Chỉ vì nhầm lẫn tiền đình với bệnh tai mũi họng, người mẹ đã không cho con đi khám và điều trị kịp thời. Đến khi phát hiện thì việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian hơn, thậm chí không hồi phục được chức năng thần kinh như ban đầu
Bị rối loạn tiền đình lại tưởng sổ mũi thông thường
Rối loạn tiền đình là hội chứng rất hay gặp, tương đối đồng đều ở 2 giới, nhất là ở lứa tuổi từ 30-50 tuổi thường sẽ có những biểu hiện rõ ràng và có ý thức kiểm tra bệnh. Ngoài lứa tuổi trên, trẻ nhỏ và người cao tuổi cũng mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, do chủ quan hoặc nhầm lẫn với những bệnh lý khác nên thường phát hiện muộn và đến khi tiếp nhận điều trị sẽ gặp khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Hải Yến – Chuyên khoa Thần kinh cho biết qua quá trình khám và điều trị, bác sĩ từng gặp trường hợp bé gái mới 15 tuổi đã bị hội chứng rối loạn tiền đình. Điều đáng nói là trước đó gia đình đã tự ý mua thuốc điều trị, khiến bệnh càng nặng thêm.
Bác sĩ Yến cho biết trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.
Đó là trường hợp bé N.T.Q.H. (ở Hà Nội), trước khi được mẹ đưa đến bệnh viện thăm khám, bé H. có triệu chứng sổ mũi, ho húng hắng khoảng 2 tuần. Gia đình đã tự ra hiệu thuốc kể bệnh rồi mua thuốc về điều trị cho cháu nhưng các triệu chứng của cháu không khỏi được dứt điểm
Sau 3 lần điều trị bằng thuốc tự mua, cháu H. bắt đầu xuất hiện tình trạng ù tai, đặc tai, kèm theo triệu chứng chóng mặt… Khi đó, lo sợ con mắc bệnh nặng gia đình mới vội vàng đưa đến viện thăm khám.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, bác sĩ Yến chẩn đoán cháu H. bị viêm thần kinh tiền đình. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ mất rất nhiều thời gian (khoảng 3 tháng), vì cháu H. phải điều trị theo từng giai đoạn: đầu tiên phải điều trị chống viêm tích cực, sau đó là điều trị hồi phục chức năng thần kinh tiền đình.
“Đa phần các rối loạn về tiền đình mà có triệu chứng như ù tai, đặc tai, điếc thì người bệnh sẽ khám chuyên khoa tai mũi họng. Còn lại nếu có một số triệu chứng như việc đứng không vững, chóng mặt quay…, thì người bệnh có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Khi đó các bác sĩ thăm khám cụ thể sẽ có kết luận chính xác”, bác sĩ Yến cho hay.
Vệ sinh mũi họng sạch sẽ cũng là cách phòng rối loạn tiền đình.
Thường xuyên vệ sinh mũi họng, không tự ý điều trị
Qua ca bệnh trên, bác sĩ Yến cho rằng việc không thường xuyên giữ vệ sinh mũi họng sẽ làm tăng nguy cơ viêm vùng tai – mũi – họng, giảm sức đề kháng từ đó làm xuất hiện hội chứng rối loạn tiền đình ngoại biên.
Ngoài ra, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là các loại khói bụi độc hại sẽ gây ra các bệnh lý viêm mũi họng, nếu không điều trị sớm, triệt để sẽ gây viêm hệ thống tiền đình ngoại biên.
Thông thường, khi tình trạng viêm vùng hầu họng, viêm tai không được theo dõi và xử trí sớm, triệt để sẽ có nguy cơ tiến triển ảnh hưởng đến khu vực tiền đình ngoại biên (vùng các ống bán khuyên, ốc tai, thần kinh tiền đình). Vì thế, việc tăng cường ý thức vệ sinh tai mũi họng và thường xuyên dọn dẹp môi trường sống xung quanh là vô cùng quan trọng để phòng bệnh.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Yến cho rằng khi có bất kể biểu hiện nào khác lạ trên cơ thể thì bố mẹ nên đưa trẻ đến viện để được thăm khám, phát hiện, điều trị bệnh kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc, không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ vì mỗi lần mắc có thể do căn nguyên khác nhau. Vì thế nên có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên khoa sau đó mới dùng thuốc theo chỉ định.
“Hội chứng rối loạn tiền đình hiện nay đang ngày càng trẻ hóa. Thậm chí trẻ nhỏ cũng mắc hội chứng này. Tuy nhiên, các rối loạn tiền đình dễ bị coi thường không nghĩ đến, phụ huynh hay tự ý mua thuốc điều trị, có khi lại điều trị theo kinh nghiệm, thuốc nam, thuốc bắc… hoặc theo các chỉ dẫn qua mạng vì nghĩ chỉ là cảm cúm, viêm tai mũi họng thông thường.
Tôi khuyên mọi người rằng, khi có bất cứ biểu hiện nào bất thường thì nên đi khám ngay, bởi tất cả các bệnh nói chung và rối loạn tiền đình nói riêng nếu được phát hiện sớm thì thời gian và hiệu quả điều trị sẽ rất cao, tiết kiệm tiền bạc và hạn chế biến chứng không đáng có”, bác sĩ Yến khuyến cáo.