Trong khi tôi chịu đựng những cơn gò, đau đến toát mồ hôi thì mẹ chồng vẫn kịp dặn dò “đẻ xong bao giờ có tiền thai sản thì cứ đưa mẹ giữ hộ, vợ chồng mày là tiêu hoang lắm đấy”.
Trước khi sinh một tháng, tôi tạm dừng mọi công việc để ở nhà dưỡng thai. Vốn thai kỳ của tôi cũng không được thuận lợi cho lắm, sợ vợ con đầu có thể sinh bất cứ lúc nào nên ông xã nhờ mẹ chồng tôi lên ở cùng với con dâu. Nếu tôi chuyển dạ trong lúc anh đi làm, ít nhất ở nhà cũng có một người bên cạnh. Tôi thấy thế cũng hợp lý, vì dù sao mỗi cuộc vượt cạn chẳng ai nói trước được điều gì.
Mẹ chồng tôi là kế toán của hợp tác xã, nay đã về hưu. Tính bà rất tốt, thường xuyên giúp đỡ mọi người, duy chỉ có việc bà sống tằn tiện quá mức nên đôi khi tôi thấy hơi khó để có thể ở cùng. Khi lên ở với chúng tôi 1 tháng trước khi tôi sinh con, động vào thứ đồ gì bà cũng kêu 2 vợ chồng tôi tiêu hoang, thích mua đồ đắt tiền, phải sống tiết kiệm còn trả nợ ngân hàng, sớm được ngày nào bà đỡ lo ngày ấy. Tôi giải thích với bà không ít lần, rằng chúng tôi vẫn có thể chi trả các khoản tiền, thế hệ chúng tôi muốn có cuộc sống đầy đủ, tuy không giàu sang nhưng ở mức cơ bản để đảm bảo mọi sinh hoạt. Biết chẳng thể nào nói được bà nên tôi đành im im cho xong chuyện.
Khi lên ở với chúng tôi 1 tháng trước khi tôi sinh con, động vào thứ đồ gì bà cũng kêu 2 vợ chồng tôi tiêu hoang. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng điều khiến tôi không hài lòng lắm khi một hôm, bà hỏi tôi về khoản tiền thai sản sau khi sinh tôi nhận được. Theo quy định, tôi sẽ nhận được khoảng hơn 30 triệu đồng. Tôi tính tiền đó để riêng chi tiêu các việc cho con, không động đến. Tôi cũng nói với bà về số tiền này và một phần tiền nhỏ dưỡng sức sau sinh mà tôi sẽ được nhận. Không thấy mẹ chồng nói gì, tôi đã quên hẳn câu chuyện hôm đó.
Cách đây 1 tuần, gần ngày dự sinh, bụng tôi bắt đầu đau, cơn gò cũng tăng lên dần nên tôi bảo mẹ chồng chuẩn bị bắt taxi vào viện. Lúc đến nơi, tôi sắp đi không nổi vì các cơn đau cứ thế thêm dồn dập. Thế nhưng vì chỉ mới mở được 2 phân, nên tôi vẫn phải ở trong phòng chờ truyền kích đẻ. Mẹ chồng tôi vốn kiệm lời, bà ít khi động viên con như những bà mẹ khác, thế nhưng khi ngồi cạnh bên giường tôi, bà lại ghé tai nói nhỏ: “Mẹ nghĩ rồi, đẻ xong con nhận được tiền thai sản cứ để mẹ giữ hộ, chứ lên ở với chúng mày mấy hôm mà mẹ thấy chúng mày tiêu hoang lắm”.
Bà nói câu này xong tôi cũng sững sờ, đúng lúc đang chịu đựng những cơn đau khó tả, tôi liền bực tức đáp lại: “Tiền con con giữ, con chi tiêu cho cháu nội của mẹ. Con đang đau, mẹ đừng làm con thêm khó chịu”. Mặt bà biến sắc, rồi nín lặng sau câu nói của tôi. Tôi biết bà cũng có ý tốt muốn tiết kiệm cho con, nhưng trong hoàn cảnh này, tôi chỉ muốn nhận được những lời động viên thay vì sự xét nét về tiền bạc.
Trong lúc tôi đang đau đẻ, mẹ chồng ghé tai nói về khoản tiền thai sản. (Ảnh minh họa)
Khi nào mẹ bầu phải dùng thuốc giục sinh (thuốc kích đẻ)?
Giục sinh là phương pháp can thiệp nhằm kết thúc thai kỳ thông qua ngả âm đạo. Bác sĩ sẽ thực hiện điều này bằng cách dùng các thủ thuật y khoa như đặt bóng kích sinh hoặc dùng thuốc. Kích thích chuyển dạ bằng thuốc là phương pháp khá phổ biến và đa phần bác sĩ sẽ chỉ định nếu:
- Đã hơn 2 tuần kể từ ngày dự sinh nhưng bạn không có dấu hiệu chuyển dạ.
- Nước ối vỡ nhưng không xuất hiện các cơn co thắt.
- Mẹ có xu hướng phát triển các biến chứng như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim, chảy máu khi mang thai.
- Bé có nguy cơ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng từ nhau thai.
- Mẹ phát triển tình trạng viêm màng ối (Chorioamnionitis).
Truyền thuốc kích đẻ bao lâu thì đẻ?
Thuốc giục sinh bao lâu có tác dụng là thắc mắc phổ biến của rất nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Sẽ có bà bầu chuyển dạ sau vài giờ dùng thuốc giục sinh nhưng cũng có trường hợp phải mất vài ngày thì cơn chuyển dạ mới bắt đầu. Việc chỉ định dùng thuốc để kích thích chuyển dạ được bác sĩ căn cứ vào tình trạng hiện tại của mẹ bầu để đưa ra quyết định.