Cách trị cảm cúm cho bà bầu: Có nên xông hơi giải cảm không?

Ngày 13/12/2019 16:02 PM (GMT+7)

Một trong những cách trị cảm cúm được nhiều người áp dụng là xông hơi. Tuy nhiên, khi bà bầu bị cảm cúm thì xông hơi không được khuyên áp dụng do ảnh hưởng tới thai nhi

Cách trị cảm cúm cho bà bầu: Có nên xông hơi giải cảm không? - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội

Cách trị cảm cúm cho bà bầu: Có nên xông hơi giải cảm không? - 2

Lương y Lê Xuân Hải (Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội)

Xông hơi là phương pháp người bị cảm trùm kín chăn, mở hé vung nồi xông cho hơi nóng tỏa ra dần dần. Thông thường sẽ xông hơi trong khoảng 5-10 phút cho cơ thể đẫm mồ hôi rồi lấy khăn lau khô. Khi người phụ nữ mang thai, điều này sẽ gây ra một số tác động không tốt. 

Bà bầu bị cảm cúm có nên xông hơi không?

- Khi xông hơi, nhiệt độ cơ thể sẽ cao lên bất thường. Nhiệt độ cơ thể từ 101 độ F (khoảng 38.3 độ C) có thể gây ra một số nguy cơ có hại cho thai nhi. 

- Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh sẽ cao hơn khi phụ nữ bị tăng nhiệt độ cơ thể trong ba tháng đầu của thai kỳ. Nếu xông hơi giải cảm vào những tháng sau thì nguy hiểm có thể giảm bớt đi nhưng vẫn có thể gây ra những dị tật cho trẻ như: dị dạng, vẹo cột sống, ảnh hưởng không tốt đến xương khớp. 

- Trong không gian kín, áp lực của khí nóng lúc xông hơi sẽ tác động đến huyết áp của mẹ bầu. Từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc đưa oxy đến nuôi bào thai.

- Trong trường hợp nếu xông hơi trong thời gian dài và nóng quá sẽ có thể làm cho mẹ bị chóng mặt, ngạt thở, vô cùng nguy hiểm.   

- Nếu đã lỡ xông hơi trong thai kỳ, nhất là 3 tháng đầu thì người mẹ nên đi kiểm tra xem có gì bất thường trong sự phát triển của thai nhi hay không để kịp thời có biện pháp can thiệp.

Cách trị cảm cúm cho bà bầu: Có nên xông hơi giải cảm không? - 3

Bà bầu bị cúm không nên xông hơi để giải cảm. (Ảnh minh họa)

6 Cách trị cảm cúm cho bà bầu 

1. Sử dụng nước muối sinh lý

Khi bị cúm, bà bầu có thể sử dụng nước muối sinh lý. Loại nước này sẽ giúp vệ sinh, đẩy chất nhầy, virus và vi khuẩn ra khỏi đường mũi.

2. Thoa dầu tràm dưới mũi

Vì các loại dầu tràm hay tinh chất bạc hà có chứa menthol nên có tác dụng thông mũi. Tuy nhiên, bà bầu chỉ nên sử dụng một lượng nhỏ để thoa dưới mũi.

3. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C

Nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, mẹ bầu cần tăng cường ăn những thực phẩm giàu vitamin C. Sau đây là một số loại củ quả chứa nhiều vitamin C, tốt cho phụ nữ đang mang thai:

- Bông cải xanh: trong 100g bông cải thì chứa khoảng 89mg vitamin C. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác như: beta-carotene, carotenoid, vitamin B, canxi, kẽm và chất xơ.

Bông cải xanh chứa đa dạng các vitamin, khoáng chất cùng với các chất dinh dưỡng khác. Đây là loại thực phẩm hoàn hảo để cải thiện không chỉ sức khỏe của mẹ mà còn hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Để không bị mất đi lượng vitamin có lợi thì chỉ nên luộc hoặc hấp bông cải xanh.

- Quả dâu tây: dâu tây chứa chất xơ, chất chống oxy hóa và vitamin C. Bên cạnh đó, loại quả này còn có axit folic, giúp thai nhi tránh khỏi các nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và hạn chế nguy cơ sinh non.

- Quả cam: cùng với các loại quả nhóm cam quýt khác, cam là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Đây cũng là loại quả chống lại bệnh cảm cúm vào mùa lạnh. Thông thường các loại trái cây họ cam quýt sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm nguy cơ ung thư, cải thiện tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol. Ăn trái cây sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn là chỉ uống nước ép.

4. Ăn cháo giải cảm

Để giải cảm, mẹ bầu có thể sử dụng cháo trắng hoặc cháo thịt nhưng hiệu quả nhất là cháo trứng. Cho hành lá, tía tô vào cùng ăn lúc nóng để mồ hôi toát ra, giải cảm vô cùng hiệu quả.

Cách trị cảm cúm cho bà bầu: Có nên xông hơi giải cảm không? - 4

Bà bầu bị cúm không nên xông hơi để giải cảm. (Ảnh minh họa)

5. Uống nước gừng

Uống nước gừng cũng là một trong những cách trị cảm cúm rất tốt. Đun sôi gừng xắt nhỏ trong khoảng 5 phút, có thể cho thêm 1 ít đường phèn và uống lúc còn nóng. Bà bầu nên uống trước khi đi ngủ.

6. Ngủ đủ giấc, kê cao gối dưới đầu

Để có thể nhanh khỏi cảm cúm và hồi phục sức khỏe, mẹ bầu cần phải nghỉ ngơi đầy đủ. Trong lúc ngủ, mẹ nên kê cao phần đầu để đỡ nghẹt mũi và đờm không bị trào ngược. 

Không cần xông hơi, những biện pháp trên đây có thể giúp giải cảm tạm thời. Tuy nhiên, nếu theo dõi thấy những dấu hiệu nghiêm trọng hơn như: sốt cao, hôn mê...thì bà bầu cần phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chữa trị. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh cảm cúm, người mẹ cũng cần lưu ý nâng cao sức đề kháng của cơ thể để tránh bị virus tấn công. 

Bà bầu bị cảm: Bác sĩ chỉ cách nhận biết cảm cúm khác cảm lạnh trong thai kỳ
ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định cho biết, khi mang bầu, hệ miễn dịch ở các thai phụ thường bị suy giảm.

Cảm sốt - Ho khi mang thai

Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia