Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn”

Minh Khuê - Ngày 11/04/2021 15:00 PM (GMT+7)

Trước khi vào phòng sinh, chuẩn bị tốt những điều này sẽ giúp người mẹ giảm bớt được căng thẳng, tránh được những âu lo, nhờ thế quá trình sinh nở cũng diễn ra thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn” - 1

Trong hành trình mang thai, tâm lý chung của mọi người mẹ là mong đến ngày sinh nở để được chào đón con yêu. Quãng thời gian trước khi sinh là lúc tốt nhất để chuẩn bị những việc cần thiết cho quá trình sinh nở. Quá trình chuẩn bị tốt sẽ giúp người ẹm đón nhận việc vượt cạn một cách dễ dàng, thoải mái và thuận lợi hơn.

Dưới đây là những điều mà các bà mẹ nên chuẩn bị trước khi bước vào phòng sinh:

Hiểu rõ thông tin về quá trình sinh nở

Những phụ nữ biết trước việc sinh nở sẽ chủ động hơn trong việc vượt cạn khó khăn này và sẽ có kết quả tốt đẹp hơn. Mẹ bầu nên cân nhắc tham gia một lớp học về sinh đẻ trước ngày sinh để tìm hiểu về các giai đoạn khác nhau của quá trình sinh nở, các lựa chọn kiểm soát cơn đau, kỹ thuật thở và thiết bị y tế có thể được sử dụng trong quá trình sinh nở.

Bạn cũng có thể xem các video sinh nở thực tế để tìm hiểu về các phương pháp sinh khác nhau, bao gồm sinh tự nhiên, sinh dưới nước, sinh ngoài màng cứng, sinh mổ, v.v.

Lựa chọn bệnh viện sinh

Việc lựa chọn bệnh viện sinh, chuẩn bị hồ sơ sẵn sàng là một trong những sự chuẩn bị chu đáo để bất cứ lúc nào mẹ cũng sẵn sàng đi đẻ. Thông thường, các mẹ bầu ưu tiên lựa chọn những nơi vừa đảm bảo yếu tố chuyên môn, chất lượng lại thuận tiện cho quá trình di chuyển.

Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn” - 2

Việc lựa chọn bệnh viện sinh là rất quan trọng để ngày sinh đến mẹ bầu đã hoàn toàn sẵn sàng (Ảnh minh họa)

Thảo luận với chồng các vấn đề xoay quanh chọn sinh con

Hãy bàn bạc, thảo luận với chồng thật kỹ các vấn đề trước khi sinh. Ví dụ như thông báo về ngày dự sinh để chồng cùng nắm được, cùng nhau lựa chọn bệnh viện sao cho phù hợp, phân công các việc cần làm khi đi sinh nở… Ngoài ra một số vấn đề như cùng nhau đặt tên con, trao đổi các kinh nghiệm, kiến thức về cách cho trẻ sơ sinh ăn, cách chăm sóc bà đẻ sau khi sinh… cũng là một cách chuẩn bị tốt cho việc sinh nở và gắn bó thêm tình cảm vợ chồng.

Trao đổi với các bà mẹ, những người có kinh nghiệm

Việc trò chuyện, trao đổi với các bà mẹ, những người có kinh nghiệm, về bất cứ vấn đề gì sẽ giúp ích rất nhiều cho các mẹ sắp sinh. Bạn có thể hỏi về những sự cố kiểu như rò rỉ nước tiểu, trầm cảm sau sinh, cách chăm sóc vùng kín… Cùng là phụ nữ, những điều tế nhị này sẽ được chia sẻ một cách dễ dàng hơn và giúp bạn chuẩn bị tốt hơn về kiến thức cũng như tinh thần để không bị sốc nếu những điều đó xảy ra.

Nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ với người thân trước khi sinh

Nếu là lần đầu làm mẹ, chắc chắn bạn sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Nếu được, hãy nhờ tới sự hỗ trợ của bà, chị gái… những người có kinh nghiệm hơn. Còn nếu bạn đã làm mẹ, có con trước đó, việc nhờ mọi người trông con giúp trong những ngày sinh nở cũng là việc phải chuẩn bị từ trước để khi ngày sinh tới không bị bủa vây bởi trăm mối lo.

Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn” - 3

Hãy bàn bạc, thảo luận với chồng thật kỹ các vấn đề trước khi sinh để có những quyết định cùng nhau và sẵn sàng chào đón con yêu (Ảnh minh họa)

Nhờ người chăm sóc mẹ và bé sau sinh

Trong vài tuần đầu tiên sau khi sinh, hoặc thậm chí hai tháng đầu tiên, phải có người giúp đỡ bà mẹ mới sinh 24 giờ một ngày, điều này tốt cho cả mẹ và con. Những người mẹ nhận được sự giúp đỡ sẽ có quá trình chăm con, nuôi con suôn sẻ hơn sau này bởi vì thể lực của họ được phục hồi nhanh chóng hơn do có người hỗ trợ thời gian đầu.  

Hãy sắp xếp công việc giúp đỡ mọi người, chẳng hạn như mẹ ruột, mẹ vợ, hoặc  thuê giúp việc… Trao đổi trước với họ để họ hiểu trước nhiệm vụ của mình, có thể là những công việc hỗ trợ như làm việc nhà, nấu ăn hoặc chăm sóc em bé.

Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng làm mọi việc, do đó cần trao đổi kỹ, ví dụ như bạn chỉ muốn bà hỗ trợ trông con, còn việc dọn dẹp, nấu nướng sẽ tự mình làm… Có sự thảo luận kỹ trước đó sẽ giúp mọi chuyện trơn tru, thuận tiện và đúng như mong đợi của bạn hơn.

Biết những việc cần làm trong quá trình chuyển dạ

Trước khi cơn co thắt đầu tiên đến, bạn sẽ cần phải chuẩn bị sẵn sàng ví dụ như khi đó sẽ gọi cho ai, rồi tới bệnh viện nào, đi bằng phương tiện gì… bạn đều cần phải tính toán đến.

Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn” - 4

Quá trình chuẩn bị trước khi sinh càng tốt thì việc sinh nở diễn ra càng suôn sẻ, thuận lợi, hạn chế được rủi ro (Ảnh minh họa)

Bạn cũng cần lập kế hoạch trước cho tuyến đường bạn sẽ đi, từ việc đi đường nào nhanh chóng, thuận tiện, không bị tắc đường… Mọi sự chuẩn bị càng kĩ càng thì càng tránh được những rắc rối xảy ra.

Quyết định xem ai sẽ đồng hành cùng việc sinh con

Đây là một quyết định rất cá nhân. Một số bà mẹ thích mọi người trong nhà, bao gồm bạn đời, bà đỡ, một hoặc hai người bạn, mẹ ruột của họ và mẹ chồng để chứng kiến ​​điều kỳ diệu khi sinh con và hỗ trợ. Nếu bạn thuộc trường hợp này, hãy đến bệnh viện hoặc nơi bạn lựa chọn sinh nở để xem có bao nhiêu người được phép. Còn nếu như bạn thuộc kiểu người không thích có quá nhiều người tham dự, hãy cân nhắc xem sẽ để những ai đi cùng bạn hôm sinh.

Chuẩn bị sẵn sàng bộ đồ đi sinh đẻ

Khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, đừng để bản thân khi đó phải loay hoay nghĩ xem còn mang thiếu cái gì hay không. Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ, từ đồ dùng của mẹ tới những thứ cần cho bé. Ngày dự sinh đến, khi có dấu hiệu chuyển dạ, chỉ cần xách túi đồ đó đi là được. Hãy lên danh sách những thứ cần chuẩn bị và soạn ra từ trước, khi đó ngay cả khi bạn không “chỉ đạo” thì người nhà cũng chỉ việc cầm đi mà không phải cuống cuồng tính toán xem còn thiếu gì.

Mang bầu, mẹ bình tĩnh đến mấy cũng phải biết những điều này trước khi “lâm bồn” - 5

Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ, từ đồ dùng của mẹ tới những thứ cần cho bé. Ngày dự sinh đến, khi có dấu hiệu chuyển dạ, chỉ cần xách túi đồ đó đi là được. (Ảnh minh họa)

Đừng cảm thấy áp lực khi phải chuẩn bị tất cả các sản phẩm cần thiết cho bé. Bạn không cần phải chuẩn bị tất cả mọi thứ cho bé cùng một lúc mà có thể mua sắm dần dần sau này.

Đây là những điều mẹ bầu chuẩn bị trước khi vào phòng sinh, nếu nghiêm túc thực hiện được thì chắc chắn sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, tránh bối rối.

Sau sinh con với chồng kém 10 tuổi, Thu Thủy từng buồn phiền vì vóc dáng rất tệ, rất xấu
Thu Thủy cho biết thời điểm mới sinh, cô cảm thấy tự ti vì những thay đổi trên cơ thể.
Minh Khuê Theo Sohu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh nở vuông tròn