Sau khi ăn món ăn yêu thích, mẹ bầu này bị ngộ độc, tiêu chảy nặng, cuối cùng dẫn đến cái kết đau xót.
Gần đây, sự việc một người phụ nữ mang thai 7 tháng tại Thái Lan qua đời sau khi ăn vẹm xanh (một loại động vật thân mềm, hai mảnh vỏ sống ở các hồ nước ngọt, ... sông, những vùng nước mặn thủy triều lên xuống bên bờ biển) đã dấy lên lời cảnh báo về những loại thực phẩm mẹ bầu cần lưu ý trong suốt thai kỳ.
Theo thông tin từ cảnh sát, người phụ nữ mang bầu này tên Eamon Sopotho (33 tuổi, sống tại thành phố Kalasin) sống một mình trong phòng trọ. Một người hàng xóm đã thấy cô mua vẹm về ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn, Eamon bắt đầu đau bụng và tiêu chảy nặng. Mức độ của các triệu chứng khá nghiêm trọng khiến cô không thể tiếp tục đi làm. Tuy nhiên, thay vì gặp các bác sĩ ngay lập tức, đến ngày 1/10, tức là 2 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, cô mới đến bệnh viện để khám và xin giấy chứng nhận để nghỉ làm.
Cảnh sát và nhân viên y tế có mặt tại phòng trọ khi hàng xóm phát hiện mẹ bầu 7 tháng nằm bất tỉnh trong nhà.
Vài ngày sau, hàng xóm không thấy cô ra khỏi phòng. Ngày 3/10, một người cạnh nhà nhìn qua cửa sổ và phát hiện mẹ bầu này nằm bất tỉnh. Cảnh sát được gọi đến ngay sau đó và xác định cô đã tử vong cùng đứa con trong bụng. Trên người cô không hề có vết thương và trong phòng cũng không có dấu hiệu xô xát nên nguyên nhân tử vong được nghi ngờ là do tiêu chảy nghiêm trọng sau khi ngộ độc thực phẩm.
Vẹm xanh là một loại thực phẩm phổ biến tại Thái Lan và thường được chế biến thành các món ăn khác nhau từ hấp, luộc, chiên, thậm chí ăn sống. Ở các vùng nông thôn Thái Lan, vẹm xanh thường được ăn trực tiếp không qua chế biến nhiệt kèm với các loại nước sốt tự làm.
Vẹm xanh là món ăn khá phổ biến ở Thái Lan và nhiều nước châu Á.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư chuyên ngành Sản phụ khoa Teerapong Chareewit (đại học Chulalongkorn, Thái Lan) đã đưa ra lời cảnh báo về việc ăn vẹm sống không chỉ đối với phụ nữ mang thai mà tất cả mọi người.
"Không chỉ riêng gì phụ nữ mang bầu, tôi muốn cảnh báo tới tất cả mọi người rằng không nên ăn vẹm, sò hay các loại động vật cùng họ khác khi chúng chưa được qua chế biến nhiệt, đồng thời phải biết chúng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo vệ sinh hay không. Bởi tiêu chảy, tưởng chừng là một triệu chứng bình thường, nhưng khi đã ở mức độ nặng hoàn toàn có thể gây tử vong", PGS Chareewit nói.
Mẹ bầu không nên ăn các loại thực phẩm chưa qua chế biến, đặc biệt là hải sản.
Trường hợp tử vong đầy đau xót tại Thái Lan này là một lời nhắc nhở đối với các mẹ bầu. Trong thai kỳ, mẹ nên tránh tất cả các loại thực phẩm thô, tức là thực phẩm chưa qua chế biến, trong đó có hải sản.
Những rủi ro khi mẹ bầu ăn đồ tái sống
Nguy cơ nhiễm trùng
Cá sống và đặc biệt động vật có vỏ chứa nhiều tác nhân có thể gây nhiễm trùng. Trong khi một số vi khuẩn chỉ khiến mẹ bị tiêu chảy, mất nước thì một số khác có thể lây nhiễm cho em bé trong bụng và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Cá sống và đặc biệt động vật có vỏ chứa nhiều tác nhân có thể gây nhiễm trùng.
Nhiễm vi khuẩn Listeria
Một loại vi khuẩn phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương nhất có thể kể đến là Listeria. Listeria thường được tìm thấy trong đất, nước bẩn hoặc thực vật và cũng có thể có trong cá sống thậm chí là cá đã được sấy khô.
Listeria có khả năng di chuyển đến thai nhi qua nhau thai. Nhiễm trùng Listeria ở thai nhi có thể dẫn đến sinh non, sảy thai, thai chết lưu và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Nhiễm khuẩn Salmonella
Trứng chưa nấu chín có thể chứa Salmonella – một loại vi khuẩn gây nôn, tiêu chảy và sốt. Hiếm nhưng Salmonella cũng có thể gây co thắt tử cung khiến mẹ bầu sinh non hoặc thai chết lưu.
Trứng chưa nấu chín có thể chứa Salmonella – một loại vi khuẩn gây nôn, tiêu chảy và sốt.
Bị tiêu chảy khi mang thai cần làm gì?
Tiêu chảy khi mang thai có thể gây ra những nguy hiểm với sức khỏe. Nếu mẹ bầu bị tiêu chảy hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Ngoài ra mẹ cũng nên:
- Uống nhiều nước để giữ cơ thể không bị mất nước
- Ăn nhiều bữa ăn nhẹ
- Uống nước giàu chất điện giải thay thế nước lọc
- Tránh uống sữa, thực phẩm chứa caffeine, thức ăn giàu chất béo, thức ăn khó tiêu hóa và hải sản.
- Không nên tự ý uống thuốc ngăn tiêu chảy vì khi bị tiêu chảy là cơ thể đang thải ra các độc tố và tác nhân gây bệnh.
- Nếu tiêu chảy được chẩn đoán do nhiễm trùng, hãy tham khảo và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.