Theo PGS - TS Vương Tiến Hòa, khi đang cho con bú mà có bầu thì mẹ cần ăn nhiều hơn, đủ chất để đủ cung cấp cho 3 người.
Một độc giả bày tỏ: "5 tháng đầu em nuôi con bằng sữa mẹ, đến tháng thứ 6 thì "đèn đỏ" quay lại. Vừa mới có kinh nguyệt được 1 tháng thì tháng này em đã "dính" bầu. Có thai mà em chẳng vui tí nào vì bé đầu còn nhỏ quá, bé lại rất lười ăn các chị ạ, chỉ thích bú mẹ thôi. Em bàn với chồng định bỏ thai nhưng chồng ngăn, bảo con cái là của trời cho. Vậy nên em đã quyết định sẽ giữ bé lại"
Tuy nhiên, độc giả này bày tỏ lo ngại: "Thế nhưng có vấn đề em trăn trở quá là em muốn vẫn cho bé lớn tiếp tục bú mẹ có được không các chị. Bé nhà em mới tập ăn dặm nhưng ăn ít lắm. Sữa ngoài thì phải đút thìa mà bé cũng chẳng chịu ăn, chỉ thích ti mẹ thôi. Hôm qua em vừa nói chuyện với mẹ chồng là muốn tiếp tục cho con bú thêm 2-3 tháng nữa thì mẹ chồng quắc mắt, mắng em là "ngu dốt". Mẹ bảo em được ăn học mà sao dốt thế, phải cai sữa ngay không thì ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Tiếp tục cho bé bú sẽ lấy hết dinh dưỡng của em bé trong bụng. Cai sữa bây giờ thì thương bé lớn quá các chị ạ."
Trao đổi với chúng tôi, PGS – TS Vương Tiến Hòa (PGS.TS.BSCKII Chuyên gia Sản phụ khoa. Chuyên viên cao cấp bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, trước kia dinh dưỡng kém, người mẹ nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng mà vừa cho con bú, vừa nuôi dưỡng thai trong bụng thì đứa lớn cũng còi cọc mà thai nhi cũng phát triển không tốt. Còn hiện nay, nếu như ăn uống đẩy đủ chất dinh dưỡng thì vẫn có thể tiếp tục cho con bú. Việc cho con bú có thể kéo dài đến sát ngày sinh hoặc khi thai nhi được 7,8 tháng.
“Tuy nhiên, bà bầu cần lưu ý ăn uống cần phải tăng lên, đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ, đứa trẻ bú và cả thai nhi. Có nghĩa là ăn cho 3 người chứ không phải 2 người nên cần một lượng thức ăn nhiều hơn và cân đối các chất dinh dưỡng”, PGS - TS Vương Tiến Hòa nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Vương Tiến Hòa, trong những tháng đầu, bà bầu cần ăn nhiều thịt, chất đạm nhưng cũng cần lượng mỡ, đường, chất khoáng, vitamin. Ngoài ra, bà bầu cần bổ sung axitfolic, canxi để cung cấp cho thai nhi đang phát triển.
“Bà bầu trong trường hợp đang nuôi con nhỏ mà có thai thì phải cần lượng thức ăn nhiều hơn, đầy đủ hơn, ngủ và thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn”, bác sĩ Hòa lưu ý.
Theo bác sĩ Hòa, trước đây, khoảng cách giữa hai lần sinh thường nói là 5 năm. Bây giờ có thể khoảng cách đó từ 2-3 năm. Theo một số nghiên cứu, nếu sinh bé thứ hai dưới 2 năm thì tỷ lệ nguy cơ ốm đau, bệnh tật và tử vong của bé sau sẽ cao hơn. Ngoài ra, sinh con sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, đặc biệt là phục hồi sức khỏe người mẹ. Vì vậy, người mẹ không nên sinh con sớm quá, nên để sau 2-3 năm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, hiện làm việc tại Phòng khám sản phụ khoa Song Hà) cho biết, mẹ mang bầu vẫn có thể tiếp tục cho con bú, tuy nhiên nếu người mẹ thể trạng quá gầy yếu hoặc có tiền sử sinh non, nhẹ cân hay hiện thai bị suy dinh dưỡng... thì không nên vừa mang thai vừa cho con bú. Còn lại, vừa mang thai vừa cho con bú không ảnh hưởng gì đến sức khỏe mẹ, thai nhi và em bé. Mẹ chỉ cần ghi nhớ phải tăng cường ăn uống bồi dưỡng là được.