Sau khi đăng tải, món bánh rán nhân mặn của chị Tô Thị Hưng Giang (Hoàng Mai, Hà Nội) đã được rất nhiều chị em quan tâm và không ngại ngần bấm like vì thích thú.
Bánh rán nhân mặn là thứ ăn vặt được rất nhiều người yêu thích. Cuối buổi chiều, đi qua các hàng bán bánh rán mặn, người ta sẽ thấy nhiều chị em đứng xếp hàng để mua thứ bánh thơm ngon này về cho cả nhà thưởng thức, nhất là trong những ngày đông lạnh giá.
Bánh rán mặn hút người ăn bởi độ nóng hổi, vỏ bánh dai giòn, nhân bánh gồm thịt, mộc nhĩ, miến, hành thơm phức… chấm với nước mắm chua ngọt hay tương ớt, tương cà đều vô cùng thú vị. Vì bánh ngon nên chị Tô Thị Hưng Giang (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã tìm hiểu và làm thử bởi cách làm cũng không quá phức tạp. Sau khi bánh thành công, chị đã đăng công thức và thành phẩm lên mạng xã hội và nhận được rất nhiều lượt like cũng như lượt chia sẻ.
Chị Tô Thị Hưng Giang cho biết, chị có sở thích tìm hiểu và nấu những món ăn mà chồng con chị thích
Chị Giang cho biết, món bánh rán mặn mà chị làm là dựa theo công thức của một trang hướng dẫn nấu ăn. Khi món bánh hoàn thành, chị vô cùng thích thú nên đã đăng hình ảnh bánh lên hội nhóm nấu ăn và được chị em nhiệt tình ủng hộ.
Chị Hưng Giang và hai con trai
Chị cho biết, “mình cũng khá là bất ngờ vì bánh rán mặn là món ăn vặt quen thuộc với tất cả mọi người. Nó không phải là món ăn mới hay đặc biệt nhưng mọi người vẫn luôn dành cho nó sự quan tâm và hứng thứ đặc biệt”.
Chị Giang vui mừng chia sẻ, khi thưởng thức món bánh chị làm, mọi người trong gia đình chị rất thích và khen bánh có hình thức đẹp. “Vì bánh không bị xẹp kể cả khi bánh đã nguội, cắn một miếng thấy vỏ ngoài giòn giòn, bên trong dẻo, có thể cảm nhận được các vị từ vị mặn, ngọt dịu, vị ngậy thơm của thịt băm, sần sật của mộc nhĩ, và vị chua cay của bát nước chấm kèm dưa góp cà rốt, đu đủ, su hào...”.
Chị Giang cho biết, bản thân chị rất bất ngờ khi đăng công thức món bánh rán mặn của mình lại được nhiều người thích đến vậy
Theo chị Giang, “bí quyết để món bánh rán mặn trở lên ngon là kỹ thuật nhào bột. Bột nhào xong không được quá ướt hoặc quá khô. Nếu không sẽ làm bánh nứt hoặc khó bọc nhân, bột phải có thời gian nghỉ, nhân khô, nhiệt độ dầu nóng vừa phải khi chiên. Lưu ý nữa khi chiên luôn để bánh ngập trong dầu...”.
Khi ăn bánh rán mặn có thể cảm nhận được các vị từ vị mặn, ngọt dịu, vị ngậy thơm của thịt băm, sần sật của mộc nhĩ, và vị chua cay của bát nước chấm kèm dưa góp cà rốt, đu đủ, su hào...”, Chị Giang chia sẻ
Với một chiếc bánh rán mặn hoàn thiện, bánh sẽ nở tròn đẹp không bị nứt, nổ, vỏ ngoài vàng ruộm và giòn, lớp bên trong dẻo tách khỏi phần nhân bên trong, nhân chín mềm và thơm nức.
Dưới đây là công thức làm bánh rán mặn mà chị Giang đã thực hiện theo: Nguyên liệu: Phần vỏ bánh - 250gr bột gạo nếp; 50gr bột gạo tẻ; 1 củ khoai tây; 20gr đường; 1 nhúm muối; 200 ml nước ấm; 300-400ml dầu ăn để chiên bánh Phần nhân bánh: - 150gr thịt nạc vai xay nhỏ; 1 củ cà rốt; 20gr hoặc 1 lọn miến khô; 3 cái nấm mộc nhĩ; 20gr hành tây - 5ml dầu ăn; 1 thìa cà phê bột nêm Cách làm Bước 1: Làm vỏ bánh: Khoai tây luộc chín, lột vỏ nghiền mịn lấy khoảng 50gr. Trộn chung bột gạo nếp, bột gạo, đường, muối với nhau. Đổ từ từ nước ấm vào nhồi cho bột thành một khối dẻo, mịn không dính tay không được nhão quá, sau đó trộn khoai tây đã nghiền mịn vào. Để bột nghỉ khoảng 1 giờ cho bột ngậm đủ nước. Thịt nạc vai băm nhuyễn hoặc xay nhỏ. Cà rốt gọt vỏ bào sợ nhỏ. Miến ngâm nước cho nở (nhưng không nên ngâm lâu quá để khi cho vào phần nhân bánh miến tiếp tục hút nước trong bánh), cắt nhỏ. Bước 2: Làm nhân: Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch cắt nhỏ. Hành tây băm nhỏ. Trộn tất cả câc nguyên liệu ở phần nhân với nhau, chia thành các nắm nhỏ (khoảng 12 phần, mỗi phần khoảng 25gr).
Chia bột thành 12 phần mỗi phần khoảng 50gr. Lấy từng viên bột, ấn dẹt cho phần nhân vào giữa, nặn thành hình ô van. Làm lần lượt cho đến hết phần bột và nhân. Sau khi đã xong tiếp tục lấy màng bọc thực phẩm bọc lại và để bánh nghỉ thêm 1 giờ nữa. Bước 3: Pha nước chấm chua ngọt: pha đường với chanh khuấy đều cho đường chanh tan vào nhau (tỉ lệ khoảng 15ml nước chanh và 25gr đường), từ từ đổ nước mắm vào, thấy vừa ăn thì dừng lại, thêm ớt, tỏi băm tuỳ khẩu vị. Bước 4: Làm dưa góp: Món này cũng không thể thiếu món dưa góp ăn kèm: đu đủ, cà rốt, su hào thái mỏng trộn chút dấm đường, khi ăn thêm vào phần nước chấm cho đỡ ngấy.
Bước 5: Chiên bánh: thả từng viên bánh vào chảo dầu đang sôi, nhớ là đổ ngập dầu, khoảng 300-400ml dầu, thử nhiệt độ bằng cách nhúng đũa vào dầu thấy sủi nhỏ kiểu sủi tăm. Nếu sôi to hơn là dầu nóng quá sẽ làm bánh bị nổ. Khi thấy bánh chín vàng đều và nổi lên vớt ra rổ cho ráo dầu là được.
|