Sự việc đau lòng trên vừa xảy ra tại Tuyên Quang, hiện 1 cháu đã tử vong, cháu còn lại đưa về Hà Nội cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 15/4, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã xảy ra sự việc đau lòng khi 2 anh em ruột phải nhập viện cấp cứu vì uống nhầm thuốc chuột. Nạn nhân là Đ.V.A (SN 2013) và cháu Đ.H.M. (SN 2015) bị ngộ độc tại nhà bà ngoại.
Mẹ 2 cháu cho biết, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bố mẹ bé đã gửi 2 bé sang nhà ông bà trông giúp trong thời gian trẻ nghỉ học tránh dịch.
Trước khi nhập viện 30 phút, gia đình phát hiện trẻ nôn nhiều, mệt… hỏi trẻ mới biết trẻ đã tự bắc ghế lên để lấy lọ nước màu đỏ ở trên thành cửa sổ để uống. Gia đình nghi bé đã uống nhầm thuốc diệt chuột nên đã đưa bé đến bệnh viện để cấp cứu.
Khi đưa đi cấp cứu 2 cháu ở trong tình trạng li bì, gọi hỏi không biết, da xanh tái lạnh… các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, rửa dạ dày, thở máy, chống co giật, bù dịch…
Hình ảnh lọ thuốc chuột 2 cháu bé uống nhầm.
Mặc dù các y, bác sỹ đã hết sức tận tình cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch cháu Đ.V.A. đã tử vong, còn cháu Đ.H.M. được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Giang - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, các gia đình hãy cất thuốc diệt chuột và các loại hóa chất cẩn thận, để cao khỏi tầm tay với tới của trẻ. Nếu phát hiện trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột hoặc các hóa chất độc hại, cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được các bác sỹ cấp cứu, giải độc. Khi đi nhớ mang theo vỏ thuốc hoặc chai hóa chất mà trẻ uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết tai nạn trẻ nhỏ uống nhầm hóa chất, thuốc diệt chuột rất thường gặp phải. Trẻ uống nhầm các hóa chất này thường để lại hậu quả khá nặng nề, thậm chí có thể gây tổn thương phổi hay suy hô hấp. Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu kịp thời là vô cùng quan trọng.
Cách sơ cứu thông thường các bậc phụ huynh hay thực hiện khi phát hiện người ngộ độc hóa chất là móc họng để nạn nhân nôn chất độc ra tuy nhiên cách này không phải lúc nào cũng hữu nghiệm, đôi khi còn gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì thế, nếu nạn nhân còn tỉnh cần nhanh chóng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trường hợp nạn nhân hôn mê, co giật thì không gây nôn mà gọi cấp cứu đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện.