Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, đĩa giò, đĩa chả là món ăn chắc chắn phải có. 4 quán giò chả dưới đây sẽ giúp cho mọi người có thể chuẩn bị được mâm cỗ Tết đủ đầy nhất.
Cũng như gà và bánh chưng, giò chả là món ăn xếp vào hàng không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết. Đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn chắc chắn phải có.
Ở Hà Nội bây giờ chẳng thiếu những địa chỉ bán giò chả, nhưng nếu muốn tìm đúng hương vị của ngày xưa thì bạn nên ghi lại các địa chỉ bán giò chả, bánh chưng gia truyền nổi tiếng sau đây.
Đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn chắc chắn phải có.
Giò chả Ước Lễ ở Trung Tự
Giò, chả Ước Lễ từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước bởi sự tinh tế của người làm qua hàng mấy trăm năm. Đến giờ, những người trong làng đã mang bí quyết làng nghề đi khắp nơi để làm vốn lập nghiệp. Trong đó, Hà Nội là một trong những nơi mà nhiều người Ước Lễ lựa chọn để lập nghiệp nhất.
Một địa chỉ giò chả Ước Lễ chính hiệu ở Hà Nội đó là trong khu chợ phường Trung Tự của nghệ nhân giò chả Nguyễn Đức Bình.
Giò chả Ước Lễ nổi tiếng bao lâu nay.
Với hơn 30 năm gắn bó với nghề làm giò chả, ông không chỉ góp phần mang thương hiệu giò chả làng Ước Lễ có từ 500 năm trước ra Hà Nội mà còn xây dựng được thương hiệu giò chả riêng của chính mình bởi sự tinh ý trong cách chọn nguyên liệu và bí quyết riêng trong cách làm giò chả.
Ông Nguyễn Đức Bình.
Đối với gia đình ông Bình, ông đã tự tìm hiểu và học các cụ cao niên xưa về bí quyết làm giò dai, để được lâu. Sau thời gian tìm tòi, đặt nhiều câu hỏi, ông biết được lý do vì sao ngày xưa dùng mật mía cho vào giò vẫn giòn, dai, bền. Đó chính là bởi trong mật mía có chút vôi ăn trầu.
Ông luôn chú trọng đến việc chọn nguyên liệu thịt ngon, nhìn tế bào thịt khỏe và dựa theo công thức pha chế, sự tinh mắt để lấy cần bằng âm dương trong từng miếng thịt. Bên cạnh đó, lựa chọn nước mắm thơm ngon để những miếng giò, chả luôn dậy mùi thơm.
Giò chả Hàng Bông
Giò chả Quốc Hương trên phố Hàng Bông cũng là một trong những cửa hàng giò chả người làng Ước Lễ. Quán có thương hiệu lâu đời, ngon nức tiếng Hà Nội nên dù đông, người sành ăn vẫn cố chờ đợi để mua bằng được.
Quán còn bán bánh chưng, nổi tiếng không kém gì giò chả. Bởi vậy cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người sẽ thấy không biết bao nhiêu người xếp hàng đứng mua ở đây, nối dài ra đến tận ngoài cửa nhà khác chờ mua.
Cửa hàng giò chả ở Hàng Bông luôn tấp nập người đến mua.
Bí quyết làm miếng giò ở đây thơm, ngọt, dai mà vẫn mềm là phải lấy thịt từ lúc xả lợn, còn nóng hổi, sau đó quạt nguội rồi cho vào giã kỹ bằng tay. Nước mắm cho vào giò, chả cũng rất quan trọng và được lựa chọn rất kỹ lưỡng.
Quán mở từ 7h-22h. Giò các loại giá từ 230 – 270 nghìn/kg còn chả các loại từ 230 – 250 nghìn/kg.
Giò chả Phúc Lộc Trần Khát Chân
Giò chả Phúc Lộc trên phố Trần Khát Chân cũng là một địa chỉ nổi tiếng không kém và được nhiều người biết đến. Nguyên liệu làm giò luôn tươi mới nên mỗi miếng giò, chả đều mềm, thơm, ăn không ngán. Đặc biệt, món chả của cửa hàng với vị hơi ngọt, dai và thơm mùi quế cũng là một phần lý do khiến nhiều người mê giò, chả ở đây.
Món chả của cửa hàng với vị hơi ngọt, dai và thơm mùi quế cũng là một phần lý do khiến nhiều người mê giò, chả ở đây. (Ảnh: FB)
Ban đầu, cơ sở chính gốc của quán ở khu chợ Giời, sau này quán mở ra nhiều chi nhánh ở Hà Nội hơn phục vụ mọi người.
Quán bán 5 loại giò là giò lụa, giò bò, giò tai, giò nấm, giò xào còn chả có 4 loại là chả cốm, chả bò, chả bì, chả lụa. Giá giò bò, giò lụa khoảng 250 nghìn/kg. Giò nấm giá 200 nghìn/kg. Giò xào và chả lụa giá 150 nghìn/kg.
Giò chả Dũng Hạnh phố Lê Đại Hành
Mặc dù mới mở được 15 năm nhưng quán giò chả trên phố Lê Đại Hành này cũng được nhiều người yêu thích và ghé đến. Ngoài bán giò chả, quán còn bán bánh mì chả từ sáng đến tối với khoảng một nghìn chiếc mỗi ngày.
Chả ở Lê Đại Hành cũng được nhiều người yêu thích.
Chủ quán là chú Lê Văn Dũng (56 tuổi). Thời gian đầu làm nghề, chú gặp khá nhiều khó khăn bởi việc bán giò chả không đủ đảm bảo thu nhập, trang trải cuộc sống mỗi ngày. Để có được thành công và được thực khách đón nhận như ngày hôm nay, chú Dũng cho biết, đó là một hành trình đầy gian nan và đã từng “đánh đổi” không biết bao nhiêu mẻ giò, chả hỏng.
“Thời điểm đầu, tôi làm hỏng mấy chục cân giò, chả phải cho vào bao tải mang đi đổ xa khu vực mình ở không sợ người ta phát hiện, ngại.
Mặc dù đã khắc phục được nhưng chất lượng giò vẫn chưa đẩy được lên. Mọi người mách chỗ nào ăn ngon tôi lại đến đó mua ăn thử để cảm nhận, xem điểm nào mình kém rồi tìm hướng giải quyết.
Mày mò mãi, tôi mới rút ra kinh nghiệm và thấy nó đơn giản rồi sau đó vượt cấp người ta. Thế nhưng đó cũng là cả một quá trình, không chỉ thay đổi nguyên liệu thịt, cách luộc, thời gian luộc, nước mắm tôi cũng tìm hiểu sau mỗi lần đi du lịch, đến những vùng làm nước mắm cốt đặt về thử”, chú Dũng chia sẻ.
Để làm được giò chả ngon, chú Dũng làm hỏng không biết bao nhiêu mẻ giò, chả.
Giá giò lụa ở quán chú Dũng là 200 nghìn/kg, còn giò bò là 250 nghìn/kg.