Bằng tình yêu và lòng đam mê với ẩm thực, chàng trai trẻ Đặng Huy Nghĩa vượt qua nhiều khó khăn để trở thành một đầu bếp chuyên decor (trang trí) món ăn trong nhà hàng cao cấp ở Hà Nội.
Được bố mẹ định hướng cho chuyên ngành học ngoại ngữ để có một tương lai tốt hơn nhưng cuối cùng vì đam mê với ẩm thực, Huy Nghĩa (23 tuổi) lại lựa chọn một con đường riêng bất chấp sự phản đối từ phía gia đình.
Sau những cố gắng phấn đấu và học hỏi cùng sự thuyết phục ba mẹ, Huy Nghĩa đã trở thành đầu bếp cho một nhà hàng cao cấp ở Hà Nội chuyên decor (trang trí) cho các món ăn, một việc đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo không ngừng.
Đam mê vượt qua rào cản gia đình
Bắt đầu từ khi nào bạn yêu thích công việc tỉa củ quả?
Mình cũng không rõ từ lúc nào niềm đam mê của một người đầu bếp đã ngấm vào máu mình như bây giờ nữa. Có lẽ là từ rất rất lâu rồi, lúc mình còn bé xíu cơ. Bà là người nhóm lửa cho niềm đam mê của mình. Bà nấu ăn ngon lắm! (cười).
Có lẽ mình là một đứa trẻ may mắn khi tuổi thơ của mình được ăn những món ăn dân dã thôi, nhưng lại rất ngon do bà nấu. Lúc ấy, chưa biết tương lai sẽ như thế nào nhưng mình có một quyết tâm được nung nấu ghê gớm lắm: “Mai sau con sẽ trở thành một đầu bếp thiệt là giỏi để nấu những món ăn ngon cho những người thương yêu, đặc biệt là những người phụ nữ trong cuộc đời con như là bà và mẹ”. Cho đến ngày hôm nay thì mình đang bước đi trên con đường thực hiện ước mơ nhỏ bé ấy (cười).
"Bà là người nhóm lửa cho niềm đam mê ẩm thực của mình", Huy Nghĩa chia sẻ
Để bước đi trên con đường ấy như ngày hôm nay, mình cũng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy nản và ngừng đam mê cả.
Ở lứa tuổi của mình, khi học xong lớp 12, bước sang một bước ngoặt mới, theo đuổi con đường nghệ thuật thật sự là xa xỉ. Vì các bậc cha mẹ luôn muốn định hướng cho con cái theo một ngành nghề gì đó ổn định như bác sĩ, giáo viên,… Bố mẹ của mình cũng vậy, cũng đã định hướng cho mình theo học ngoại ngữ. Để không làm bố mẹ phải phiền lòng, mình đã có suy nghĩ: “Học ngoại ngữ xong sẽ theo đuổi đam mê của mình sau”. Và mình cũng đã tin, mình sẽ thực hiện được suy nghĩ đó.
Tỉa củ quả chắc chắn phải đòi hỏi sự khéo léo, vậy sự khéo léo ấy có phải là do thừa hưởng từ người thân?
Chắc chắn rồi. Vì cả ba và mẹ mình đều rất khéo tay, đặc biệt là bà của mình. Bà nấu ăn nấu ăn rất ngon.
Huy Nghĩa thừa hưởng sự khéo léo từ bà và ba mẹ
Là con trai, lại theo đuổi công việc giống như nội trợ, ba mẹ Huy Nghĩa ngay từ đầu phản đối hay ủng hộ?
Như mình đã tâm sự, để được bước đi trên con đường như hiện nay, mình cũng đã trải qua không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên, cũng là khó khăn lớn nhất mà mình phải vượt qua. Đó là từ phía gia đình. Bố mẹ nào thì cũng thương con cái, cũng mong cho con mình tương lai có một cuộc sống ổn định. Nên khi biết mình theo đuổi đam mê hơn là định hướng thì cũng đã phản đối kịch liệt, cũng đã khuyên bảo, phân tích những khó khăn nếu mình chọn đi theo đam mê sẽ như thế nào?
Thời gian lựa chọn giữa đam mê và con đường Đại học, mình đã khiến bố mẹ phiền lòng không ít. Thế nhưng, sau hơn một năm gắn bó với công việc này mình, bằng nỗ lực và những gì đã làm được, mình đã thuyết phục được bố mẹ, gia đình thay đổi được suy nghĩ. Hiện tại thì mình luôn nhận được sự ủng hộ từ phía bố mẹ và gia đình. Mình tin là có niềm đam mê với những gì mình thích thì sẽ có nhiệt huyết để thay đổi được tất cả.
Bố mẹ từng phản đối Huy Nghĩa theo đuổi nghề bếp
Vươn tới thành công
Duyên nghề đến với Huy Nghĩa như thế nào?
Bước vào năm thứ nhất đại học, mình đi làm thêm tại một quán cà phê ở Ngã Tư Sở. Khi được nhìn một số mẫu hoa quả cắt tỉa của các anh chị trong Bar décor, mình thực sự bị cuốn hút. Bạn không thể tưởng tượng được cảm giác hứng thú của mình lúc đó như thế nào đâu. Mình tò mò, mình thấy thú vị. Mình đã có những sản phẩm cắt tỉa từ hoa đầu tiên, nhưng nó không được đẹp và nghệ thuật cho lắm!
Có lẽ đam mê của mình rõ ràng hơn khi bước sang năm thứ 2 đại học. Mình đi làm thêm với công việc liên quan đến đầu bếp. Càng làm mình càng cảm thấy ham muốn học hỏi, thích thú đối với công việc này. Nó mới chính là con đường thích hợp nhất mà mình nên đi.
Mình nghĩ được sống và làm việc với niềm đam mê thì sẽ có nhiều cống hiến hơn cho xã hội. Hiện tại với công việc điêu khắc, cắt tỉa này không những mình được thỏa sức với đam mê mà còn là nguồn thu nhập chính cho cuộc sống của mình nữa.
Những tác phẩm rất đẹp mắt của Huy Nghĩa
Lần đầu tiên bạn thử sức với việc này như thế nào?
Lần đầu tiên mình cắt tỉa xấu lắm. Bạn thử tưởng tượng xem những sản phẩm điêu khắc, cắt tỉa có hình khối, có hồn sinh động như thật từ hoa, quả được tạo ra do chính bàn tay của mình từ lần đầu tiên ấy, hạnh phúc biết bao! Đó là sự nỗ lực, kiên trì của chính bản thân mình.
Theo bạn, nghệ thuật tỉa củ quả cần nhất những yếu tố nào?
Mình nghĩ, điêu khắc, cắt tỉa củ quả cũng là một môn nghệ thuật. Nên, trước hết đòi hỏi ở người làm công việc này phải có niềm đam mê, nhiệt huyết và sự sáng tạo. Bên cạnh đó phải cần cù, tỉ mỉ, cẩn thận, ham học hỏi… Như vậy mới tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thật sự.
Điêu khắc, tỉa củ quả đòi hỏi ở người làm công việc này phải có niềm đam mê, nhiệt huyết và sự sáng tạo. Bên cạnh đó phải cần cù, tỉ mỉ, cẩn thận, ham học hỏi… Như vậy mới tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thật sự
Với Huy Nghĩa, tỉa củ quả theo một khuôn mẫu hay cần sự sáng tạo?
Mình nghĩ là không riêng cái nào cả. Vì phải trải qua khuôn mẫu bạn mới có nền tảng cho sự sáng tạo. Khuôn mẫu là vạch xuất phát cho người mới vào nghề. Còn sáng tạo là con đường trải dài cho người nghệ sĩ. Mà chúng tôi cũng là những người nghệ sĩ.
Theo bạn, sự tinh tế và phức tạp trong tỉa củ quả có phù hợp với tất cả các bà nội trợ không?
Theo mình sự tinh tế và phức tạp trong cắt tỉa củ quả hầu như phù hợp với tất cả các bà nội trợ, chỉ có một số ít với những bà nội trợ thì cho kết quả ngược lại. Vì mình thực sự thấy phụ nữ nào cũng thích đẹp, thích những món ăn mình làm ra ngon miệng, đẹp mắt.
Trang trí giúp món ăn hấp dẫn hơn rất nhiều, Huy Nghĩa cho biết
Như bạn thấy đấy, việc ăn uống bây giờ không chỉ dừng lại ở việc ngon miệng mà còn phải đẹp mắt nữa. Song, thực tế thì có rất ít phụ nữ đủ kiên nhẫn, tỉ mỉ và sự tinh tế đối với những khó khăn, phức tạp trong công việc cắt tỉa củ quả mang lại.
Nhiều người cho rằng việc tỉa củ quả là không cần thiết, tốn kém nguyên liệu và thời gian, theo bạn như vậy có đúng không?
Vấn đề nào cũng tồn tại những ý kiến hai chiều và theo mình thì quan điểm trên cũng có phần đúng. Tỉa củ quả đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tốn kém về mặt nguyên liệu.
Thế nhưng, bù lại là khi tạo ra được những tác phẩm và cho mọi người chiêm ngưỡng thì những yếu tố kia sẽ biến mất khỏi suy nghĩ của mọi người vì cảm giác lúc ấy thực sự rất tuyệt vời.
Theo Huy Nghĩa, việc tỉa củ quả, trang trí món ăn thực sự là một nghệ thuật
Theo Huy Nghĩa, công việc tỉa củ quả đem lại cho nền ẩm thực những gì?
Sẽ ngon miệng hơn nếu bạn thưởng thức những món ăn được trang trí đẹp mắt. Điêu khắc, cắt tỉa củ quả là yếu tố tạo nên điều đó. Bàn ăn, bàn tiệc sẽ sinh động, lộng lẫy, hấp dẫn và lôi cuốn người thưởng thức hơn khi những món ăn được trang trí bằng những hình khối đẹp mắt, tinh xảo được điêu khắc từ những thực phẩm rất gần gũi xung quanh chúng ta.
Cảm ơn bạn rất nhiều về những chia sẻ này!
Về Huy Nghĩa - Tên đầy đủ: Đặng Huy Nghĩa, bạn bè thường gọi là Bụng Bự - Tuổi: 23. - Quê quán: Hải Dương - Sở thích: Phượt, du lịch cùng với bạn bè, thích đi chụp ảnh và lang thang trên các hẻm phố Hà Nội khi có thời gian rảnh rỗi. - Công việc hiện tại: Đầu bếp decor cho một nhà hàng cao cấp ở Hà Nội |