Theo bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà, khi bị táo bón, các chất thải bị ứ trong ruột làm bà bầu đầy bụng, khó chịu, tức bụng, không dám ăn dẫn đến thiếu dinh dưỡng.
Một độc giả bày tỏ: "Hiện tại thai của em được 6 tháng rồi, còn 3 tháng nữa em mới sinh mà thai càng to thì hình như bệnh táo bón càng nặng. Em còn sợ khi sinh xong vẫn bị mà lúc đó mới sinh xong còn đau, thêm đau vì táo bón hay trĩ nữa thì chắc em chết mất. Thực sự em thấy khổ sở vì cái bệnh này vô cùng. Rất nhiều lần vào nhà vệ sinh mà không thể đi được, em chỉ còn biết khóc thôi. Có chị nào giống em không ạ? Tết nhất nhiều đồ ăn ngon mà em chẳng dám ăn, ăn vào thì chẳng đi được, thật khổ quá các chị ạ".
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ - Hiện làm việc tại Phòng khám sản - phụ khoa Song Hà) cho biết: "Táo bón khi mang thai là tình trạng rất hay gặp, gây cho thai phụ cảm giác khó chịu như đau nặng bụng muốn đi đại tiện mà không thể đi được hay phải rặn. Táo bón có thể đã có từ trước khi có thai hoăc bị nhiều hay nặng thêm hơn trong quá trình mang thai đặc biệt là 3 tháng cuối".
Theo bác sĩ Song Hà, nguyên nhân là do thay đổi về nội tiết trong thời kỳ mang thai làm giảm nhu động ruột gây ra táo bón trong giai đoạn này. Ngoài ra, các nguyên nhân khác như uống viên sắt bổ sung trong thai kỳ, chế độ thói quen ăn ít chất xơ, khi mang thai thường ít vận động, sự phát triển của thai trong tử cung ngày càng to chèn ép vào ruột và cũng như yếu tố tâm lý khác… Ngoài ra, một số bệnh lý về đường ruột có trước đó cũng gây rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy.
Bà bầu nên ăn nhiều rau xanh để ngừa táo bón. (ảnh minh họa)
Về những ảnh hưởng của táo bón đến bà bầu và thai nhi, bác sĩ Song Hà cho hay: "Táo bón khi mang thai khiến người mẹ dễ thiếu hụt chất dinh dưỡng. Do các chất thải bị ứ trong ruột làm đầy bụng, khó chịu, mẹ bị tức bụng, đau quặn bụng do đó sợ không dám ăn dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng cho thai. Táo bón làm mẹ đi vệ sinh khó khăn, phải dùng lực rặn khi đi vệ sinh nên dễ gây sảy thai… Các chất thải bị tích tụ lâu trong ruột của mẹ, cũng ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển bình thường của thai nhi".
Vì vậy nên phòng ngừa hay phải điều trị sớm, bởi vì táo bón lâu ngày sẽ có thể sẽ dẫn đến bệnh trĩ hoặc các bệnh về đại tràng… Và trên hết là cái cảm giác khó chịu muốn đi mà không thể đi được cũng làm bà bầu không thoải mái.
Để giảm tình trạng táo bón, bà bầu nên có chế độ dinh dưỡng với những loại thức ăn như trái cây, rau xanh giàu chất xơ trong khẩu phần ăn. Chất xơ hấp thụ nước và làm mềm các chất thải rắn, dễ dàng thải các chất cặn bã ra ngoài. Bên cạnh đó chất xơ còn tác dụng kích thích hệ vi khuẩn đường ruột và hiệu quả tốt trong điều trị táo bón. Bổ sung thêm một số thức ăn chứa vitamin nhóm B như các loại đậu, khoai lang, khoai tây, đu đủ... để thúc đẩy nhu động ruột. Một số loại hoa quả khác như củ cải, cải thảo, bầu và giá đỗ cũng giúp trị táo bón. Tránh ăn những thức ăn dễ gây ra táo bón có trong các thực phẩm có chứa đường, bột gạo, bột mì là những loại ngũ cốc dễ gây táo bón. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, tránh uống những loại nước uống có chất kích thích như trà, cà phê và các chất cồn như bia, rượu. Những chất này cũng không tốt cho hệ tiêu hóa.
"Khi mang thai các bà mẹ có khuynh hướng ngại vận động vì sợ ảnh hưởng đến em bé. Bạn chỉ nên hạn chế vận động khi bạn có mắc một số bệnh lý như động thai, có tiền căn sảy thai, sinh non, hoặc nhau bám thấp… Ngoài ra nếu không có sự khuyến cáo từ bác sĩ, bà bầu cũng nên đừng quá lo lắng, hoạt động vừa sức cũng giúp ngăn ngừa táo bón, tăng cường sức khoẻ, đặc biệt làm khung chậu giãn nở tốt chuẩn bị cho cuộc đẻ thuận lợi hơn.", bác sĩ Song Hà nhấn mạnh.
Bác sĩ Hà lưu ý, ngoài ra, đi bộ thư giãn, bơi lội hay tập luyện nhẹ nhàng, hay các bài tập thể dục dành riêng cho bà bầu đều rất tốt cho sức khỏe, yoga dành cho bà bầu cũng hỗ trợ tốt cho tiêu hóa ngăn ngừa táo bón. Hàng ngày, bà bầu nên tạo cho mình thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm thong thả nhất cho dù có đi được hay không, dần dần thói quen này sẽ tạo phản xạ tự nhiên hỗ trợ bạn tránh táo bón, ăn nhiều sữa chua. Sữa chua được làm cho lên men bởi những loại vi khuẩn tốt, đó là những vi khuẩn Probiotic có lợi cho đường tiêu hóa.
Bác sĩ Song Hà lưu ý: "Nếu làm theo hướng dẫn trên mà vẫn không thấy đỡ, bà bầu nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn".