Đẻ không đau là phương pháp được nhiều mẹ lựa chọn để tránh những cơn đau vật vã khi chuyển dạ, tuy nhiên không nên quá lạm dụng.
Nhật ký đi đẻ: Con gần 4kg vẫn vô tư đẻ thường
Mẹ đẻ thường chỉ sau một cái “hắt hơi”
Làm mẹ là thiên chức tuyệt vời và cao cả nhất đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, ám ảnh từ lời kể của “người đi trước” về những cơn đau đẻ “khóc ra nước mắt” khiến nhiều mẹ hoang mang, lo sợ và tìm đến phương pháp hỗ trợ đẻ không đau. Cuộc trò chuyện với chuyên gia khoa sản, bác sĩ Tạ Việt Cường (bệnh viện Phụ sản Hà Nội) sẽ giúp các mẹ nắm rõ hơn về biện pháp cứu cánh này trong quá trình “vượt cạn”.
Thưa bác sĩ, phương pháp “đẻ không đau” là gì?
Kỹ thuật đẻ không đau là phương pháp gây tê ngoài màng cứng, tức là tiêm thuốc gây tê vào vùng cột sống ở thắt lưng (vùng này chứa các dây thần kinh chi phối các cảm giác đau từ vùng bụng trở xuống). Nhờ tác dụng của thuốc tê, các cơn co tử cung vẫn xảy ra đều đặn và thúc đẩy cuộc chuyển dạ nhưng sản phụ sẽ không có cảm giác đau đớn.
Bác sĩ Tạ Việt Cường - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Đẻ không đau được tiến hành như thế nào?
Gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc một ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm, đồng thời bơm một lượng thuốc tê nhỏ nhất (chỉ đủ để phong bế cảm giác đau mà không gây ảnh hưởng đến bé và mẹ).
Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng.
Trước đẻ không đau, các mẹ cần chuẩn bị những gì, thưa bác sĩ?
Trước hết, các mẹ nên chia sẻ với bác sỹ về nguyện vọng và mong muốn khi thực hiện phương pháp “đẻ không đau”. Đồng thời tham khảo thông tin về phương pháp gây tê màng cứng ở các bệnh viện. Nên chọn bác sĩ, bệnh viện từng thực hiện thành công cho các trường hợp dùng phương pháp “đẻ không đau”.
Nhiều mẹ lo lắng khi thực hiện phương pháp đẻ không đau sẽ xảy ra biến chứng. Bác sĩ có thể tư vấn thêm về vấn đề này?
Bất kỳ can thiệp y tế nào, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có một số biến chứng tiềm ẩn những rủi ro gây hoang mang cho bà bầu. Biến chứng thường gặp nhất đó chính là hiện tượng tụt huyết áp ở mẹ bầu. Bạn cũng có thể bị tê liệt, tổn thương thần kinh hoặc nhiễm trùng, nhưng tỷ lệ rất hiếm.
Trường hợp hiếm hoi mẹ bầu có thể bị nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng và phải điều trị thêm sau khi sinh.
Phương pháp "Đẻ không đau" ngày càng được lựa chọn. Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ thuật cũng gặp những biến chứng. (ảnh minh họa)
Bác sĩ cho biết, một số trường hợp nào không thể sử dụng biện pháp đẻ không đau (gây tê màng cứng) khi sinh?
- Mẹ có các vấn đề về đường huyết như: bị rối loạn đông máu, nhiễm trùng máu, xuất huyết, huyết áp quá cao hoặc quá thấp,...
- Mẹ có tiền sử phẫu thuật vùng thắt lưng hay dây thần kinh ở khu vực này có vấn đề.
- Không được áp dụng cho những trường hợp sản phụ bị cong cột sống, khe sống giữa 2 đốt sống hẹp nên không thể đưa kim vào để tiêm thuốc, hay có tiền sử máu không đông, nước ối bị nhiễm khuẩn lúc chuyển dạ.
Lời khuyên từ bác sĩ đối với các mẹ khi sử dụng phương pháp đẻ không đau?
Việc đẻ không đau có thể áp dụng được với hầu hết các trường hợp có thể tiên lượng đẻ được đường dưới. Đây là một phương pháp tiến bộ giúp cho cuộc chuyển dạ của sản phụ trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên các mẹ cũng không nên lạm dụng phương pháp này vì nếu áp dụng không đúng chỉ định cũng có thể làm cho cuộc đẻ kéo dài hơn bình thường và cũng có thể gây tai biến cho mẹ và cho em bé.
Vì vậy điều tiên quyết nhất là trước khi áp dụng biện pháp đẻ không đau bạn cần thảo luận kỹ với bác sỹ theo dõi đỡ đẻ cho mình về những khả năng có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp đẻ không đau. Thứ hai cần chú ý là các mẹ cần phải tham gia các lớp học tiền sản để có những kiến thức tối thiểu về quá trình chuyển dạ, nguyên nhân, tính chất của những cơn đau đẻ; cách thở để giảm và ức chế cơn đau đẻ, cách hít thở để chuẩn bị rặn đẻ; cách rặn đẻ; đây cũng là một phần rất quan trọng giúp cho cuộc đẻ của các mẹ được suôn sẻ.
Xin cảm ơn những tư vấn từ bác sĩ!