bé chào đời chỉ nặng 3kg, vậy việc cho trẻ uống sữa bò liệu có làm tăng nguy cơ...
Tin bài cùng chủ đề Trẻ dậy thì
Lén nhìn qua khe cửa, tôi thấy con gái mình dắt người yêu ra y hệt như lời con trai nói.
Bệnh trẻ em khác