Thời điểm hiện tại, dâu tằm được bán với giá 35.000 - 50.000 đồng/kg.
Đầu hè, trên khắp các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội "nhuộm" màu tím đỏ của dâu tằm. Đây được coi là một trong những trái ngon mùa nắng mà các bà nội trợ tin tưởng, mua về chế biến cho gia đình. Ở Hà Nội, dâu tằm được bày bán nhiều tại các chợ như Thành Công (Đống Đa), Nam Trung Yên (Cầu Giấy),... trên khắp các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương,...
Một số tiểu thương cho biết, dâu tằm thường được nhập về từ các tỉnh ven sông Hồng như Thái Bình, Nam Định,... và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Những trái dâu chín mọng, vị chua thanh mát, chứa nhiều các loại vitamin nên được chế biến thành các món ăn ngon, trong đó phổ biến nhất là món si rô dâu tằm thơm mát.
Chị Quỳnh - một người bán hàng trên phố Nguyễn Chánh (Cầu Giấy) chia sẻ, ngay từ giữa tháng 4, khi dâu tằm chín rộ, chị đã nhập hàng về bán. Theo chị Quỳnh, dâu tằm rất dễ bị dập nát nên khi mua hàng chị phải lựa chọn thật kĩ.
"Khách hàng chủ yếu là các bà nội trợ, mua về ngâm làm thức uống cho gia đình khi thời tiết chuẩn bị bước vào hè. Mỗi ngày, tôi chỉ dám nhập khoảng 30 cân về bán. Bởi đặc thù của loại quả này, nếu không bán hết trong ngày, ngày hôm sau, dâu rất dễ bị hỏng. Khi bán, cũng phải chọn lựa thật nhẹ nhàng", chị Quỳnh cho biết thêm.
Mùa dâu tằm chín mọng cũng là lúc các bà, các chị, các mẹ rủ nhau mua dâu về ngâm đường làm thức uống giải nhiệt. Hàng năm, khi thời tiết chuẩn bị bước vào hè, chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) đều mua 1 - 2 cân dâu tằm về ngâm cho cả gia đình.
"Hết mùa dâu lại tới mùa mơ. Mỗi loại tôi ngâm 1 ít. Loại quả này, sau khi ngâm đường có vị thơm, chua thanh mát. Chỉ cần ngâm khoảng nửa tháng là có thể thưởng thức được. Hơn nữa, hai đứa trẻ nhà tôi lại rất thích uống thứ nước này. Bây giờ, cho con uống bất cứ thứ gì ngoài hàng, tôi cũng không an tâm", chị Thủy nói.
Dâu tằm theo chân gánh hàng rong đi khắp các tuyến phố Thủ đô những ngày đầu hè.
Mùa dâu tằm chín mọng cũng là lúc các bà nội trợ rủ nhau mua dâu về ngâm đường làm thức uống giải nhiệt.
Đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy) nhuộm sắc đỏ của dâu tằm.
Thời điểm hiện tại, dâu tằm được bán với giá 35.000 - 50.000 đồng/kg,
Vị thanh mát, chua chua, ngọt ngọt chạm đến vị giác của nhiều người.
Đặc điểm của dâu tằm rất dễ dập, nát nên khi bán, người bán hàng cũng phải rất nhẹ tay.
Không chỉ ngâm đường, dâu tằm ngâm rượu cũng giúp kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng.
Thứ quả này cũng có thể chế biến thành món mứt dâu - món ăn khoái khẩu của nhiều người.
Tại các khu chợ, dầu tằm ngâm đường cũng được bày bán nhiều phục vụ những khách hàng có nhu cầu.
Tham khảo cách ngâm nước dâu tằm, làm si rô dâu tằm, rượu dâu tằm dưới đây: Nguyên liệu: - 2kg dâu tằm chín - 1-1,2kg đường Cách làm: Bước 1: Cho dâu tằm vào chậu nước sạch, rửa nhẹ nhàng để dâu tằm ra hết bụi bẩn. Không nên rửa mạnh tay vì dâu chín rất dễ nát. Nếu sợ màu tím của dâu phai ra tay khó rửa bạn có thể dùng gang tay nấu ăn khi rửa dâu. Rửa khoảng 2-3 nước. Vớt dâu ra, để ráo. Bước 2: Đun sôi một nồi nước lớn, thêm một xíu muối, khuấy đều để muối tan. Khi nước sôi, tắt bếp, để cho nước nguội bớt rồi cho dâu vào chần trong vài phút (3 phút). Sau đó bớt dâu ra để cho ráo nước. Cách làm này sẽ giúp cho dâu không bị màng khi ngâm. Bước 3: Cho một lớp dâu vào trong khay chứa lớn. Cứ rải một lớp dâu lại đến một lớp đường cho đến khi hết. Đậy kín đường lại. - Làm nước dâu ngâm Nếu bạn chỉ ngâm dâu lấy nước, bạn có thể cứ để dâu như vậy từ 2-3 ngày là đường tan hết. Lúc này chỉ việc lấy nước dâu ra pha nước uống. Tuy nhiên, nước dâu rất dễ lên men, sau khi ngâm 2-3 ngày thì cho dâu vào các bình thủy tinh, cất trữ trong tủ lạnh nhé. Uống trong khoảng 2 tuần. - Làm si rô Nếu bạn làm si rô dâu, thì sau khi ngâm đường qua một đêm, cho dâu vào nồi đun sôi. Sau đó giảm lửa, đun thêm khoảng 35-40 phút. Nước trong quả dâu sẽ ra hết. Để dâu nguội. Lọc lấy phần nước si rô dâu cho vào lọ bảo quản. Còn phần quả có thể xay ra làm mứt, sên cho đặc lại rồi ăn kèm với bán mì hoặc làm bánh quy các loại… Hoặc để nguyên quả, sên cho chắc lại, để dành ăn vặt. Lưu ý, nếu ngâm nước dâu tươi, nước uống sẽ rất thơm và tươi ngon. Còn làm si rô dâu, nước si rô sẽ kém thơm hơn nhưng lại để được lâu hơn. - Làm rượu dâu Sau khi cho đường vào dâu, rồi để như vậy trong khoảng 1 tuần, lúc này đường đã tan hết, rồi đổ khoảng 1 lít rượu vào. Thỉnh thoảng dùng muôi nhấn mạnh để phần dâu bên trên ngấm rượu. Để ngâm như vậy khoảng một tháng là uống được. Cách uống nước dâu Khi thưởng thức, cho nước dâu và si rô dâu ra cốc, thêm nước, khuấy đều. Bỏ thêm vài viên đá uống cho mát nhé! Với cách ngâm nước dâu tằm kiểu này, đảm bảo ai cũng sẽ thích. |