Gây tê tủy sống là phương pháp được nhiều chị em lựa chọn khi đi sinh để giảm đau nhưng trên thực tế phương pháp này có không ít tác dụng phụ.
Xem thêm video: Các mẹ Việt nói gì về phương pháp "đẻ không đau"?
Các nhà khoa học đã chứng minh cơn đau đẻ thậm chí vượt qua ngưỡng giới hạn đau đớn mà con người có thể chịu đựng và tương đương với việc gãy 25 chiếc xương sườn cùng lúc. Chính vì thế mà phương pháp “đẻ không đau” hay tiêm gây tê ngoài màng cứng không chỉ là một tiến bộ của y học mà còn là giải pháp “cứu cánh” cho "một nửa thế giới". Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này cũng có không ít tác dụng phụ mẹ nên cân nhắc trước khi lựa chọn.
Đau lưng
Đau lưng là tác dụng phụ dễ thấy và nhiều bà mẹ gặp phải nhất sau khi gây tê ngoài màng cứng. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do chấn thương mô trong quá trình kim tiêm đi qua các lớp da, mỡ, cơ và dây chằng.
Đau lưng là một trong những tác dụng phụ phổ biến của "đẻ không đau". (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong ấn bản năm 2006 về "Gây mê lâm sàng" của Tiến sĩ Wayne Kleinman, giám đốc khoa gây mê tại Trung tâm y tế ở Tarzana, California (Mỹ) đã nêu rõ 25-30% bệnh nhân được gây mê toàn thân cũng được báo cáo đau lưng nên có lẽ không chỉ người gây tê tủy sống mới đau lưng.
Trên thực tế, đau lưng hậu sản xuất hiện nói chung ở các sản phụ, không riêng sản phụ gây mê tủy sống. Các triệu chứng đi từ đau nhức nhẹ, đau âm ỉ đến đau dữ dội. Trong trường hợp hiếm hoi, đau lưng ở sản phụ từng gây tê tủy sống có thể là báo hiệu của một số vấn đề như tụ máu, tụ mủ cục bộ.
Đau đầu
Đau đầu là một tác dụng phụ khác mẹ có thể gặp phải khi gây tê ngoài màng cứng. Nguyên nhân gây đau đầu được giải thích là do sự rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, giãn mạch máu não và tăng áp lực não - tủy.
Chứng đau đầu thường xuất hiện từ 12-72 giờ sau khi sinh hoặc ngay lập tức sau quá trình sinh nở. Tuy vậy, đa phần chứng này sẽ hết sau một vài ngày.
Buồn nôn hoặc nôn
Khoảng 2-3 tiếng sau sinh, sản phụ sẽ có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Đặc biệt, các mẹ sinh mổ sẽ thường có triệu chứng này hơn. Tác dụng phụ này bình thường nếu thuốc tê vẫn còn tác dụng và trở nên “kinh hoàng” khi thuốc tê hết tác dụng. Bởi khi đó việc buồn nôn và nôn khiến sản phụ có cảm giác đau vết mổ.
Đau đầu, buồn nôn cũng là hiện tượng thường gặp sau khi gây tê ngoài màng cứng. (Ảnh minh họa)
Suy hô hấp và tuần hoàn nhẹ
Trong một số trường hợp, thuốc được sử dụng để gây tê tủy sống di chuyển cao hơn so với dự định trong tủy sống, gây ra tình trạng phong tỏa thần kinh (phong tỏa cột sống). Những phụ nữ béo phì, quá thấp và có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê sẽ có nguy cơ cao.
Những mẹ bị suy hô hấp và suy tuần hoàn sẽ có triệu chứng khó thở nhẹ, tê hoặc yếu ở cánh tay, vai và thân, tiếp theo là buồn nôn, có hoặc không kèm nôn. Tuy nhiên, tác dụng phụ này không đe dọa tính mạng nếu được can thiệp kịp thời, cho thở oxy và tiêm tĩnh mạnh để điều chỉnh nhịp tim và huyết áp.
Mẹ bầu nên cân nhắc kĩ, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định gây tê tủy sống. (Ảnh minh họa)
Ngứa
Ngứa là một trong những tác dụng phụ thường gặp khác khi gây tê tủy sống. Đây là một trong những phản ứng gây ra do nồng độ thuốc giảm đau được thêm vào trong liều thuốc gây tê tủy sống. Khi thuốc hết tác dụng (khoảng từ 12-24 giờ), tình trạng ngứa cũng giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mẹ vẫn có tình trạng ngứa nghiêm trọng hơn dù thuốc đã hết tác dụng.
Nói về những tác dụng phụ không mong muốn khi gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Ngọc (Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản TW) cho biết bên cạnh những ưu điểm như giúp cho sản phụ giảm được đau đớn trong chuyển dạ, cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng hơn, sản phụ hoàn toàn toàn thoải mái và không bị mất sức, làm cho sản phụ hết lo lắng và sợ hãi... thì phương pháp này có thể gây nên những tác dụng phụ ví dụ như: thuốc gây tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, nhưng đề phòng được bằng truyền dịch trước, trong khi gây tê. Cơn co tử cung có thể ảnh hướng phần nào bởi thuốc gây tê nhưng hoàn toàn khắc phục được bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co nhờ monitoring sản khoa và điều chỉnh bằng thuốc. “Sau khi đẻ một số sản phụ cho biết có cảm giác đau mỏi ở vùng lưng, nhưng đây là cảm giác thường có ở các phụ nữ mang thai cho dù không làm gây tê màng cứng”. Đau đầu sau đẻ cũng là một trong số những tác dụng phụ của phương pháp. Nếu nhẹ thì không cần điều trị cũng sẽ tự hết, nặng thì cần truyền dịch, dùng thuốc, bác sĩ cần hướng dẫn sản phụ về tư thế nằm, cách ăn uống nghỉ ngơi để sản phụ khỏi để không để lại di chứng gì. Nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp. Tai biến gây tụ máu ngoài màng cứng tại nơi gây tê rất hiếm gặp (tỷ lệ 0,04%). Tuy nhiên nếu tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng và quy trình kỹ thuật có thể giảm thiểu tối đa được biến chứng này. Bác sĩ Hoàng Ngọc cũng khuyến cáo: Các sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu, số lượng tiểu cầu quá thấp (<9000/ml), tiền sử bệnh thần kinh hoặc bệnh lý tủy sống, các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, có nhiễm trùng da vùng lưng… Hay những trường hợp đẻ khó như ngôi ngang, thai to, rau tiền đạo, người mẹ có khung chậu hẹp… đều không nên làm thủ thuật giảm đau trong đẻ. Còn các sản phụ có yêu cầu làm giảm đau, sản phụ đã được bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê hồi sức thăm khám trước đó đều có thể tiến hành thủ thuật gây tê ngoài màng cứng. |