Những yếu tố được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian bé ở trong bụng mẹ là kích thước thai nhi và quá trình trao đổi chất.
Các nhà nhân chủng học từ lâu đã giải thích rằng: trẻ con mới sinh ra rất yếu ớt và không thể tự lực được mà luôn cần người lớn chăm sóc, nguyên nhân là do kích cỡ khung xương chậu của người mẹ. Theo giả thuyết này, nếu trẻ con sinh ra với bộ não lớn hơn (nhận thức, tư duy phát triển hơn) thì chúng sẽ bị mắc kẹt trong ống dẫn sinh. Chính vì thế mà quá trình thai nghén đã kịp dừng lại trước khi thai nhi phát triển quá lớn. Đó cũng là lí do vì sao quá trình mang thai lại kéo dài trong 9 tháng.
Nhưng câu chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Một nghiên cứu được công bố ngày 27/8/2012 đã phản đối giả thuyết “kích thước xương chậu của người mẹ quyết định thời điểm em bé được sinh ra” và cho rằng, sự trao đổi chất ở người mẹ mới là nguyên nhân thực sự.
“Không có bất kì sự thúc ép đặc biệt nào từ khung xương chậu đến độ dài quá trình thai nghén và kích thước thai nhi”, Holly Dunsworth - nhà nhân chủng học, nhà nghiên cứu tại đại học Rhode Island – đã trả lời tờ LiveScience như vậy. “Người mẹ có khả năng trao đổi chất đến một mức nhất định nào đó, và khi đạt đến mức độ đó, đứa trẻ sẽ được ra đời.”, ông nói.
Con người lúc mới sinh ra đều kém phát triển hơn so với các loài linh trưởng khác: Bộ não của chúng ta khi mới sinh nhỏ hơn 30% kích thước khi đã trưởng thành, trong khi ở tinh tinh – một trong những loài linh trưởng có họ hàng gần gũi với con người nhất – tỉ lệ này là 40%. Thực tế, theo cuốn “A Zoologist Looks at Humankind” của Adolf Portmann (Đại học Colombia, 1990) cần phải mất thời gian từ 18-21 tháng, thay vì 9 tháng để thai nghén thì bộ não của trẻ sơ sinh mới đạt tới trình độ phát triển.
Những yếu tố được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian bé ở trong bụng mẹ là kích thước thai nhi và quá trình trao đổi chất. (ảnh minh họa)
Vấn để “làm sao để đầu em bé đi lọt qua khung xương chậu người mẹ” được coi là tình huống khó xử trong sản khoa. Các nhà nhân chủng học đã đặt ra giả thuyết rằng: do quá trình tiến hóa, để con người thích hợp với việc đi lại bằng hai chân mà vùng khung xương chậu của người mẹ đã nhỏ lại, vì thế mà kích thước não trẻ sơ sinh không được quá lớn nữa, kết cục mà trẻ đã ra đời sớm hơn thời điểm lí tưởng.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Dunsworth, như đã nói ở trên, đề nghị một cách giải thích khác. Theo bà, nếu xét đến kích thước cơ thể thì con người không hề rút ngắn quá trình mang thai của mình so với các loài khác. Khi xét đến tương quan kích thước cơ thể giữa con người và các loài linh trưởng khác, độ dài thời gian mang thai của con người xếp thứ hai, chỉ sau đười ươi và dài hơn khỉ đột và tinh tinh 37 ngày.
Cơ thể người mẹ ngoài ra còn tiêu tốn rất nhiều năng lượng cho thai nhi trong tử cung. Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng não người mới sinh lớn hơn não khỉ đột (gorilla) mới sinh là 47%. Kích cỡ trẻ sơ sinh cũng to gấp đôi khỉ đột mới sinh. Tóm lại, trẻ sơ sinh không phải có kích cỡ nhỏ hơn bình thường mà còn cực kì to lớn so với các loài khác.
Tiếp theo, Dunsworth và các cộng sự còn khám phá ra rằng việc đi đứng, chạy nhảy không bị ảnh hưởng bởi việc khung xương chậu to hơn, bác bỏ giả thuyết cho rằng khung xương chậu người mẹ phải nhỏ lại để phù hợp cho quá trình tiến hóa đi bằng hai chân, dẫn đến não trẻ sơ sinh phải nhỏ lại để chui lọt làm thời gian mang thai ngắn lại.
Vậy thì tại sao trẻ em lại được sinh ra sau 9 tháng chứ không phải thời điểm nào khác? Dunsworth cho rằng nguyên nhân là do sự trao đổi chất. Trong 6 tháng mang thai, người phụ nữ phải tốn gấp đôi lượng năng lượng thông thường để quá trình trao đổi chất được tiếp diễn, một công việc càng ngày càng vất vả trong khi bào thai càng ngày càng lớn dần lên. Tỉ lệ trao đổi chất lớn nhất điển hình mà con người có thể duy trì là khoảng 2-2,5 lần so với tỉ lệ bình thường (trừ trường hợp ngoại lệ xảy ra với các vận động viên). Điều đó có nghĩa cơ thể người mẹ không thể chịu được tình trạng này lâu hơn thời gian là 9 tháng.
Tuy nhiên, theo Wenda Trevathan – nhà nhân chủng học và sinh học tại Đại học Bang New Mexico thì kích cỡ xương chậu của mẹ và đầu trẻ sơ sinh vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh nở. Ngoài ra kích cỡ và hình dạng vai của trẻ cũng ảnh hưởng đến việc trẻ đi qua ống dẫn sinh như thế nào.