Những món sở trường như món mắm và các món nước do chị Quỳnh Hương làm đều được nấu qua hướng dẫn miêu tả của ông xã và mẹ chồng.
Mỗi ngày niềm vui lớn nhất của chị Ngô Đoàn Quỳnh Hương, hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ là trở về ngôi nhà sau một ngày dài với căn nhà sáng đèn và một mâm cơm nóng hổi. Dù công việc có bận rộn đến mấy, chị vẫn luôn cố gắng giữ ấm ngôi nhà bằng cách để cho căn bếp đỏ, nấu những bữa cơm thật ngon cho gia đình.
Chị Quỳnh Hương và con trai.
Kinh nghiệm từ những thất bại
Chị Quỳnh Hương đang có một bé trai 2 tuổi, vì muốn dành thời gian cho con 3 năm đầu đời nên hiện tại chị làm mẹ toàn thời gian và phụ giúp ông xã một số công việc tại nhà.
Hiện nay, cuộc sống ở Mỹ của chị thường bắt đầu vào 7h sáng khi con trai thức dậy. Chị cùng con vệ sinh răng miệng, ăn sáng, dành thời gian để chơi với con. Sau khi con tự ngủ trưa cũng là lúc chị bắt đầu nấu ăn. Và khi con ngủ dậy, chị sẽ để bé tự chơi, hoặc để bé cùng phụ những công việc đơn giản. Đó là cách giúp chị kết hợp chơi cùng con và hoàn thành luôn công việc của mình.
Chị dành 2 tiếng khi con ngủ trưa để nấu ăn và sau 5h chiều khi ông xã chơi với con chị sẽ làm những việc cần thiết, nghỉ ngơi và chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn ngày mai. Một ngày của chị sẽ kết thúc vào 10h tối.
Chị được mẹ truyền đam mê nấu nướng từ nhỏ.
Chia sẻ về cơ duyên bếp núc của mình, chị Hương cho biết đó như một cái duyên tiền định vì ngay từ lớp 5 chị đã bị thu hút bởi những trang sách nấu ăn. Đam mê đó cứ lớn dần lên từng ngày trong chị bằng hình ảnh thân thương của mẹ, người luôn truyền cảm hứng tình yêu với bếp dành cho chị. Nhờ đó khi bắt đầu cuộc sống xa nhà, chị thực sự có đủ tự tin bước vào bếp hơn.
“Điều đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian bắt đầu tập nấu những món ăn đầu tiên chính là những thực khách đầu tiên can đảm thử. Những người bạn cùng phòng thời thanh xuân, những thực khách vô cùng dễ tính lúc ấy là động lực để mình vào bếp hằng ngày. Và cuộc sống của những đứa con xa nhà lúc ấy trở nên ấm áp hơn khi cùng nhau quây quần bên mâm cơm”, chị Hương chia sẻ.
Vào bếp từ năm 18 tuổi tính đến nay đã gần 12 năm, điều chị có được lớn nhất là kinh nghiệm từ thất bại khi tích lũy được cách quán xuyến và sắp xếp thời gian ở trong bếp.
Những mâm cơm gia đình chị luôn được trang trí đẹp mắt.
Những món ăn quê hương trên đất Mỹ
Ở Mỹ, do không có điều kiện đi chợ hằng ngày như Việt Nam nên chị Quỳnh Hương thường sẽ đi 1 lần và nấu cho 1 tuần. Mỗi lần như vậy chị luôn phải biết mình cần nấu gì và nhà thiếu gì để mua những thứ cần thiết, đảm bảo bữa ăn phong phú cho gia đình.
“Để đảm bảo bữa ăn luôn phong phú, khi mình mua 1 miếng ba chỉ lớn mình sẽ mua thêm 1kg tôm, rau cải, rau sống và từ miếng thịt đó mình sẽ chia ra 1/2 kho với tôm, 1/2 sẽ luộc cuốn bánh tráng. 1/2 tôm còn lại mình sẽ nấu canh chẳng hạn.
Hoặc khi mình mua 1 con gà mình sẽ mua thêm xương, từ 1 con gà đó mình chia làm 2. 1/2 hầm chung với xương, dùng làm gà xé để ăn bún hoặc mì cho bữa sáng. 1/2 còn lại đem kho. Nếu hầm xương vẫn còn, mình cho thêm rau vào làm canh. Vị chỉ 1 con gà mình vừa có bữa sáng, vừa có bữa cơm trưa”, chị Quỳnh Hương chia sẻ bí quyết đi chợ của mình.
Mặc dù không có điều kiện để đi chợ thường xuyên và không phải lúc nào cũng đầy đủ nguyên liệu như ở Việt Nam nhưng vì sống ở đất đa chủng tộc nên chị có cơ hội khám phá nhiều nền văn hoá ẩm thực khác nhau. Chị có cơ hội để thử sức trong nhiều món ăn mới, làm phong phú thêm thực đơn hằng ngày.
Bên cạnh đó, chị luôn cố gắng nấu những món ăn Việt Nam để mang đến hương vị chuẩn truyền thống cho gia đình, nguôi bớt nỗi nhớ quê nhà.
Cơm hến là món ăn khiến chị nhiều cảm xúc nhất.
Chị rất thích làm những món bún mắm, bún nước.
Chị Quỳnh Hương tâm sự, ở Mỹ muốn nấu những món ăn chuẩn vị truyền thống thực sự không dễ với chị. Vì vậy để tìm được đúng mùi vị của quê hương chị đã phải thử rất nhiều nguyên liệu có sẵn đến khi nào thực khách được mời mỉm cười khi tìm được trong món ăn cảm giác thân thương ngày nào.
Chị nhớ nhất khi làm cơm hến vì không có hến tươi phải dùng hến trữ đông, chị đã phải đau đầu nghĩ cách giữ được vị truyền thống của món ăn. Đó cũng là món ăn mang đến cho chị nhiều cảm xúc nhất.
“Nhờ nấu ăn ngon mà mình nhận được ủng hộ từ các thành viên trong gia đình cũng như bạn bè. Và mình rất hay xung phong đảm nhận những bữa tiệc lớn trong những dịp lễ quan trọng.
Những bữa tiệc mình đảm nhận thường mang phong cách đồng quê, sử dụng vật liệu mây tre của làng nghề Việt Nam. Việc sử dụng những dụng cụ thân thuộc như nón lá, đòn gánh, mẹt tre với mong muốn quảng bá hình ảnh quê hương thân thương thông qua những món ăn truyền thống của các vùng miền khác nhau”, chị Hương cười kể.
Tuy nấu được rất nhiều món ăn nhưng sở trường của chị Quỳnh Hương vẫn là các món mắm và các món nước. Vì ông xã là người miền Trung, rất thích mắm các loại nên chị đã tập nấu những món ăn quê hương thân thuộc cho anh. Sinh ra ở cao nguyên Đắk Lắk chưa được thưởng thức những món ăn đó, hầu hết nấu qua miêu tả hướng dẫn của mẹ chồng và ông xã nhưng chị đã rất thành công với những món ăn này. Đặc biệt mẹ chồng, ông xã và mọi người đều phải hết lời khen món bún mắm thịt heo quay và bún bò Đà Nẵng do chị làm.
Do tính cầu toàn, đòi hỏi sự chỉn chu trong trong từng món ăn mình nấu, nên chị Quỳnh Hương luôn nghiêm khắc với bản thân. Chị luôn trau chuốt, trang trí cho món ăn sao đẹp mắt nhất bởi chị quan niệm rằng hình ảnh ban đầu của món ăn không chỉ kích thích thị giác mà còn bày tỏ tấm lòng mà người nấu gửi hết vào trong đó. Chính vì vậy, mỗi lần chị Quỳnh Hương chia sẻ những món ăn tự tay mình làm ai cũng phải thích thú và không ngớt dành lời khen vì sự đẹp mắt, cầu kỳ, tỉ mỉ.
Hiện nay, mặc dù cuộc sống ở Mỹ khá bận rộn nhưng chị luôn đề cao bữa cơm gia đình bởi chị thấy hạnh phúc khi là một người biết nấu ăn, là người giữ cho căn bếp luôn đỏ, ngôi nhà luôn ấm.
Những mâm cơm chị làm được trang trí cầu kỳ, đẹp mắt.